Đồng Xuân nỗ lực phát triển kinh tế, phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Mô hình vườn mẫu nông thôn mới của gia đình ông Võ Ngọc Sơn ở xã Đa Lộc cho thu nhập cao. Ảnh: NGÔ XUÂN

Trải qua 37 năm xây dựng và phát triển, từ một huyện miền núi có xuất phát điểm thấp, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Đồng Xuân có nhiều khởi sắc, bước đầu đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế

Là một huyện miền núi có xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đồng Xuân đã phát động nhiều phong trào thi đua nhằm cải thiện các điều kiện kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Địa phương đã triển khai nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh; đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu; chăn nuôi trang trại kết hợp... Nhờ vậy, đời sống người dân ngày càng ổn định, phát triển; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỉ trọng ngành nông nghiệp, tăng dần tỉ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ.

Ông Ngô Hoài Anh, chủ cơ sở chậu cảnh Hải Yến, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, chia sẻ: Năm 1990, gia đình tôi khởi nghiệp từ nghề đúc chậu cây cảnh. Ban đầu, tôi chỉ làm với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu giải quyết kinh tế của gia đình. Về sau, được chính quyền địa phương động viên, hỗ trợ, tôi mở rộng nhà xưởng, cải tiến quy trình sản xuất, đăng ký thương hiệu sản phẩm. Đến nay, cơ sở không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn giải quyết việc làm cho gần 50 lao động tại địa phương.

Còn với gia đình ông Võ Ngọc Sơn ở xã Đa Lộc, nhờ được địa phương hỗ trợ, khuyến khích, ông Sơn đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo hơn 1,2ha đất vườn kém hiệu quả để xây dựng vườn mẫu nông thôn mới. Ông đã trồng nhiều giống cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao như bưởi da xanh, vải, xoài, mãng cầu Thái, cam, quýt… Nhờ vậy, vườn mẫu của ông cho nguồn thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm, trở thành một vườn mẫu tiêu biểu của xã miền núi Đa Lộc cũng như huyện Đồng Xuân.

Theo UBND huyện Đồng Xuân, địa phương luôn định hướng sản xuất nông, lâm nghiệp là một lợi thế của huyện. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm bình quân đạt hơn 13.200ha. Sản lượng lương thực cây có hạt đạt trung bình hơn 27.200 tấn/năm, tăng bình quân 2,6%/năm. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 62,2%, hàng năm khai thác 1.500ha rừng, sản lượng khai thác bình quân đạt 65 tấn/ha. Địa phương đã duy trì và nhân rộng nhiều mô hình luân canh có giá trị sản xuất kinh tế cao như: trồng rừng kết hợp với trang trại; nuôi bò 3B; mô hình nuôi dúi, trang trại tổng hợp... Một số sản phẩm đặc sản của địa phương đã và đang xây dựng được thương hiệu và tạo được chỗ đứng trên thị trường như dầu phộng Xuân Phước, bánh tráng Long Bình…

Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa

Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện cũng có nhiều khởi sắc. Bên cạnh gìn giữ tốt những giá trị văn hóa truyền thống, huyện Đồng Xuân không ngừng nâng cao các tiêu chí về đời sống văn hóa của người dân. Chất lượng giáo dục ở các cấp học ngày càng nâng cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học được đầu tư theo hướng đạt chuẩn. Mạng lưới y tế được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Các giá trị văn hóa, phong tục truyền thống người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng bảo tồn, gìn giữ. Huyện Đồng Xuân cũng triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội. Người dân các xã vùng đặc biệt khó khăn Phú Mỡ, Xuân Lãnh, Đa Lộc không chỉ được tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất, mà còn được gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, năm 2016, nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trở thành niềm tự hào, điểm nhấn thu hút nhiều lượt khách du lịch đến với huyện Đồng Xuân…

Ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: Trải qua 37 năm hình thành và phát triển, nhờ các giải pháp hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, bức tranh kinh tế - xã hội của huyện có nhiều khởi sắc. Công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện đồng bộ. Năm 2021, chỉ số cải cách hành chính của huyện đứng đầu khối huyện, thị xã, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Đặc biệt, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, toàn huyện có 6/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 1 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và 4 vườn mẫu nông thôn mới; bình quân đạt 16,6 tiêu chí/xã. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại với nhiều dự án, công trình mang tính động lực, phù hợp với quy hoạch chung. Nhiều công trình phúc lợi xã hội có ý nghĩa quan trọng được triển khai xây dựng, phục vụ tốt cho nhu cầu của Nhân dân. Đến cuối năm 2021, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 2,49%, giảm 27,13% so với năm 2015 (bình quân giảm 6,7%/năm).

Giai đoạn 2016-2021, mức tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện Đồng Xuân đạt 12,2%/năm. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 20%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 13,8%; khu vực thương mại - dịch vụ đạt 20%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng, tăng 15,5 triệu đồng so với năm 2015.

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/420/280712/dong-xuan-no-luc-phat-trien-kinh-te-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-toc.html