Đợt dịch thứ 4 ghi nhận chủng virus biến thể từ Ấn Độ ở nhiều địa phương
Đợt dịch lần này đã ghi nhận chủng virus SARS-CoV-2 ở các ca bệnh tại Bắc Ninh là biến chủng Ấn Độ, giống chủng ở nhiều địa phương khác như Bắc Giang, Lạng Sơn, Nam Định.
Theo báo cáo của tỉnh Bắc Ninh tại buổi làm việc với Bộ Y tế ngày 18/5, đến thời điểm này, tỉnh đã truy vết và cách ly hơn 3.800 F1 và khoảng hơn 30.000 trường hợp F2 liên quan đến 297 ca bệnh COVID-19; tỉnh đã chuẩn bị khoảng 600 giường bệnh sẵn sàng điều trị bệnh nhân COVID-19, đồng thời đã có phương án đảm bảo 1.500 giường điều trị trong trường hơp số ca bệnh gia tăng.
Về công tác điều trị, hiện có 2 bệnh nhân COVID-19 rất nặng, hai ngày nay các chuyên gia đầu ngành đã hội chẩn trực tuyến bàn phương án điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị chuyển bệnh nhân nặng lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục điều trị.
Theo đó, ngay từ khi có ca bệnh ở Mão Điền, tỉnh Bắc Ninh đã đặt trong tình trạng báo động cao nhất, nỗ lực thực hiện phòng chống dịch.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 10 khu công nghiệp, với hơn 400.000 công nhân tại 21 tỉnh, thành phố. Do đó, nếu dịch lan trong khu công nghiệp thì tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Nhận định về tình hình dịch lần này, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: Chủng virus SARS-CCoV-2 được xác định ở các ca bệnh tại Bắc Ninh là biến chủng Ấn Độ, giống chủng ở nhiều địa phương khác như Bắc Giang, Lạng Sơn, Nam Định.
Theo đó, trong đợt dịch thứ 4 này, biến chủng viurs từ Ấn Độ đã xuất hiện ở các tỉnh thành, trừ Hải Dương và Hà Nam.
GS.TS Đặng Đức Anh cũng đề xuất, với khu vực nguy cơ thấp, không cao, Bắc Ninh có thể dùng test kháng nguyên, khu vực nguy cơ cao nên dùng PCR để khẳng định. Trong nhà máy, cộng đồng nên định kỳ xét nghiệm ngẫu nhiên 10% qua đó xác định tình hình dịch đang diễn biến như thế nào, để có phương án đối phó kịp thời.
Về công tác điều trị tại Bắc Ninh, hiện tỉnh có 297 ca mắc COVID-19 đang rải ra điều trị tại 12 bệnh viện.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: Bắc Ninh không nên rải các ca bệnh ra nhiều cơ sở mà cần tập trung lại; phân tầng điều trị khác nhau, để bệnh nhân nặng, nhẹ tách ra điều trị riêng tại các điểm.
Theo đó, với các ca bệnh COVID-19 nặng, Bệnh viện Bạch Mai đã cử chuyên gia đến Bắc Ninh cùng đội ngũ y tế của tỉnh điều trị cho các bệnh nhân; đồng thời Bệnh viện cũng hỗ trợ hội chẩn, điều trị từ xa. Chiều nay, Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục cử thêm 3 chuyên gia về hồi sức, chống đông, thận lọc máu về hỗ trợ tỉnh trực tiếp.
Cũng liên quan đến công tác điều trị tại Bắc Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cảnh báo: Nguy cơ trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh cũng có thể lây nhiễm COVID-19 nếu không quyết liệt trong phòng chống nhiễm khuẩn, thực hiện nghiêm bệnh viện an toàn chống dịch.
"Trong số bệnh nhân COVID-19 hiện đang điều trị trên địa bàn tỉnh có khoảng 10% bệnh nhân nặng. Từ thực tế này, chúng tôi khuyến cáo điều trị COVID-19 rất phức tạp, nguy cơ lây chéo. Do đó, tỉnh cần nghiên cứu ý kiến của chuyên gia Bộ Y tế khuyến cáo về việc đưa bệnh nhân COVID-19 gộp lại điều trị, không rải ra như hiện nay", PGS.TS Lương Ngọc Khuê cảnh báo.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đánh giá, “trận chiến" này hoàn toàn không đơn giản, chúng ta đang kiểm soát tình hình nhưng tuyệt đối không nên chủ quan, lơ là, ngơi nghỉ.
Theo đó, hiện Bắc Ninh chưa kiểm soát được toàn bộ ổ dịch ở xã Mão Điền, Thuận Thành. Từ đó có thể lây ra các địa phương khác trên địa bàn. Đây là vấn đề đáng lo ngại, khi 2/18 thị trấn, xã của huyện Thuận Thành đã có ca bệnh. Thời gian gần đây, tại khu vực này lại có một số đám cưới, cỗ, tập trung đông người, có thể làm nguy cơ lây lan dịch ở Mão Điền rất lớn.
Ổ dịch Mão Điền, Thuận Thành là vấn đề tỉnh cần hết sức quan tâm. Tiếp đến, nguy cơ xâm nhập của cộng đồng và khu công nghiệp đang hiện hữu. Nguy cơ này đến từ nhiều yếu tố như: Lao động, chuyên gia, số lượng người tập trung tại khu vực này rất lớn, trong khi đó biến chủng này lây rất nhanh, lây trong không khí, chỉ cần môi trường không có thông khí thì lập tức lây ngày thành chùm ca bệnh.
Vì thế, mục tiêu quan trọng của tỉnh Bắc Ninh là đảm bảo ngăn chặn dịch trong cộng đồng và đảm bảo an toàn tối đa cho các khu công nghiệp, vì nếu để lây thì có thể nói rằng chúng ra sẽ rất vất vả, giống như Bắc Giang. Có thể trong thời gian tới, sẽ còn tiếp tục phát hiện thêm ca nhiễm ở cộng đồng, ở Mão Điền, ở huyện Thuận Thành.
“Tỉnh Bắc Ninh phải đặt cảnh báo ở mức độ cao nhất trong phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội tại một số khu vực. Phải “đóng băng” khu vực ổ dịch Mão Điền, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Khi đã phong tỏa thì cần thực hiện nghiêm, nhà nào ở nhà nấy, chỉ ra khỏi nhà khi đi mua thực phẩm và nếu có vi phạm phải tiến hành xử phạt”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trên địa bàn huyện Thuận Thành hiện chỉ áp dụng Chỉ thị 16 nhưng phải nâng lên trên mức Chỉ thị 16 (tức là 16 cộng). Khi khoanh vùng những ổ dịch đó, chúng ta sẽ yên tâm để tăng tốc, đuổi kịp, chặn lại các ổ dịch khác, tập trung khống chế các ổ dịch khác. Nếu thực hiện giãn cách trên quy mô huyện, xã phường thì địa phương chủ động; trừ khi địa phương áp dụng giãn cách trên toàn tỉnh thì phải báo cáo Thủ tướng.
Bộ Y tế cũng quyết định thành lập bộ phận thường trực chống dịch tại 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế làm tổng chỉ huy, cùng với địa phương chống dịch.