Dòng vốn Hàn Quốc tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép hoạt động cho Công ty TNHH Chứng khoán JB Việt Nam - do một định chế tài chính Hàn Quốc sở hữu 100% vốn. Sự kiện này đánh dấu sự hiện diện ngày càng sâu rộng của dòng vốn đầu tư từ 'Xứ sở Kim Chi' vào TTCK Việt Nam. Qua đó, hứa hẹn sẽ thúc đẩy thị trường ngày càng sôi động và chuyên nghiệp.
Đổ xô đến “miền đất hứa”
JB Việt Nam là kết quả của vụ mua đứt CTCK Morgan Stanley Gateway (MSGS) - tiền thân là Chứng khoán Hướng Việt được thành lập tháng 12/2006. Thương vụ này trị giá 382,4 tỷ đồng (16,5 triệu USD), do The Kwangju Bank, Ltd - ngân hàng thương mại thuộc tập đoàn tài chính Hàn Quốc JB Financial Group thực hiện. Sau khi được cấp phép hoạt động, dự kiến JB Việt Nam sẽ được tăng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng.
Thị trường Việt Nam đang là “miền đất hứa” đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Trước JB Việt Nam, thị trường đã chứng kiến nhiều vụ thâu tóm các CTCK Việt Nam của các đối tác đến từ nước này. Năm 2018, Tập đoàn Tài chính KB (KBFG) đã mua lại CTCK Maritime (MSI) và đổi tên công ty thành CTCK KB Việt Nam (KBSV). Năm 2019, Tập đoàn Hanwha đã mua lại CTCK HFT và đổi tên thành CTCK Pinetree. Hay gần đây, tháng 9/2020, thị trường lại dậy sóng trước thông tin Asam Asset Management mua lại 3,45 triệu cổ phiếu Công ty CP Chứng khoán SJC (SJCS) - tương đương 65,01% cổ phần.
Đến nay, thị trường Việt Nam đã có sự hiện diện của 8 CTCK có vốn Hàn Quốc. Nhờ có sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ từ các tập đoàn mẹ, các công ty này đều được tăng vốn nhanh chóng. Trong 10 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất hiện nay trên thị trường các đại diện đến từ Hàn Quốc có 3 sự góp mặt là Mirae Asset, KBSV và KIS.
Thị trường sẽ được hưởng lợi
Sự có mặt của các công ty Hàn Quốc, hay bất kỳ nước nào khác, trên TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh sôi động nhằm chiếm lĩnh thị phần. Trong đó, đòi hỏi cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp nước ngoài phải nỗ lực hết sức để nâng cao chất lượng dịch vụ, công nghệ.
Với nguồn tài chính dồi dào, các CTCK Hàn Quốc gia tăng lợi thế cạnh tranh khi đua nhau hạ giá dịch vụ, cho vay ký quỹ với giá ưu đãi. Kể từ khi Thông tư 128/2018/TT-BTC được áp dụng, một số công ty còn miễn phí giao dịch chứng khoán để mở rộng thị phần.
Giới chuyên gia nhận định, chiến lược mở rộng thị phần của các CTCK Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng lâu dài đối với thị trường. Trong bối cảnh nhiều CTCK đang suy yếu về tài chính, chiến lược giá rẻ của nhóm này sẽ góp phần tái cấu trúc lại ngành chứng khoán.
Với sự cạnh tranh đến từ các doanh nghiệp nước ngoài, các CTCK nội sẽ buộc phải thay đổi mạnh mẽ để giữ chân và thu hút thêm khách hàng. Những doanh nghiệp yếu kém không thích nghi được chắc chắn sẽ phải đào thải. Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này những đối tượng được hưởng lợi chính là nhà đầu tư và thị trường nói chung.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/