Đồng yen giảm nhẹ trước thềm cuộc họp của Fed
Lúc 9 giờ sáng 1/11 ở thị trường Tokyo, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền được niêm yết ở mức 148,72-75 yen/USD, tăng nhẹ so với mức 148,00-02 yen/USD trên thị trường này vào lúc đóng cửa chiều qua.
Trong phiên giao dịch sáng 1/11, đồng yen đã giảm giá nhẹ so với đồng bạc xanh của Mỹ trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ nới rộng sau phiên họp vào giữa tuần này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Vào lúc 9 giờ sáng 1/11 ở thị trường Tokyo, tỷ giá mua-bán giữa hai đồng tiền được niêm yết ở mức 148,72-75 yen/USD, tăng nhẹ so với mức 148,00-02 yen/USD trên thị trường này vào lúc đóng cửa chiều qua.
Không chỉ mất giá so với đồng USD, đồng yen còn mất giá so với đồng euro. Tỷ giá giữa hai đồng tiền này được niêm yết ở mức 147,00-07 yen/euro, tăng nhẹ so với mức 146,94-98 yen/euro vào chiều qua.
Trước đó, các số liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố cho thấy Nhật Bản dường như đã chi 6.350 tỷ yen (43 tỷ USD) cho việc can thiệp vào thị trường tiền tệ trong tháng 10 nhằm chặn đà lao dốc của đồng yen. Trước đó, hồi tháng 9, Nhật Bản đã chi 2.840 tỷ yen cho một hành động tương tự.
Vào cuối tháng 9/2022, dự trữ ngoại hối của Nhật Bản lên tới 1.240 tỷ USD, trong đó có chứng khoán, tiền gửi và vàng. Tuy nhiên, nhiều khả năng quỹ dự trữ này đã giảm sau khi Bộ Tài chính Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng nghiệp vụ bán USD để mua yen.
Chuyên gia kinh tế trưởng Izuru Kato của công ty Totan Research nhận định: “Đồng yen có thể đã giảm giá mạnh hơn và vượt qua ngưỡng 160 yen/USD nếu Bộ Tài chính Nhật Bản không can thiệp vào thị trường tiền tệ”. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng các hành động can thiệp như vậy chỉ làm chậm đà mất giá của đồng yen.
Trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn kiên quyết duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng để hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế, nhiều khả năng khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ tiếp tục nới rộng, nhất là khi Tổng thống Mỹ Joe Biden không coi đồng USD mạnh là vấn đề đáng quan ngại bởi vì, điều đó có thể giúp giảm bớt áp lực lạm phát lên nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Nếu đồng yen tiếp tục giảm giá, nhiều khả năng Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ lại can thiệp vào thị trường tiền tệ.
Chuyên gia Kato nói: “Cho đến nay, Mỹ vẫn dung thứ cho phản ứng (can thiệp vào thị trường tiền tệ) của Nhật Bản bởi vì, ảnh hưởng của nền kinh tế Nhật Bản đã suy giảm một cách tương đối. Tuy nhiên, nếu Nhật Bản bán trái phiếu Kho bạc Mỹ để lấy tiền can thiệp vào thị trường, Mỹ sẽ kêu gọi Nhật Bản chấm dứt chính sách can thiệp này”./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dong-yen-giam-nhe-truoc-them-cuoc-hop-cua-fed/264059.html