'Đột nhập' căn cứ hải quân Nga ở Syria, chứng kiến những gì bên trong
Cùng theo chân phóng viên hãng tin AP 'đột nhập' căn cứ hải quân của Nga ở Tartus, Syria.
Căn cứ hải quân này là cơ sở quân sự duy nhất của Nga bên ngoài lãnh thổ Liên Xô. Vào năm 2017, Nga đạt thỏa thuận với chính quyền của tổng thống Syria Bashar Assad mở rộng thời gian thuê căn cứ này lên 49 năm. Theo thỏa thuận, Nga được đồn trú 11 tàu chiến, trong đó có các tàu năng lượng hạt nhân. 11 tàu chiến có nghĩa là cả tàu mặt nước lẫn tàu ngầm.
Nga cũng phát động một chiến dịch quân sự ở Syria từ tháng 9/2015, giúp tổng thống Assad giành lại phần lớn lãnh thổ sau một cuộc nội chiến khiến các vùng đất này rơi vào sự kiểm soát của phiến quân.
Là một phần trong nỗ lực phục hồi “thói quen” của Liên Xô trong việc đồn trú tàu chiến thường xuyên ở Địa Trung Hải, Nga đã có những bước đi hiện đại hóa và mở rộng căn cứ ở cảng Tartus.
“Nga đã đến đây từ lâu””, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga, thiếu tướng Igor Konashenkov nói với các phóng viên quốc tế được mời đến thăm căn cứ hải quân Tartus. Phóng viên đã chứng kiến cảnh các tàu tên lửa khởi hành ra khơi thực hiện tuần tra, trong khi một nhóm thợ lặn hải quân tập luyện tại cảng.
Đại úy Sergei Tronev, chỉ huy lực lượng hải quân Nga trong khu vực, nói ngoài hai tàu ngầm đang neo đậu tại cảng, Tartus còn là căn cứ của hai tàu hộ tống tên lửa, ba tàu tuần tra và ba tàu hậu cần.
Ông Tronev còn cho biết cùng với các tàu ở Tartus, lực lượng hải quân Nga ở đông Địa Trung Hải hiện còn có tàu tuần dương tên lửa Nguyên soái Ustinov và khinh hạm tên lửa Đô đốc Makarov được điều đến từ các căn cứ khác.
Liên Xô duy trì một lực lượng hải quân thường xuyên ở Địa Trung Hải trong suốt thời Chiến tranh lạnh nhưng sự hiện diện của Nga tại đây yếu dần trong những năm sau sự kiện Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Là một phần trong các nỗ lực của tổng thống Nga Vladimir Putin đẩy mạnh hiện diện quân sự giữa lúc có các căng thẳng với Phương Tây, hải quân Nga trong những năm gần đây đã làm sống lại các thói quen thời Liên Xô, thường xuyên luân chuyển tàu chiến đến Địa Trung Hải.
Tháng tới, hải quân Nga đã có kế hoạch mở một xưởng bảo trì, sửa chữa tại Tartus, giúp củng cố năng lực của căn cứ hải quân tại đây. Hiện nay họ vẫn phải chờ linh kiện, phụ tùng thay thế được mang đến bằng máy bay, khiến công việc kéo dài.