'Đột nhập' nhà máy pin của hãng xe điện BYD tại Trùng Khánh
Trong chuyến công tác tại Trung Quốc, chúng tôi đã có dịp tham quan Nhà máy FinDreams Battery - nơi sản xuất pin Blade – thứ được coi là 'vũ khí' để BYD vươn lên trở thành nhà sản xuất xe điện số 1 thế giới.
Nhà máy pin xe điện BYD và những con số ấn tượng
Lịch trình chuyến công tác của Đoàn truyền thông Việt Nam được hãng xe điện BYD mời sang Trung Quốc lần này khá dày. Chúng tôi không có nhiều thời gian cho việc thăm thú hay thưởng thức ẩm thực. Nhưng tôi thấy đây vẫn là một chuyến đi hấp dẫn vì qua đây mới thấy hết được quy mô, thành tựu mà hãng xe Trung Quốc đã làm được.
Sau 2 ngày đầu đến “đại bản doanh” của BYD tại Thâm Quyến, được lái thử xe, thăm phòng thử nghiệm… chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên đất nước tỷ dân bằng việc bay từ Thâm Quyến sang Trùng Khánh – nơi đặt nhà máy pin của BYD.
Đến đây, nghe kể về những con số khiến ai nấy không khỏi choáng ngợp. Nằm ngay tại quận Bình Sơn của thành phố Trùng Khánh, Nhà máy FinDreams Battery có diện tích khoảng 1 triệu m2 và đang có khoảng 17.000 nhân viên làm việc ở đây. Môi trường sản xuất trong nhà máy đạt tiêu chuẩn cao với nhiều trang thiết bị do BYD tự phát triển. Nhà máy có 18 cơ sở sản xuất và 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển, tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ USD.
Năng lực sản xuất của nhà máy đạt 200 GWH vào năm 2022. Theo kế hoạch phát triển và mở rộng, nhà máy dự kiến đạt khả năng sản xuất 550 GWH vào năm 2025. Hiện tại, nhà máy đang tập trung vào 4 lĩnh vực chính, bao gồm: Pin 3C Battery; Pin Power Battery; Lưu trữ năng lượng và Các ngành công nghiệp mới.
Viện nghiên cứu FinDreams Battery hiện có hơn 400 tiến sĩ đến từ các trường đại học hàng đầu thế giới, hơn 7.000 nhân viên nghiên cứu và phát triển và hơn 6.600 đơn xin cấp bằng sáng chế. Viện nghiên cứu đã đạt được những thành tựu trong việc nghiên cứu vật liệu, phát triển cell pin và tích hợp thông minh.
Đến với nhà máy, chúng tôi không được phép chụp bất cứ tấm hình nào vì lý do bảo mật. Song, mọi người cố gắng quan sát và thu thập thông tin bằng trí nhớ. Toàn bộ dây chuyền sản xuất pin Blade với nhiều quy chuẩn nghiêm ngặt. Chẳng hạn các hạt bụi mịn 5 micron không vượt quá 29 hạt/m3, độ ẩm tổng thể luôn được duy trì ở mức dưới 1%, nhiệt độ môi trường giữ ở mức không đổi 25oC.
Được biết, quá trình sản xuất pin Blade (thứ nằm dưới sàn của những chiếc xe điện BYD) bao gồm 8 giai đoạn chính với những quy chuẩn và công nghệ đỉnh cao.
Không chỉ được tham quan quy trình sản xuất, chúng tôi còn nhìn thấy cận cảnh bộ pin Blade của mẫu BYD HAN. Khối pin này có 178 cell pin, tổng công suất 78,4 kWh. Dựa theo các thử nghiệm đã thực hiện, bộ pin này vẫn có thể đạt mức lưu trữ năng lượng trên 90% sau 120.000 km vận hành hoặc sau 300-500 lần sạc và xả. Đó là những thông tin vô cùng ấn tượng.
Trải nghiệm BYD SkyShuttle – phương tiện của tương lai
Phần hết sức thú vị của chuyến công tác là khoảng thời gian được trải nghiệm BYD SkyShuttle. Đây là loại phương tiện được phát triển với mục tiêu giải quyết tình trạng tắc nghẽn đô thị và thách thức về hạ tầng giao thông. Loại hình giao thông vận tải này kết hợp giữa công nghệ ô tô và công nghệ đường sắt, mang đến nhiều ưu điểm nổi bật như an toàn, linh hoạt, thông minh, ít tiếng ồn…
Nếu có dịp đến Trùng Khánh, thành phố lớn nhất Trung Quốc, một trong những ấn tượng mạnh đối với bất cứ ai là hệ thống giao thông chằng chịt, đa chiều như mê cung và ma trận tại đây. Lúc này người ta có thể đang đi trong thang máy dài như tòa nhà 30 tầng xuống sâu dưới lòng đất, nhưng lúc khác lại chót vót trên những làn đường cao gần 40 mét lơ lửng trên cao.
Cầu vượt ở đây, ví dụ như cầu vượt Hoàng Giác Loan chia ra tới 5 tầng, cao 37m, tương đương tòa nhà 12 tầng, gồm 20 làn xe chạy theo 8 hướng và có tổng chiều dài 16,4km. Đây là hệ thống giao lộ phức tạp nhất thế giới, mà có người nói vui là nếu không may nhầm đường, mời bạn bắt đầu tour du lịch 1 ngày Trùng Khánh.
Đôi khi tôi cứ ngỡ hệ thống giao thông ở Trùng Khánh là hệ thống giao thông của tương lai. Và đó cũng là lý do để BYD nghiên cứu ra loại hình vận chuyển "của tương lai" như SkyShuttle.
SkyShutte nom giống như tàu cao tốc hay tàu điện trên cao. Mỗi toa của nó tiêu thụ lượng điện khoảng 0,5 kWh/km, tương đương 13% mức tiêu thụ điện trung bình của ngành. Tùy thuộc vào nhu cầu, SkyShuttle có thể linh hoạt thay đổi số lượng toa tàu từ 2 đến 8 toa một cách nhanh chóng.
Sau 7 năm phát triển với chi phí đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, SkyShuttle đã được triển khai tại nhiều khu vực trong và ngoài Trung Quốc. Hiện tại, SkyShuttle đang được vận hành ở các thành phố như Ngân Xuyên, Trùng Khánh, Thâm Quyến…
Tại Thành phố Trùng Khánh, hệ thống SkyShuttle của BYD có tổng cộng 15 nhà ga với tổng chiều dài 15,4 km. Hệ thống được kết nối với ga tàu điện ngầm Bích Sơn và ga tàu cao tốc Thành Đô - Trùng Khánh.
Sau 4 ngày công tác, trở về và ghi lại những gì mà tôi tiếp nhận được ở chuyến đi thăm trụ sở BYD, nhà máy pin, sờ ngắm những chiếc xe điện BYD mới nhất… tôi cứ thấy như mình không kể được hết. Mọi thứ với tôi đều mới lạ, là những thứ mà trước khi đi khó tưởng tượng nổi trong đầu.
BYD đã đạt được những thành tựu vượt quá những gì chúng ta nghĩ đến, và đó là lý do họ vươn lên trở thành nhà sản xuất xe điện số 1 thế giới, qua mặt cả những cái tên có bề dày lịch sử phát triển hàng trăm đến từ Mỹ hay châu Âu.
Trần Huy Thắng (từ Trùng Khánh)