Dòng vốn margin: Lành mạnh hơn trong chu kỳ mới
Dòng tiền vay ký quỹ (margin) đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì thanh khoản trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, khác với các giai đoạn tăng nóng trước đây, bức tranh margin hiện tại được đánh giá là lành mạnh và bền vững hơn.

Tổng dư nợ margin toàn thị trường tính đến cuối tháng 6/2025 ước đạt gần 300.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử
Margin tăng: “Nước lên thuyền lên” và đỉnh lịch sử
Thị trường chứng khoán vừa trải qua hai tuần giao dịch đầu tháng 7 vô cùng tích cực, khi chỉ số VN-Index liên tục tăng, hướng tới chinh phục vùng đỉnh lịch sử 1.500 điểm. Thanh khoản giao dịch trên cả ba sàn duy trì trên ngưỡng tỷ đô, cho thấy tâm lý tự tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, dòng tiền margin đóng góp lớn vào việc thúc đẩy thanh khoản, giúp thị trường giao dịch sôi động hơn. Đúng như quy luật của các đợt tăng giá (uptrend), khi giá trị giao dịch và chỉ số tăng, margin cũng tăng theo.
Theo dữ liệu từ FiinTrade, tại thời điểm cuối quý I/2025, dư nợ margin của 70/85 công ty chứng khoán (nhóm chiếm 99,7% tổng vốn chủ sở hữu toàn ngành) đạt hơn 281.899 tỷ đồng, tăng 13,17% so với cuối quý IV/2024. Mức tăng trưởng này góp phần làm tăng thanh khoản và hỗ trợ hoạt động mua ròng của nhà đầu tư cá nhân. Đây là quý tăng trưởng thứ 9 liên tiếp của hoạt động cho vay margin.
Các báo cáo tài chính quý II/2025 cũng cho thấy xu hướng này. Tại Công ty Chứng khoán MB (MBS), dư nợ cho vay tăng lên hơn 12.795 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng tài sản và tăng gần 25% so với đầu năm, trong đó dư nợ cho vay ký quỹ (margin) chiếm 98%, cao nhất từ trước đến nay. Tương tự, Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) có dư nợ cho vay hơn 33.805 tỷ đồng, tăng 10,9% và đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) có dư nợ margin vượt mốc 20.000 tỷ đồng.
Nhiều công ty chứng khoán đã tiến hành tăng vốn điều lệ trong thời gian qua, nâng cao năng lực cho vay ký quỹ và cải thiện năng lực quản trị rủi ro.
Các công ty chứng khoán khác trong Top đầu về thị phần môi giới như Chứng khoán SSI, Chứng khoán VPS, Chứng khoán VNDIRECT... cũng ghi nhận dư nợ margin tăng mạnh.
Theo giám đốc đầu tư một công ty chứng khoán hàng đầu, tổng dư nợ margin toàn thị trường tính đến cuối tháng 6/2025 ước đạt gần 300.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Sự gia tăng này được nhìn nhận không chỉ do nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư cá nhân, mà còn từ hoạt động vay vốn của các cổ đông lớn và lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh kênh tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) đánh giá, dư nợ margin ở mức cao kỷ lục cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang tích cực, kỳ vọng vào khả năng nâng hạng của thị trường, đặc biệt khi VN-Index liên tục vượt các ngưỡng kháng cự quan trọng để thiết lập đỉnh lịch sử mới. Theo quy định, tổng hạn mức cho vay không quá 2 lần vốn chủ sở hữu. Ở phương diện tổng thể ngành chứng khoán, tỷ lệ này cuối quý I/2025 vẫn ở mức an toàn, với tổng dư nợ hơn 281.899 tỷ đồng so với tổng vốn chủ sở hữu gần 292.900 tỷ đồng, tương ứng dư địa cho vay còn gần 52%.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, sự gia tăng nhanh của margin cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Khi tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cao lan rộng, thị trường có thể trở nên nhạy cảm hơn với các thông tin tiêu cực và sự điều chỉnh nếu diễn ra có thể mạnh hơn do áp lực giải chấp. Thị trường chứng khoán Việt Nam vốn chịu tác động lớn từ các biến động toàn cầu, nên rủi ro margin vẫn còn hiện hữu nếu thị trường điều chỉnh mạnh, có thể kích hoạt làn sóng giải chấp và gây áp lực giảm sâu hơn, nhất là trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu có nhiều yếu tố bất ổn.
