Đồng Xuân đẩy mạnh công tác lao động, việc làm

Công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Đồng Xuân chú trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) được vay vốn tín dụng chính sách để trồng trọt, chăn nuôi, tạo việc làm ổn định. Ảnh: VIỆT AN

Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) được vay vốn tín dụng chính sách để trồng trọt, chăn nuôi, tạo việc làm ổn định. Ảnh: VIỆT AN

Ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Xã Đa Lộc có 1.318 hộ, trong đó 20% là đồng bào DTTS Chăm và Ba Na. Đất sản xuất ít, ngành nghề chưa phát triển, nên trước đây đời sống của người dân hết sức khó khăn.

Xác định đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là khâu đột phá trong công tác giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân, những năm qua, xã miền núi này đã thực hiện các chính sách hỗ trợ, tuyên truyền, vận động, tư vấn và kết nối với các doanh nghiệp uy tín, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ đi làm việc có thời hạn ở các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan..., giúp nhiều gia đình thoát nghèo và trở thành hộ khá.

Ông Phạm Văn Quyền ở thôn 2, xã Đa Lộc chia sẻ: Tôi có 3 đứa con đều đi lao động có thời hạn ở Nhật Bản. Từ khi các con qua Nhật làm việc, cuộc sống gia đình ổn định. Hằng tháng, chúng đều gửi tiền về. Nhờ vậy, chúng tôi có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi đầy đủ.

Sau 4 năm xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, với mức thu nhập từ 20-25 triệu đồng/người/tháng, hai vợ chồng anh Phạm Thành Nghĩa ở thôn 4, xã Đa Lộc đã tích góp được một số vốn tương đối khá. Hiện nay vợ chồng anh Nghĩa đã về nước và dự định sẽ triển khai một số công việc sản xuất kinh doanh từ số vốn này. Theo anh Nghĩa, những người có sức khỏe nhưng chưa có công việc ổn định nên xuất khẩu lao động. “Một người xuất khẩu lao động khoảng 3-5 năm sẽ tích lũy được một số vốn đáng kể để theo đuổi đam mê của mình”, anh Phạm Thành Nghĩa nói.

Còn gia đình ông Đoàn Ngọc Miên có 2 người con đi làm việc có thời hạn tại Đài Loan (Trung Quốc) cho hay: Khi nghe cán bộ xã tuyên truyền về chủ trương, chính sách đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và nhiều chính sách hỗ trợ cho người đi xuất khẩu lao động, như được đào tạo nghề, học tiếng nước ngoài, vay vốn ưu đãi, con gái tôi đã đăng ký đi lao động tại Đài Loan với công việc là một điều dưỡng. Công việc nhẹ nhàng, mức lương lại cao. Chỉ sau 4 tháng, con gửi tiền về cho gia đình trả hết số tiền vay 80 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Cũng nhờ nguồn thu nhập này mà tôi có điều kiện xây nhà mới khang trang cho gia đình.

Theo ông Nguyễn Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, Đa Lộc là xã có số lao động đi làm việc nước ngoài cao nhất trên địa bàn huyện Đồng Xuân với gần 50 người. Số lao động này mang về nguồn thu cả chục tỉ đồng mỗi năm. Từ nguồn thu này, nhiều gia đình có điều kiện phát triển sản xuất, mở thêm ngành nghề, dịch vụ, xây dựng nhà cửa khang trang, mua đồ dùng sinh hoạt và tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Đó chính là hiệu quả của phong trào xuất khẩu lao động tại xã Đa Lộc nói riêng, huyện Đồng Xuân nói chung, góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã đến cuối năm 2023 còn dưới 10%.

Người lao động tham gia buổi tư vấn, giới thiệu việc làm tại thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân). Ảnh: HOÀNG LÊ

Người lao động tham gia buổi tư vấn, giới thiệu việc làm tại thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân). Ảnh: HOÀNG LÊ

Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm

Ông Đặng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Thời gian qua, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng LĐTB&XH cùng với các cơ quan chuyên môn tăng cường kết nối việc làm cho NLĐ; thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thông tin cho các xã, thị trấn để cung cấp cho NLĐ. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, giới thiệu việc làm, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; định hướng, giúp NLĐ tìm kiếm việc làm phù hợp. Huyện cũng đã chỉ đạo Phòng LĐTB&XH tổng hợp thông tin thị trường lao động để chia sẻ, cung cấp kịp thời cho NLĐ; thường xuyên thông báo các chương trình tuyển dụng để NLĐ đủ tiêu chuẩn tham gia xuất khẩu lao động; phối hợp, thông báo đến các xã, thị trấn những phiên giao dịch việc làm định kỳ, lưu động, chuyên đề… Từ đó tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Phan Văn Thừa, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Đồng Xuân, để nâng cao hiệu quả tư vấn, tạo việc làm, đảm bảo lao động có việc làm ổn định, huyện tiến hành rà soát thông qua các phiếu đăng ký học nghề, từ đó nắm được nhu cầu học của người dân, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Phòng LĐTB&XH huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm trên địa bàn các xã Xuân Phước, Đa Lộc, Xuân Lãnh, Phú Mỡ, Xuân Quang 1 và thị trấn La Hai cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu, hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ. Các phiên giao dịch này thu hút 4 doanh nghiệp và gần 300 người trong độ tuổi lao động chưa có việc làm hoặc có việc làm không ổn định, có nhu cầu tìm việc tham gia. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dạy nghề trong và ngoài tỉnh tuyển dụng lao động, tìm kiếm nguồn lao động phù hợp.

Anh Trần Văn Lộc ở thị trấn La Hai chia sẻ: “Trước đây tôi nuôi bò, thu nhập không ổn định. Sau khi được tư vấn giới thiệu việc làm, tôi đăng ký và dự định vào TP Tuy Hòa để làm công nhân may”.

Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Văn Trọng khẳng định: “Để thực hiện hiệu quả việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, chúng tôi xác định phải tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là các trường hợp trong độ tuổi lao động để họ hiểu rõ về ý nghĩa và hiệu quả khi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để có việc làm ổn định. Địa phương cũng tăng cường khảo sát các trường hợp có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm, phân loại theo nhóm để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm để 100% lao động sau đào tạo có việc làm ổn định”.

KIM CHI - KHẮC SĨ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/319980/dong-xuan-day-manh-cong-tac-lao-dong-viec-lam.html