Đột biến mới khiến virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh gấp 8 lần

Đột biến xuất hiện trên biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể khiến tốc độ lây lan dịch COVID-19 tăng gấp tám lần, ngoài ra khả năng chống hệ thống miễn dịch của con người còn mạnh hơn.

Một nghiên cứu đã phát hiện dạng đột biến của virus SARS-CoV-2 tồn tại trong những biến chủng mới có thể làm tăng tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh lên gấp tám lần so với chủng virus ban đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Nghiên cứu do các nhà khoa học từ trường Đại học New York (NYU), Trung tâm Gen New York (NYGC) và bệnh viện Mount Sinai thực hiện đã tìm thấy một đột biến ở gai protein nằm trên chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm tăng khả năng lây nhiễm lên gấp tám lần.

Theo hãng tin Sputnik, đột biến mang tên D614G nằm trên các biến chủng ở Anh, Nam Phi và Brazil tác động tới phần gai protein trên virus - bộ phận giúp mầm bệnh xâm nhập vào tế bào người.

“Việc tìm thấy đột biến mới dẫn đến khả năng lây truyền cao hơn giúp giải thích một phần lý do tại sao virus SARS-CoV-2 có mức độ lây lan nhanh hơn hẳn trong khoảng thời gian qua" - Trợ lý giáo sư Neville Sanjana tại NYU nhận định.

Đột biến trên biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm tăng tốc độ lây nhiễm lên tám lần so với chủng ban đầu. Ảnh: GLOBAL LOOK PRESS

Đột biến trên biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm tăng tốc độ lây nhiễm lên tám lần so với chủng ban đầu. Ảnh: GLOBAL LOOK PRESS

Để thực hiện nghiên cứu trên, các chuyên gia bệnh viện Mount Sinai đã tiêm virus có đột biến D614G vào tế bào gan, phổi và ruột kết của người và so sánh với các tế bào nhiễm bệnh ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán khi đại dịch bùng phát.

Các nhà khoa học sau đó phát hiện sự gia tăng đáng kể gấp tám lần khả năng lây nhiễm của biến chủng, với đột biến D614G làm cho virus có khả năng chống chọi tốt hơn với các protein trong hệ thống miễn dịch của con người.

Phát hiện này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục nghiên cứu và phát triển vaccine để chống lại phiên bản nguy hiểm hơn của virus SARS-CoV-2, Sputnik đưa tin.

"Dữ liệu thử nghiệm của chúng tôi khá rõ ràng, biến thể chứa đột biến D614G lây nhiễm vào tế bào người hiệu quả hơn nhiều so với chủng ban đầu" - ông Zharko Daniloski - một nhà nghiên cứu tại NYU nhấn mạnh.

Tuy nhiên, điều may mắn là chưa có bằng chứng nào cho thấy biến thể mới có thể làm nặng thêm các triệu chứng nhiễm COVID-19 trên con người hoặc làm tăng tỷ lệ nhập viện tại các nước.

Mặc dù vậy, nghiên cứu trên đặt ra một thách thức mói khi đa số các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện tại đều được phát triển dựa trên chủng virus ban đầu ở Vũ Hán, nên với tình hình hiện tại các nhà sản xuất vaccine cần tìm ra cách để làm chậm tốc độ lây lan của các biến chủng mới mang đột biến.

KHÔI CHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/dot-bien-moi-khien-virus-sarscov2-lay-lan-nhanh-gap-8-lan-967981.html