Đồng Yen mất giá, Ngân hàng Nhật vẫn quyết giữ chính sách tiền tệ siêu lỏng
Ngày 28/10, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng do lo ngại đà phục hồi của nền kinh tế nước này có thể chậm lại vì tác động tiêu cực của lạm phát và sự mất giá của đồng Yen.
Kết thúc phiên họp thường kỳ kéo dài hai ngày, Hội đồng Chính sách BoJ đã quyết định nâng dự báo lạm phát ở Nhật Bản trong tài khóa 2022 (kết thúc vào cuối tháng 3/2023) từ 2,3% lên 2,9%, đồng thời hạ triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế nước này từ 2,4% xuống còn 2%.
Trong bối cảnh đó, BoJ quyết định giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0% nhằm hỗ trợ cho đà phục hồi của nền kinh tế nước này.
Phát biểu trước phiên họp thường kỳ, Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda khẳng định, nền kinh tế Nhật Bản đang hồi phục, nhờ việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19.
Tuy nhiên, giá hàng hóa tăng cao đang làm tăng áp lực suy thoái đối với nền kinh tế khan hiếm tài nguyên này. Do vậy, việc nới lỏng chính sách tiền tệ là cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế.
Giới phân tích dự báo, việc BoJ quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng có thể làm tăng áp lực giảm giá đối với đồng Yen. Điều này có thể sẽ khiến chính phủ Nhật Bản phải can thiệp vào thị trường tiền tệ một lần nữa bằng nghiệp vụ bán USD để mua Yen.
Kể từ đầu năm tới nay, đồng Yen đã mất giá khoảng 30% so với đồng bạc xanh của Mỹ.