Dòng vốn ưu đãi trong hành trình xóa đói giảm nghèo

Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhất quán và xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Để mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển, xuyên suốt các nhiệm kỳ từ khi tái lập tỉnh đến nay, các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) luôn được tỉnh quan tâm, triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn tỉnh qua các năm giảm rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững.

Lãnh đạo tỉnh trực tiếp thăm nắm hiệu quả nguồn vốn TDCS tại địa phương, qua đó kịp thời xây dựng các chương trình hỗ trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Chu Kiều

Lãnh đạo tỉnh trực tiếp thăm nắm hiệu quả nguồn vốn TDCS tại địa phương, qua đó kịp thời xây dựng các chương trình hỗ trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Chu Kiều

Với xuất phát điểm là tỉnh thuần nông, ngay sau khi tái lập tỉnh, một trong những chủ trương lớn đầu tiên của Vĩnh Phúc là xây dựng Nghị quyết về thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo (XĐGN) và giải quyết việc làm. Công tác này đã trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy Đảng trong nhiều năm qua.

Nhờ triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách XĐGN, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm rõ rệt qua các năm. Năm 2005, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 18% tổng số hộ trên địa bàn, đến cuối năm 2020, số hộ nghèo chỉ còn hơn 3.400 hộ, tương đương với 0,98%, hộ cận nghèo ở mức dưới 2%.

Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã không còn xã nghèo, hộ nghèo thuộc diện đối tượng chính sách, người có công; 100% các địa phương trong tỉnh không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Để có được kết quả đó, việc triển khai các chương trình TDCS được xác định là khâu then chốt trong hành trình XĐGN, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, nhất là tại khu vực nông thôn.

Triển khai Chỉ thị số 40 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS xã hội, UBND tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết; chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong triển khai TDCS trên địa bàn.

Cùng với nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh đã chỉ đạo bổ sung nguồn vốn TDCS từ ngân sách, đến nay, tổng nguồn vốn TDCS toàn tỉnh đã đạt gần 3.200 tỷ đồng, tăng 1.300 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại các huyện, thành phố đã tăng thêm 400 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ủy thác của mỗi địa phương đến nay đạt gần 500 tỷ đồng.

Tỉnh đang triển khai thực hiện 15 chương trình TDCS, tăng 5 chương trình so với trước khi có Chỉ thị số 40. Tổng dư nợ từ vốn vay TDCS toàn tỉnh đến nay đã đạt hơn 3.100 tỷ đồng với gần 78.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Tăng trưởng tín dụng chính sách 5 năm gần nhất đạt 10,4%/năm; trong đó, tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 0,3%.

Hoạt động TDCS thời gian qua đã góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, hạn chế tín dụng đen, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội và xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, 100% các xã trong tỉnh đã đạt chuẩn NTM, trong đó, vốn TDCS đã giúp hàng chục nghìn hộ thoát nghèo. Giai đoạn 2014-2021, vốn vay TDCS đã giúp hơn 66.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; 2.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; gần 30.000 lao động được tạo việc làm mới; hơn 152.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, 260 căn nhà cho hộ nghèo được xây dựng…

Công tác phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh và các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác được nâng cao.

Hiện nay, NHCSXH tỉnh thực hiện tổ chức giao dịch tại 136 điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội quản lý gần 2.300 tổ Tiết kiệm và Vay vốn hoạt động tại 100% thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh.

Việc vay vốn TDCS với thủ tục đơn giản, lãi suất ưu đãi, quá trình nhận tiền vay, trả nợ, lãi được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng đã tạo được lòng tin của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, TDCS của tỉnh cũng bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế như công tác tuyên truyền về TDCS tại một số địa phương còn chưa kịp thời; chỉ tiêu nguồn vốn nhận ủy thác từ nguồn ngân sách địa phương còn thấp, dẫn đến việc huy động nguồn lực để thực hiện cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm chưa đáp ứng đủ, kịp thời so với nhu cầu thực tế.

Việc phối hợp, lồng ghép hoạt động TDCS với các chương trình, chính sách phát triển nông nghiệp- nông thôn, phát triển giáo dục, chuyển giao khoa học kỹ thuật giữa các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác và các sở, ngành liên quan chưa thực sự thống nhất, đồng bộ, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn.

Với mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 0,5- 1%/ năm theo chuẩn hộ nghèo trong giai đoạn mới, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chương trình TDCS, tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, gắn với điều kiện, tạo việc làm cho thu nhập ổn định, đảm bảo thoát nghèo bền vững.

Việc thực hiện Chỉ thị 40 được xác định là tiền đề bứt phá trong triển khai các chương trình XĐGN được thể hiện từ quan điểm các cấp ủy, chính quyền địa phương phải nhận thức và xác định TDCS có vai trò nòng cốt trong công tác XĐGN, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, tạo động lực để huy động tối đa nguồn lực toàn xã hội, các tổ chức trong và ngoài nước trong công cuộc hỗ trợ người nghèo, để không ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển, đổi mới của tỉnh.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/71751/dong-von-uu-dai-trong-hanh-trinh-xoa-doi-giam-ngheo.html