Quản trị “con dao hai lưỡi”
Việc VN-Index vượt ngưỡng 1.400 điểm và dần tiến đến mốc 1.500 điểm một cách nhanh chóng, bất ngờ đánh dấu một giai đoạn tích cực của thị trường. Đà tăng này được hỗ trợ bởi đà phục hồi lợi nhuận doanh nghiệp, thanh khoản cải thiện và kỳ vọng nâng hạng thị trường. Xét về mặt định giá, P/E của VN-Index hiện ở mức 14,1 lần, cao hơn mức trung bình 3 năm gần đây (13,5 lần), nhưng vẫn thấp hơn so với mức trung bình 5 năm (14,5 lần) và thấp hơn đáng kể so với vùng đỉnh lịch sử 18 lần trong năm 2021. Điều này cho thấy, dù chỉ số đã quay lại vùng đỉnh cũ, mặt bằng định giá hiện tại vẫn chưa phải là mức cao so với các chu kỳ trước.
Tính đến thời điểm này, định giá thị trường nhìn chung vẫn ở mức hợp lý, chưa rơi vào trạng thái quá nóng. Quan trọng hơn, sự nâng đỡ đến từ chất lượng lợi nhuận cải thiện thực sự ở các nhóm ngành chủ chốt như ngân hàng, xây dựng, bán lẻ và năng lượng. Dòng tiền nội ổn định, khối ngoại đang quay lại mua ròng và kết quả kinh doanh quý II hé lộ nhiều tín hiệu tích cực - đây là những yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng giá cổ phiếu.
Mặc dù thị trường lập đỉnh thường tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, khiến nhà đầu tư có xu hướng mạnh dạn hơn trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính, nhưng trong bối cảnh VN-Index liên tục tăng kể từ đầu tháng 7 tới nay, nguy cơ xảy ra rung lắc, điều chỉnh kỹ thuật ngày càng gia tăng. Trong lịch sử, không ít lần sau những nhịp tăng nóng là các pha điều chỉnh sâu, đặc biệt với những cổ phiếu mang tính đầu cơ cao, thanh khoản thấp.
Do đó, theo ông Tô Quốc Bảo, với các nhà đầu tư đang sử dụng margin, điều quan trọng nhất là phải có chiến lược quản trị rủi ro rõ ràng. Trước hết, cần rà soát lại danh mục đầu tư, giảm bớt tỷ trọng ở những cổ phiếu đã tăng nóng, thiếu yếu tố cơ bản hỗ trợ, ưu tiên giữ lại các mã có nội lực doanh nghiệp tốt, triển vọng tăng trưởng dài hạn rõ ràng. Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cũng nên được kiểm soát ở mức hợp lý, tránh tình trạng “full margin” (sử dụng đòn bẩy tối đa) trong bối cảnh thị trường đang có dấu hiệu bước vào giai đoạn phân hóa mạnh.
Tuy thị trường vẫn đang trong xu hướng tích cực, nhưng đòn bẩy tài chính là “con dao hai lưỡi”. Biết sử dụng đúng thời điểm và đúng cách sẽ mang lại hiệu quả cao, ngược lại, thiếu kiểm soát có thể khiến nhà đầu tư rơi vào thế bị động và dễ tổn thương khi thị trường điều chỉnh. Việc giữ tâm lý vững vàng, tuân thủ kỷ luật đầu tư và luôn có kế hoạch dự phòng sẽ giúp nhà đầu tư tránh được những thiệt hại không đáng có khi thị trường đảo chiều.
Điểm tích cực là nhiều công ty chứng khoán đã tiến hành tăng vốn điều lệ trong thời gian qua, nâng cao năng lực cho vay ký quỹ và cải thiện năng lực quản trị rủi ro. Điều này giúp thị trường hấp thụ dòng tiền margin một cách chủ động và hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, mặt bằng cổ phiếu hiện tại cho thấy sự phân hóa tích cực. Không còn hiện tượng dòng tiền tập trung vào một số mã đầu cơ như trước, mà thay vào đó là sự lan tỏa vào các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, kết quả kinh doanh cải thiện, đặc biệt ở các ngành như ngân hàng, chứng khoán, thép và công nghệ. Điều này góp phần làm giảm rủi ro hệ thống liên quan đến việc sử dụng đòn bẩy tài chính.