Đông y 'nói không' với động vật hoang dã

Đứng trước việc vi phạm pháp luật và nhiều hệ lụy khó lường, các thầy thuốc, nhà nghiên cứu, người làm công tác quản lý đã chỉ rõ tác hại của việc sử dụng động vật hoang dã (ĐVHD) trong Đông y.

 Sinh viên Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế tìm hiểu các vị thuốc từ cây cỏ tự nhiên

Sinh viên Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế tìm hiểu các vị thuốc từ cây cỏ tự nhiên

Chưa thấy hiệu quả, đã thấy hậu quả

Trong y học cổ truyền, sản phẩm từ ĐVHD được kê đơn và tiêu thụ như các thành phần dược liệu. Điều này góp phần dẫn đến sự tuyệt chủng của một số loài động vật. Đơn cử, số lượng tê giác đã giảm 95% do nhu cầu sử dụng sừng tê giác trong y học cổ truyền (YHCT) và biểu tượng thể hiện địa vị; khoảng 200 ngàn cá thể tê tê bị giết hại mỗi năm để lấy thịt và vảy; số lượng hổ hoang dã từ 100 ngàn cá thể cách đây một thế kỷ, nay còn 3.200 cá thể cuối những năm 2000.

Hành vi sử dụng sản phẩm từ các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ là vi phạm pháp luật. Trong khi đó, nguy cơ bệnh truyền nhiễm từ động vật là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) ước tính có hơn 200 bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người. Khoảng 60% các bệnh truyền nhiễm mới nổi được báo cáo trên toàn cầu là bệnh truyền nhiễm từ động vật. Hơn 30 mầm bệnh mới ở người đã được phát hiện trong ba thập kỷ qua, 75% trong số đó có nguồn gốc từ động vật. Cúm gia cầm, đậu mùa khỉ, bệnh dại… là những điển hình.

Lương y Phan Tấn Tô, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông y TP. Huế lý giải, việc dùng ĐVHD trước đây là do người thầy thuốc chạy theo thị hiếu, theo đề xuất của người bệnh hoặc lấy đó làm lý do “tạo sự khác biệt” cho bài thuốc. “Một vài người lén lút mài sừng tê giác làm thuốc, khoe là thuốc gia truyền nhưng không biết là giả hay thật, trong khi hành động này hoàn toàn vi phạm pháp luật. Hội đã quán triệt không sử dụng ĐVHD, khuyến khích sử dụng dược liệu thay thế”, ông Phan Tấn Tô nhấn mạnh.

Ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP. Huế chia sẻ: “Chúng tôi đã xử lý hình sự những đối tượng sở hữu các vật chứng là tê tê Java đã chết, bị lột hết vảy; chân gấu chó, da đầu gấu chó… Nhiều người vẫn tìm mua các sản phẩm, như mật gấu, cao hổ, sừng tê giác, vảy tê tê... mà không biết chúng đều là các sản phẩm bất hợp pháp. Chúng không có công dụng thần dược như quảng cáo, thậm chí còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Những người hành nghề YHCT, bác sĩ Đông y nếu kê y đơn thuốc sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD trái pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự, bị đình chỉ hoạt động chế biến từ 6 tháng đến 12 tháng; cấm hành nghề từ 1 năm đến 5 năm”.

Phải thay đổi nhận thức

ThS.BS Nguyễn Ngọc Lê, Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế gợi ý các vị thuốc thay cho cao hổ cốt trong điều trị bệnh về xương khớp, như ba kích, cẩu tích, đỗ trọng, tục đoạn, cốt toái bổ, ngưu tất, thổ phục linh và thiên niên kiện. Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh, bệnh nhân bị viêm quanh khớp vai, hội chứng thắt lưng hông do thoái hóa cột sống và đau vùng cổ gáy khi sử dụng các vị thuốc này đều có tác dụng giảm đau và cải thiện chức năng vận động.

Lương y Phan Tấn Tô chỉ ra rằng, thay vì tìm mật gấu trị tan máu bầm, có thể dùng hạt gấc, xuyên khung, đan sâm, gừng hòa rượu thêm địa liền; hoặc nước chanh, rau má, sắn dây có thể hạ sốt thay cho sừng tê giác. Tương tự, nhiều vị thuốc đến từ cây cỏ có dược tính thay thế cho sử dụng ĐVHD. Vấn đề khó nhất là thay đổi nhận thức, vì vậy, cần tăng cường tuyên truyền. “Hội Đông y chúng tôi đã phổ biến những cây thuốc thay cho mật gấu, sừng tê giác, vảy tê tê… và làm thành sổ tay phát cho hội viên và thầy thuốc. Việc tiếp theo là làm sao để chế phẩm thay thế luôn có sẵn, phục vụ điều trị, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng”, ông Tô nói thêm.

Lương y Phạm Cao Lĩnh, Phòng khám An Lạc Đường ủng hộ việc sử dụng các loài thực vật bởi lý do dễ tìm. Ông nhấn mạnh nguyên tắc “không dùng đồ giả, không dối bệnh nhân” và sự cần thiết của việc tuân thủ pháp luật.Tôn Tư Mạo, một lương y từ thời nhà Đường từng nói: “Cả con người và động vật đều quý trọng mạng sống của mình. Chữa bệnh cho con người bằng cách sử dụng động vật là đi ngược lại nguyên tắc hành y cứu đời. Vì vậy, tôi không dùng sản phẩm động vật trong đơn thuốc của mình”.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiếu, Quản lý cấp cao chương trình ĐVHD của Công ty TNHH Không vì lợi nhuận CHOICE thông tin: “Thời gian qua, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động, hội thảo nhằm hướng đến việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy sự thay đổi trong YHCT bằng cách sử dụng các dược liệu thay thế, giúp duy trì cân bằng sinh thái. Việc các tổ chức, đơn vị, thầy thuốc hưởng ứng, bày tỏ quan điểm đã chứng minh đây là hướng đi tất yếu để phát triển một nền y học thân thiện với môi trường, tuân thủ đạo đức nghề y”.

TS.BS Đoàn Văn Minh, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế, cho biết: “Cùng với việc tham gia Mạng lưới bảo vệ ĐVHD trong Y học cổ truyền, chúng tôi định hướng trong năm 2025 sẽ xây dựng chương trình giảng dạy Y khoa liên tục, bao gồm ít nhất 4 chuyên đề đào tạo chuyên môn về bảo vệ ĐVHD trong YHCT, 12 tiết học. Bên cạnh đó, sẽ phát triển tài liệu giảng dạy và tài liệu tham khảo liên quan dành cho khóa đào tạo y khoa liên tục đối với các lương y, y sĩ và bác sĩ YHCT; cung cấp các tài liệu về hướng dẫn sử dụng các loại thuốc thay thế ĐVHD trong điều trị bệnh”.

Bài, ảnh: L. GIANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/dong-y-noi-khong-voi-dong-vat-hoang-da-152456.html