Đồng ý nâng lương từ 1-7 nhưng phải kiểm soát giá

Đồng tình với việc tăng lương cơ sở 30%, song các ý kiến đều nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát giá cả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 25-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 25-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 25-6, phát biểu tại phiên họp tổ đại biểu Quốc hội (ĐB) về cải cách tiền lương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thông tin: “Đảng, Nhà nước rất muốn đổi mới sâu sắc chính sách tiền lương để người lao động toàn tâm toàn ý với công việc. Trả lương theo vị trí việc làm là tư tưởng rất mới, rồi cũng sẽ phải làm, nhưng ở thời điểm này thì còn rất nhiều bất cập, chưa thể thực hiện được”. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng ý với phương án Chính phủ trình.

ĐB Nguyễn Xuân Thắng (Quảng Ninh), Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thẳng thắn nhìn nhận: “Lần này vào ngày 1-7 là điều chỉnh tăng lương chứ chưa phải là cải cách căn bản”.

Theo ĐB, 2 yêu cầu rất lớn của Nghị quyết 27 là bỏ lương cơ sở và chế độ thang bảng lương, nhưng hiện nay đều chưa thể bỏ được. Đồng tình với việc tăng lương cơ sở 30%, song ĐB Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát giá cả. ĐB nói: “Không cẩn thận thì tỷ lệ tăng giá lại vượt cả tăng lương, không cải thiện, tạo được động lực gì hết”. Cùng với đó, ĐB Nguyễn Xuân Thắng cũng lưu ý đến cơ chế khen thưởng, mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng để đảm bảo tính công bằng với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp...

Cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Minh Nam (Hậu Giang) hoàn toàn thống nhất với quan điểm thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình đảm bảo phù hợp, từng bước chắc chắn, khả thi, hiệu quả, phù hợp khả năng chi trả của ngân sách.

Kiến nghị một số giải pháp, ĐB nêu rõ: “Như chúng ta biết, mỗi lần tăng lương thì giá cả, lạm phát lại tăng. Vì vậy, khi Quốc hội thông qua việc tăng lương lần này thì Chính phủ cũng cần có giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực, đặc biệt hạn chế thấp nhất tình trạng tăng lương không bằng tăng giá, làm giảm ý nghĩa của việc tăng lương”.

ĐB Lê Minh Nam cũng kiến nghị thực hiện nghiêm các quy định của Luật giá, liên quan kê khai giá, công khai minh bạch thông tin giá tránh đầu cơ, trục lợi hoặc thực hiện không đúng quy định của giá. Mặt hàng nào không thể can thiệp bằng các công cụ pháp luật, phải vận hành theo cơ chế thị trường thì Nhà nước cũng phải có chính sách. Ngoài ra cũng cần phải thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra để kiểm soát việc thực hiện về giá, tuyên truyền phổ biến để giúp quản lý giá thời điểm này tích cực và đạt kết quả cao hơn.

Liên quan đến đề xuất gia hạn khoản vay tái cấp vốn cho Vietnam Airlines (VNA), ĐB Vũ Đại Thắng (Quảng Bình) bày tỏ băn khoăn: “Đây đã là lần thứ 3 VNA xin gia hạn rồi. Phải chăng chính sách của chúng ta chỉ mới là “hà hơi thổi ngạt”, giúp cho doanh nghiệp sống qua ngày chứ chưa mạnh khỏe được”.

ĐB đề nghị đã quyết định hỗ trợ thì làm cho ra tấm ra món, để doanh nghiệp đủ lực phục hồi và phát triển, trở thành hãng hàng không uy tín trong khu vực. Ông Thắng cũng đề nghị các ngân hàng lớn của nhà nước hợp lực hỗ trợ doanh nghiệp, tạo đà vượt khó, không để các ngân hàng nhỏ “loay hoay thu xếp”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng tình với quan điểm cần hỗ trợ VNA vượt qua khó khăn. “Bamboo đã vậy, giờ nếu VNA cũng không vượt qua được thì tác động rất lớn đến nền kinh tế”, bà Thanh nhận định.

Cũng đồng ý gia hạn khoản vay, song ĐB Vũ Trọng Kim (Nam Định) nhấn mạnh: “Các cơ quan theo dõi giúp Chính phủ, đề xuất biện pháp nào hơn để có cách nhìn lâu dài, biện pháp tổng thể và toàn diện hơn chứ không vài năm nữa mình vẫn phải tính câu chuyện âm vốn, rồi lỗ kéo dài… VNA phải có những đột phá, thay đổi, cải tiến để nâng cao nội lực của chính mình, nếu không thì câu chuyện này vẫn cứ tiếp diễn”.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dong-y-nang-luong-tu-1-7-nhung-phai-kiem-soat-gia-post746228.html