Đột phá cải cách hành chính từ nền tảng số

Nhìn lại chặng đường 5 năm (2021-2025) thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) Nhà nước giai đoạn 2021-2030, cho thấy những nỗ lực không ngừng của tỉnh Cà Mau trong quyết tâm xây dựng nền hành chính hiện đại, kiến tạo và phục vụ.

Nhiều sáng kiến đột phá

Cà Mau đã tiên phong áp dụng hệ thống nhận diện hình ảnh và thông tin dữ liệu công dân để hỗ trợ quy trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Tại Trung tâm Giải quyết TTHC tỉnh và bộ phận một cửa các cấp, việc công khai TTHC bằng mã QR (QR Code) thay cho hình thức niêm yết giấy truyền thống đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN dễ dàng tra cứu thông tin và kết quả giải quyết TTHC.

Trong tiến trình ấy, Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau” là điểm nhấn quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, DN.

Cán bộ, công chức đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết TTHC và vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp. (Ảnh: Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân Thành).

Cán bộ, công chức đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết TTHC và vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp. (Ảnh: Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân Thành).

Đặc biệt, tỉnh thí điểm liên thông một số TTHC trong các lĩnh vực: đăng ký đầu tư, đăng ký kinh doanh, môi trường, đất đai, xây dựng. Theo đó, người dân chỉ nộp hồ sơ một lần nhưng nhận được nhiều kết quả, cắt giảm ít nhất 15% thời gian giải quyết so với quy định và giảm số lần đi lại cho người dân, DN. Đồng thời, giảm phí, lệ phí từ 0-50% khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, khuyến khích chuyển đổi sang hình thức giao dịch điện tử.

Cà Mau đã triển khai và hướng dẫn quy trình thực hiện trích lục bản đồ địa chính thửa đất, trích đo địa chính thửa đất trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Qua đó, giúp người dân dễ dàng tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ, đồng thời giúp cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát tiến độ xử lý hồ sơ.

Những sáng kiến và mô hình trên đã mang lại chuyển biến tích cực: tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn hàng năm đạt trên 99,9%; mức độ hài lòng của người dân, DN đối với việc giải quyết TTHC của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh trung bình đạt 97,28%.

Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số

Cà Mau đã và đang đầu tư mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin. Tỉnh đã xây dựng, vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu chính (DC) và Trung tâm tích hợp dữ liệu dự phòng (DR), là những thành phần cốt lõi của nền tảng số. Với năng lực lưu trữ lên đến 135 TB, các trung tâm đang tạo nền tảng vững chắc hỗ trợ quá trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.

Việc công khai TTHC bằng mã QR được cập nhật kịp thời, thay cho hình thức niêm yết giấy truyền thống.

Việc công khai TTHC bằng mã QR được cập nhật kịp thời, thay cho hình thức niêm yết giấy truyền thống.

Nhiều nền tảng số quan trọng được triển khai. Nổi bật là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP); nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, DN (Chatbot AI), truy cập tại https://dichvucong.camau.gov.vn/; nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu; nền tảng giám sát trực tuyến; nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức thuộc hệ thống IOC của tỉnh; nền tảng giám sát mã độc quản lý tập trung (SOC). Từ đó, tỉnh đã kết nối và chia sẻ được 23/24 cơ sở dữ liệu hiện có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).

Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh Cà Mau chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ https://ioc.camau.gov.vn/; đóng vai trò là hệ thống thông tin tập trung, giúp giám sát tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh theo thời gian thực. IOC đã kết nối 13 lĩnh vực quản lý, với 39 loại dữ liệu và 258 trường thông tin, cung cấp cái nhìn toàn diện về hoạt động của tỉnh.

Đồng thời, IOC còn theo dõi và quản lý Chatbot trên ứng dụng IOC phiên bản Mobile, đảm bảo Chatbot hoạt động ổn định, phản hồi nhanh chóng và chính xác các yêu cầu từ người dùng. Nhờ đó, lãnh đạo các cấp chính quyền, người dân và DN có thể nắm bắt rõ ràng kết quả hoạt động kinh tế - xã hội đang diễn ra tại tỉnh, cũng như sự tương tác giữa người dân, DN với các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.

Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh Cà Mau đã kết nối 13 lĩnh vực quản lý, với 39 loại dữ liệu và 258 trường thông tin, cung cấp cái nhìn toàn diện về hoạt động của tỉnh.

Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh Cà Mau đã kết nối 13 lĩnh vực quản lý, với 39 loại dữ liệu và 258 trường thông tin, cung cấp cái nhìn toàn diện về hoạt động của tỉnh.

Ứng dụng Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau (CaMau-G) được triển khai rộng rãi, tích hợp 50 ứng dụng và tiện ích thiết yếu. Điều này giúp người dân và DN dễ dàng tương tác, cũng như tiếp cận các dịch vụ số do chính quyền cung cấp. 5 năm qua đã có hơn 27 ngàn lượt người cài đặt và sử dụng ứng dụng CaMau-G.

Có thể nói, công tác CCHC của tỉnh Cà Mau đang có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sau sắp xếp bộ máy, tỉnh đã đưa vào vận hành 64 trung tâm phục vụ hành chính công tại các xã, phường và Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, gắn với đó là xây dựng đội ngũ công chức có năng lực, đáp ứng tốt các yêu cầu về công nghệ thông tin và chuyển đổi số, góp phần để bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu năng và hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thành Ngại nhấn mạnh, trên cơ sở những kết quả quan trọng đạt được, tỉnh Cà Mau sau hợp nhất khẩn trương xây dựng Chương trình CCHC phù hợp cho giai đoạn 2026-2030. Trong đó, yếu tố con người đóng vai trò then chốt, đặc biệt là trong việc giải quyết TTHC và vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp, để phục vụ người dân và DN ngày càng tốt hơn.

Mộng Thường

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/dot-pha-cai-cach-hanh-chinh-tu-nen-tang-so-a106419.html