Dortmund và cuộc sống trong ranh giới giàu - nghèo
'Chắp cánh cho những ước mơ' là Slogan mà người hâm mộ bóng đá đặt cho Dortmund. Đây như lời khen tặng đối với chính sách chuyển nhượng khôn ngoan của ban lãnh đạo câu lạc bộ vùng Ruhr. Nhưng ngẫm lại, nó lại là sự cay nghiệt đối với những yêu màu áo sọc vàng đen.
“Nợ nần là động lực của phát triển”
Không "sặc mùi tiền” như Premier League, các CLB ở Bundesliga luôn phải cân đo đong đếm kinh tế, nhằm duy trì sự phát triển đội bóng. Dortmund đã từng phải đối mặt với bài toán kinh tế đầy hóc búa.
CLB vùng Ruhr chi tiền mất kiểm soát (vượt qua giới hạn tài chính của CLB) để cạnh tranh chức vô địch, dẫn đến việc họ bị rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Ở hai năm 2002 và 2006, đội chủ sân Signal Iduna Park đã đứng trước nguy cơ bị phá sản.
“Nợ nần là động lực để phát triển”. Câu nói này xem ra thật đúng với Dortmund. Trong con đường đi lên, đội bóng vùng Ruhr đã tìm ra phương án cho riêng họ nhờ việc xuất khẩu cầu thủ. Những con số dưới đây sẽ nói lên sự thành công của Dortmund trong chính sách “mua rẻ bán đắt”.
Suốt 11 năm Bayern thống trị (từ năm 2012 tới bây giờ), Dortmund chi ra 867 triệu euro mua cầu thủ nhưng họ thu về 957 triệu euro từ chiều bán, tức Dortmund vẫn còn lãi đến gần 100 triệu euro. Ngược lại, Bayern (đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Dortmund) chi ra 887 triệu euro mua cầu thủ nhưng chỉ thu về 473 euro từ việc bán đi.
CLB vùng Ruhr có những phi vụ xuất khẩu cầu thủ đình đám như Dembele đến Barca với giá 135 triệu euro (Dortmund lãi khoảng 100 triệu euro), Bellingham chuyển đến Real Madrid với giá hơn hơn 130 triệu euro (Dortmund lãi hơn 70 triệu euro). Ngoài ra, đội bóng vùng Ruhr còn bội thu với những thương vụ đình đám như Sancho sang Man United, Pulisic chuyển đến Chelsea hay Aubameyang sang đầu quân cho Arsenal.
Những thương vụ trên cho thấy sự thành công trong chính sách chuyển nhượng của Dortmund và nói lên tư duy làm bóng đá của giới thượng tầng CLB này đã có sự thay đổi.
Thoát nghèo nhưng chưa thể giàu
Chiến lược thoát nghèo của Dortmund là rất rõ ràng, họ xây dựng công thức “mua tài năng trẻ - mài dũa - bán giá đắt”. Để công thức này thành công, Dortmund có được hai yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, các tuyển trạch viên của đội bóng vùng Ruhr làm việc rất hiệu quả. Họ phát hiện những tài năng từ gốc Á (Kagawa), Âu (Sancho, Dembele) đến Mỹ (Pulisic). Đây là yếu tố quyết định để giúp cho chiến lược mua rẻ bán đắt của Dortmund thành công.
Thứ hai, sân Signal Iduna Park là điểm đến hấp dẫn với những tài năng trẻ (năm Haaland mới nổi, rất nhiều ông lớn sẵn sàng bỏ tiền tấn hỏi mua, nhưng cầu thủ người Na Uy vẫn chọn Dortmund). Điều này đến từ lối chơi giàu năng lượng của câu lạc bộ vùng Ruhr rất thích hợp với các cầu thủ trẻ. Và CLB cũng luôn tạo điều kiện cho những cầu thủ tuổi teen ra sân thi đấu.
Cách làm bóng đá của Dortmund không mới. Chúng ta đã được nhìn thấy điều này ở các đội bóng như Benfica hay Porto. Nhưng, Dortmund ở cái tầm khác so với hai đội bóng nêu trên. Ấy vậy nhưng họ vẫn chưa thoát khỏi kiểu cách xưa cũ, để vươn tầm trở thành một thế lực.
Điều mà các CĐV đội bóng áo sọc vàng đen trông chờ bây giờ là nâng tầm giá trị của CLB. Lấy ví dụ như Man City, họ đầu tư tổng cộng tất cả chưa tới 2 tỷ USD để mua CLB và mua cầu thủ, nhưng giá trị CLB bây giờ đã gần 5 tỷ USD, giá trị tăng thêm này hơn cả Dortmund, Benfica hay mấy CLB hay bán cầu thủ phía sau cộng lại.
Tất nhiên, cách đi lên của Man City và Dortmund là hoàn toàn khác nhau. Nhưng suy cho cùng, “phương châm sống” của câu lạc bộ vùng Ruhr cũng chỉ là kiếm tiền từ việc bán cầu thủ.
Lời lãi kinh tế nhưng tổn thương tình cảm
Tại sao Klopp lại chia tay Dortmund?. Có phải ban lãnh đạo Dortmund sa thải ông thầy người Đức?. Tất nhiên là không. Cái cách mà Klopp rời khỏi Signal Iduna Park làm người ta nghĩ đến việc ông không thể dẫn dắt Dortmund lật đổ được ách thống trị của Bayern.
Với chính sách xuất khẩu cẩu thủ của giới thượng tầng CLB, chúng ta có thể ghép được siêu đội hình đã rời khỏi Dortmund, từ BHL đến tất cả các vị trí trên sân, những người đã tìm cách hoặc buộc phải dời đi, bởi sức ép kinh tế.
Cũng thật trớ trêu, niềm vui trên thương trường là sự nuối tiếc cho các CĐV, khi họ mất đi những người mà họ rất yêu mến và kỳ vọng.
Dortmund chưa bị đẩy vào tình thế như Monaco hay Ajax. Những CLB không cân đối được việc mua bán dẫn đến sự khủng hoảng nặng nề. Nhưng, câu hỏi đầy hóc búa vào lúc này, đội bóng áo sọc vàng-đen bao giờ mới có thể vươn tầm trở thành một thế lực lớn?.
HLV Wenger được các CĐV Arsenal yêu mến, nhưng sau cùng ông vẫn bị la ó cũng bởi chính sách mua rẻ bán đắt. Các CĐV của Dortmund thì chưa làm điều này với ban lãnh đạo đội bóng, có lẽ tình yêu và sự cảm thông của họ là quá lớn. Nhưng, tình yêu càng lớn thì sự tổn thương tình cảm sẽ càng nhiều, khi mà đội bóng không thể giành những danh hiệu.
Làm Fans của một CLB thật dễ, nhưng sống chung với đội bóng đó, chịu đựng những đớn đau cùng đội bóng đó mới là điều khó. Ngẫm điều này, đâu đó có nỗi buồn và sự cảm thông cho các CĐV Dortmund.
Nhưng cũng phải chấp nhận thôi, Dortmund đang sống trong ranh giới giữa giàu và nghèo.
Thắng Nguyễn
Nguồn ảnh: Vietnamnet, Internet.