Đông y Việt Nam trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Nền y học cổ truyền Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đông y đã trở thành một bộ phận của văn hóa Việt Nam.
"Quá Nho vi y"
Lịch sử đông y đã để lại những tên tuổi đẹp đẽ sáng chói tinh thần y đức cao cả. Văn hóa dân tộc thấm nhuần ở mỗi người thầy thuốc trên hai phương diện là y thuật và y đức.
Về y thuật, chân dung các vị lương y xưa là "quá Nho vi y" nghĩa là có thừa chữ Nho mới sang làm thuốc. Là những người có hiểu biết toàn diện Nho, y, lý, số… nhiều thầy thể hiện năng khiếu đặc biệt trong việc chẩn đoán chữa bệnh, người xưa bảo đó là những người có thiên y chiếu mệnh. Trong nhà nước phong kiến, trong triều có cơ quan Thái Y viện là để đào tạo người thầy thuốc nhằm phục vụ cho vua quan. Còn trong xã hội, người làm thuốc lại như tự đào luyện nên nghề, như Tuệ Tĩnh, Chu Văn An, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Đình Chiểu sau này là Nguyễn Tử Siêu… đều theo con đường tự học mà thành. Sự nghiệp của họ gắn liền với đời sống người lao động, vì thế các vị lương y đã tiếp thu được những bài thuốc nam chữa bệnh từ nhân dân. Nhiều gia đình, dòng họ có cơ sở gia truyền nhưng truyền qua được nhiều đời là hiếm, lớp học đông y xưa thường là tự phát, người thầy chỉ kèm cặp một số trò và sau đó trò phải tiếp tục tự học.
Có câu "Tiến vi quan đạt vi sư" nghĩa là tiến thì ra làm quan mà làm thầy cũng coi là đạt. Nhiều kẻ sĩ bất phùng thời đã trở về làm thầy dạy học hoặc làm thuốc. Lực lượng thầy thuốc ngày xưa rất mỏng, người làm thuốc được coi là "cứu nhân độ thế". Thời đại ngày nay đã khác, đông y không còn là độc tôn trong việc chữa bệnh. Khoa học tây y được xem là y học chính thống, mạng lưới y tế phủ khắp toàn xã hội, các phương pháp chữa bệnh khác kể cả đông y đều xem là y học bổ sung.
Người hành nghề và việc đào tạo y học cổ truyền cũng khác ngày xưa. Hiện cũng có nhiều thầy đông y giỏi nhưng một thầy có đủ Nho, y, lý, số và uyên bác thâu lãm nhiều mặt trong đời sống như xưa đã dần đi vào dĩ vãng. Bù lại có một lợi thế là tài liệu dịch từ chữ Nho sang tiếng Việt rất nhiều, nguồn thông tin từ sách in, từ mạng rất phong phú lại cùng các phương tiện khám, xét nghiệm ngày càng hiện đại. Những ai học Hán văn đọc được những y thư cổ lại càng quý.
Song không ỷ lại hoàn toàn các phương tiện hiện đại mà chỉ nên coi đó để tham khảo và lại càng không nên tây y hóa đông y. Trong chẩn trị, người làm đông y vẫn phải lấy tư duy âm dương ngũ hành, bát cương, tứ chẩn cùng quy kinh làm gốc, khoa học hiện đại chỉ là hỗ trợ. Vả lại tư duy đông y là tư duy của quy nạp khái quát hóa, còn tư duy tây y là tư duy của phân tích, nếu đem tư duy phân tích một cách máy móc đối với đông y sẽ có một kết cục bế tắc, vô lý. Một điều đáng lưu ý là kinh nghiệm chữa bệnh của nhân dân ta theo cây lá thuốc nam còn phong phú vô cùng mà sách vở chính thống không thể nào ghi chép hết. Có thể nói, cây cỏ nước ta ngày càng được sử dụng rộng rãi, nhiều cỏ cây dùng làm thuốc như một phát hiện mới mang lại hiệu quả kỳ diệu. Dùng thuốc bản địa để chữa bệnh như đã thấm vào tinh thần mỗi vị lương y lại như kích thích vào tâm trí các nhà khoa học đi vào tìm tòi tiềm năng chữa bệnh vô tận của thuốc nam - thuốc nam chữa bệnh cho người Nam (Nam dược trị Nam nhân).
Lấy y đức làm gốc
Người làm thuốc thường bàn nhiều về y thuật song mọi người đều hiểu phải lấy y đức làm gốc. Y đức của người lương y hiện đại về căn bản không xa rời lời các vị y tổ răn dạy, chỉ có điều người xưa rất tôn trọng luật nhân quả. Lãn Ông từng nhắc: “Nhất thế y tam thế suy" và “Tam thế lương y khả dĩ hậu sinh khanh tướng" nghĩa là chỉ cần một đời làm thuốc thất đức là ba đời sau bại hoại, còn làm thuốc có đức "lương y" phải ba đời liên tiếp thì họa chăng hậu thế mới có phúc sinh khanh tướng (ngày xưa người làm thuốc thuần thục có đức mới gọi là lương y). Thế nên nhiều vị lương y xưa tuy đông con nhưng không dám truyền nghề bởi không tìm thấy ở một người nào lại có phẩm chất của người làm thuốc.
Người làm đông y thấm nhuần 9 điều y huấn cách ngôn cùng 8 tội cần tránh của Hải Thượng Lãn Ông, cũng phải biết tới Lời thề Hippocrates cùng 12 điều quy định về y đức của Bộ Y tế. Bác Hồ từng dạy: Lương y phải như từ mẫu và đông tây y kết hợp. Đó là những lời răn dạy vô cùng cô đọng và sâu sắc.
Y thuật luôn hòa quyện trong y đức, người làm đông y luôn tôn trọng tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên, yêu thiên nhiên hơn ai hết. Trước sau mang khát vọng môi trường trong lành cùng đa dạng sinh học, bởi thiên nhiên cây cỏ là nơi con người nương tựa, là bầu bạn hỗ trợ cho việc chữa bệnh mỗi ngày. Tiếp thu tinh hoa y thuật, y đức của người xưa, nâng cao phù hợp trong thời hiện đại để chân dung mỗi vị lương y có tầm cao nhân cách mang lại vị thế trong xã hội tạo nên vẻ đẹp của con người đông y trong thời đại mới.