Đồng Yen phục hồi, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang Nhật Bản chịu tác động ra sao?

Đối với các nhà xuất khẩu, đồng Yen phục hồi sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn thu từ chênh lệch tỷ giá. Trong khi đó, với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa từ Nhật Bản hay vay nợ bằng đồng Yen, việc đồng Yen tăng giá lại là vấn đề đáng lo ngại.

Ngày 31/7, nhà chức trách Nhật Bản đã chi 5,53 nghìn tỷ Yen (JPY), tương đương 36,8 tỷ USD, để hỗ trợ tỷ giá đồng Yen trong tháng 7 vừa qua.

Trong bối cảnh đồng Yen trên đà hồi phục sau một thời kỳ mất giá kéo dài, BOJ ngày 31/7 tuyên bố nâng lãi suất cơ bản lên ngưỡng 0,25%, từ ngưỡng 0-0,1% trước đó. Đây là mức lãi suất cao nhất của Nhật Bản kể từ năm 2008.

Đồng Yen tiếp tục tăng giá mạnh sau động thái nâng lãi suất của BOJ. Sáng nay (1/8), tỷ giá Yen so với USD có lúc đạt 149,515 Yen đổi 1 USD, cao nhất kể từ giữa tháng 3.

 Tỷ giá USD/JPY hôm nay. Ảnh: Investing.com

Tỷ giá USD/JPY hôm nay. Ảnh: Investing.com

Niềm vui cho doanh nghiệp xuất khẩu

Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), Nhật Bản là quốc gia viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2, là đối tác lớn thứ 3 về du lịch và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ). Do đó, việc đồng Yen được hồi phục sẽ phần nào mang tín hiệu tích cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu.

Nhiều mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu chính như: các loại thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại... thì Việt Nam đều có thế mạnh và tiềm năng để trở thành nguồn cung ứng chính cho quốc gia này.

Đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản, người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam. Ngoài ra, thị trường Nhật Bản có vị trí địa lý gần hơn so với Mỹ, EU và phương thức thanh toán cũng an toàn hơn.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã: FMC), Thủy sản Minh Phú (mã: MPC) và Minh Phú - Hậu Giang là những doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm lớn nhất sang Nhật Bản.

Trong đó, Sao Ta là công ty xuất khẩu tôm lớn nhất sang Nhật Bản, chiếm khoảng 13,8% tổng giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản. Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn chung, công ty vẫn duy trì kim ngạch tốt tại thị trường này. Báo cáo hồi giữa tháng 7 của SSI Research cho thấy, trong nửa đầu năm 2024, công ty ghi nhận doanh thu đạt 95 triệu USD (khoảng 2.380 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ) nhờ sản lượng tiêu thụ phục hồi 15%, trong khi giá bán bình quân duy trì ổn định ở mức 10,5 USD/kg. Thị trường Nhật Bản tiếp tục là động lực tăng trưởng cho FMC, mang về hơn 40% tổng doanh thu trong nửa đầu năm 2024 (trong năm 2023 là 45%).

Năm 2024, bên cạnh mở rộng các thị trường khác, công ty tiếp tục dồn lực phát triển tại thị trường Nhật. Chiến lược này nhằm phát huy thế mạnh và tránh cạnh tranh về giá trực tiếp với Ecuador tại thị trường Mỹ.

Còn tại “vua tôm” Minh Phú, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của doanh nghiệp này, sau Bắc Mỹ và Úc. Năm 2023, thị trường Nhật Bản mang về hơn 2.000 tỷ đồng doanh thu cho MPC, giảm hơn 44% so với cùng kỳ 2022 và chiếm 18,7% tổng doanh thu.

 Cơ cấu doanh thu theo thị trường của Minh Phú. Ảnh: MPC

Cơ cấu doanh thu theo thị trường của Minh Phú. Ảnh: MPC

Trong lĩnh vực công nghệ, Nhật Bản là thị trường nước ngoài lớn nhất của Tập đoàn FPT (mã: FPT). Báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất, trong 6 tháng đầu năm 2024, mảng dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao tới gần 30%, mang về 14.573 tỷ đồng. Trong đó thị trường Nhật Bản đóng góp hơn 5.700 tỷ đồng (chiếm 39% doanh thu), tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái (tính theo tỷ giá VND).

FPT tạm tính theo tỷ giá đồng Yen tại thời điểm báo cáo, doanh thu từ thị trường Nhật Bản trong nửa đầu năm tăng đến hơn 41% so với cùng kỳ 2023.

 Doanh thu theo thị trường 6 tháng đầu năm của FPT. Ảnh: FPT

Doanh thu theo thị trường 6 tháng đầu năm của FPT. Ảnh: FPT

Tạm tính theo tỷ giá của Vietcombank ngày 1/8, mức doanh thu 6 tháng đầu năm tại thị trường Nhật Bản của FPT sẽ tăng thêm khoảng hơn 340 tỷ đồng.

Và nỗi buồn với doanh nghiệp nhập khẩu

Ở chiều ngược lại, việc đồng Yen mạnh lên cũng ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp nhập khẩu từ Nhật Bản. Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản các mặt hàng phục vụ sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, kim loại…

Đồng thời, các doanh nghiệp đang vay ngoại tệ JPY sẽ chịu thêm lỗ chênh lệch tỷ giá.

Điển hình như tại Cảng Hàng không (mã: ACV), đang có khoản vay khoảng 10.000 tỷ đồng. Đây là khoản vay tín dụng cho Dự án xây dựng nhà ga hành khách Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất và Xây dựng nhà ga quốc tế Nội Bài T2 bằng nguồn ODA theo Hiệp định vay vốn giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản.

Khoản vay có dư nợ gốc tính theo đồng Yen là 63,5 tỷ Yen. Tại ngày 30/6/2024, doanh nghiệp tạm tính chênh lệch tỷ giá giảm gần 500 tỷ đồng. Còn tính đến hiện tại, nếu quy đổi sang VND thì ước tính khoản vay tăng thêm 200 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý II.

 Ảnh: BCTC quý II của ACV

Ảnh: BCTC quý II của ACV

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/dong-yen-phuc-hoi-doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-sang-nhat-ban-chiu-tac-dong-ra-sao.html