Dòng vốn ngoại được kỳ vọng quay trở lại thị trường mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2025
Kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào tháng 9/2025 mở ra cơ hội lớn cho sự trở lại của dòng vốn ngoại. Theo các chuyên gia, đây có thể là động lực quan trọng thu hút nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là nhóm tập trung vào tăng trưởng, tạo nên những chuyển biến tích cực cho thị trường trong thời gian tới.
Năm 2025 được dự báo sẽ là một năm vừa đầy thách thức nhưng cũng chứa đựng nhiều cơ hội cho hoạt động kinh doanh nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Nhìn về triển vọng trong năm nay, dưới góc nhìn của ông Đinh Đức Minh - Giám đốc Đầu tư, VinaCapital, trong năm 2024 vừa qua, GDP Việt Nam tăng trưởng 7,09%, vượt xa kỳ vọng ban đầu. Thành quả này chủ yếu đến từ sản xuất và xuất khẩu. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng của năm 2025 sẽ khác biệt hơn, tập trung vào tiêu dùng nội địa và đầu tư công.
Theo đó, Chính phủ đang rất quyết tâm thúc đẩy các dự án hạ tầng lớn như đường cao tốc, sân bay Long Thành, hay tuyến đường sắt metro TP. Hồ Chí Minh. Những dự án này, điển hình như tuyến metro TP. Hồ Chí Minh đã đi vào hoạt động, cho thấy sự nỗ lực từ cấp cao nhất.
Về tiêu dùng nội địa, số liệu thống kê cho thấy mức tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong quý IV/2024 đạt 9,3%, cao nhất trong năm. Đây là tín hiệu lạc quan cho nhu cầu tiêu dùng trong năm 2025, đặc biệt khi thu nhập của người lao động dự kiến sẽ tăng nhờ kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp.
Cùng với đó, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 6,5% -7%. Với đà phát triển hiện tại, hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu này trong năm nay.
Trên thị trường chứng khoán, về diễn biến dòng tiền, theo bà Nguyễn Thị Bích Thảo - Giám đốc Đầu tư, Công ty Quản lý Quỹ Manulife Investment Việt Nam, trong 2 năm qua, thị trường chứng kiến lượng vốn rút ròng từ nhà đầu tư nước ngoài ở mức rất lớn. Cụ thể, năm 2023 là 1 tỷ USD và năm 2024 tăng lên 3 tỷ USD. Câu hỏi đặt ra là liệu xu hướng này có tiếp tục hay không, và liệu nhà đầu tư nước ngoài có quay trở lại thị trường Việt Nam. Để trả lời, cần phân tích lý do và đặc điểm của các nhóm rút ròng.
Trước hết, một nhóm nhà đầu tư rút vốn chủ yếu theo xu hướng chung của các thị trường mới nổi. Nguyên nhân chính là chênh lệch lãi suất và sự hấp dẫn từ thị trường Mỹ - nơi có mức tăng trưởng mạnh mẽ, đạt khoảng 20% trong năm qua. Điều này khiến dòng vốn chuyển từ các thị trường mới nổi về Mỹ.
Năm 2025, theo các báo cáo quốc tế, triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ vẫn tích cực, trong khi các thị trường mới nổi chỉ được đánh giá ở mức trung lập. Những lo ngại về chính sách, đặc biệt liên quan đến tỷ giá và bất ổn kinh tế, có thể tiếp tục khiến dòng vốn chưa trở lại ngay trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, khi chính sách trở nên rõ ràng hơn và tỷ giá ổn định hơn vào nửa cuối năm, dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi có khả năng cải thiện.
Nhóm nhà đầu tư thứ hai rút vốn là những nhà đầu tư tập trung vào tăng trưởng của thị trường Việt Nam, phần lớn đến từ các nước châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan. Dù nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tiến trong các năm qua, nhưng tốc độ tăng trưởng chưa đủ bứt phá để tạo niềm tin mạnh mẽ.
Tuy nhiên, năm 2025 mang đến nhiều động lực mới cho Việt Nam, với triển vọng nâng hạng thị trường trong tháng 9 (theo dự báo của FTSE), có thể thu hút khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ thụ động. Điều này sẽ hỗ trợ đáng kể cho tâm lý và dòng vốn của các nhà đầu tư./.
Theo đại diện Quỹ Manulife Investment Việt Nam, nửa đầu năm 2025, dòng vốn ngoại có thể chưa quay lại mạnh mẽ. Nhưng đến nửa cuối năm, khi chính sách toàn cầu ổn định hơn và Việt Nam có những chuyển biến tích cực cả về kinh tế lẫn cơ hội nâng hạng thị trường, dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả nhóm quan tâm đến tăng trưởng, nhiều khả năng sẽ quay lại đáng kể.