Đột phá - Hành trình vượt qua nghịch cảnh của doanh nhân Hồ Văn Trung

Trong không khí cả nước đang hưởng ứng phong trào toàn dân thi đua làm giàu phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cuốn sách 'Đột phá thị trường thế giới - Hành trình từ tay trắng trở thành chủ tịch tập đoàn toàn cầu' của doanh nhân Hồ Văn Trung rất cần được lan tỏa.

Đó là hành trình truyền cảm hứng của doanh nhân Hồ Văn Trung: Từ một đứa trẻ chăn trâu quê ở La Khê, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên -Huế, vượt qua bao thăng trầm để thành Chủ tịch tập đoàn toàn cầu của Trangs Group.

Là cậu bé không tên, là người nghèo nhất trong những người nghèo, điều gì khiến Hồ Văn Trung vượt qua nghịch cảnh? “Điều quý giá nhất tôi có trong cảnh đói nghèo, mồ côi ba chính là tình thương yêu vô bờ của mẹ và sự chăm sóc lo toan của chị”. Tình thân gia đình chính là động lực để mỗi người nhẫn nại tiến lên trên hành trình sống đầy gian khổ.

Tuổi thơ khốn khó, chăn trâu đổi cơm - mưu sinh từ thủa lên bốn. Những năm tháng thủa thiếu thời đó, điều mà tâm hồn của tác giả chưng cất thật đẹp đó là luôn biết tìm niềm vui trong cuộc sống lam lũ. Những trận bóng nảy lửa, những ngày khô hạn cùng bạn đi bắt ong, nướng khoai... đều là những kỷ niệm tuổi thơ tuyệt đẹp. Một trong may mắn lớn nhất đời ông đó chính là người mẹ vô cùng tin tưởng con đường học tập sẽ giúp bản thân tiến đến tương lai tươi sáng.

Đi học tiểu học thì không có giấy khai sinh, tên cũng chưa được người nhà kịp đặt. Tên và ngày sinh của ông đều do nhân sĩ giàu có tên là Trần Tiễn Hi thường được gọi là ông Thị Hi đặt cho. 7 năm ở trường Quốc học Huế có những tủi nhục thiếu thốn đã tôi luyện nên sức chịu đựng, vượt qua tất cả thử thách và hun đúc cho ông một quyết tâm học tốt. Khi bước vào Sài Gòn, về vật chất, Hồ Văn Trung tả khi ấy ông chẳng có gì ngoài tấm áo rách, nhưng về tinh thần, ông có trí tuệ, có quyết tâm, ý chí của tuổi trẻ.

Hay những năm tháng rời Việt Nam sang Úc khởi nghiệp, Hồ Văn Trung cùng vợ đã nhận ra rằng: muốn kỹ nghệ hóa thực phẩm thay vì chỉ kinh doanh hạn hẹp trong một nhà hàng địa phương. Và rồi ông đã mở nhà máy sản xuất đại trà thực phẩm châu Á bằng máy móc và phân phối cho thị trường rộng lớn. Khi có ý tưởng và đề án cũng là lúc Hồ Văn Trung cùng các cộng sự của mình đã chủ động học hỏi toàn bộ hệ thống máy móc sản xuất và dấn thân vào con đường tìm hiểu thị trường. Sau 14 năm thống nhất và sau 10 năm rời quê hương, Hồ Văn Trung đã trở về Việt Nam trong vai trò là thành viên của phái đoàn thương mại do Chính phủ Úc tổ chức.

Khi đã ngoài 50 tuổi, Hồ Văn Trung quyết định toàn cầu hóa Tập đoàn Trangs Group từ lời ước mơ của con trai mình đó là muốn trở thành triệu phú.

Kinh nghiệm của hơn 20 năm đột phá thị trường thế giới với bao gian nan, thành bại, thăng trầm trong hành trình toàn cầu của công ty đã thành công. Giờ đây, Trangs Group đã là nhà cung cấp uy tín cho hầu hết hệ thống siêu thị khắp thế giới. Con đường ấy đã trả lời cho một câu hỏi lớn: làm thế nào để bán sản phẩm của bạn ra thế giới? Nếu phần 1 của hồi ký khiến bạn đọc nhận ra Hồ Văn Trung là ai? Thì phần 2 của hồi ký đã trả lời làm thế nào để doanh nhân có thể thành công lớn trên thương trường.

Theo doanh nhân Hồ Văn Trung, thị trường không có giới hạn, nhu cầu của con người là vô hạn. Chỉ cần biết cách khai thác thì chắc chắn sẽ mở rộng hay đưa các mặt hàng Made in Vietnam ra thế giới trong kỷ nguyên mở cửa và thế giới phẳng ngày nay. Từ thực tiễn vận hành tập đoàn toàn cầu, tác giả Hồ Văn Trung đã có những thông tin toàn cảnh về tiềm năng thị trường thế giới tất cả các lĩnh vực có thể khai phá, đặc biệt là những chiến lược tiếp cận thị trường. Nhất là cách thức làm gia công, làm sản phẩm hoàn toàn phù hợp với những bước đi của tập đoàn kinh tế của quốc gia đang phát triển như Việt Nam chúng ta.

Một nội dung rất quan trọng mà doanh nhân Hồ Văn Trung đã chỉ ra đó là sự thành công của doanh nghiệp Việt Nam khi ra biển lớn, chinh phục thị trường thế giới không thể thiếu sự tiếp sức kịp thời và hiệu quả của Chính phủ. Những công thức mà doanh nhân khuyến nghị ở những trang cuối của sách với niềm mong mỏi khát khao: khi doanh nhân đủ tầm, có khát vọng cộng hưởng với chính sách vĩ mô đúng đắn của Nhà nước, chắc chắn sẽ là bệ phóng cho doanh nghiệp cất cánh.

Những năm khó khăn bám trụ việc học ở Quốc học Huế, người học trò nghèo Hồ Văn Trung phần lớn nhờ vào các bữa ăn miễn phí. Từ năm 2013, khi đã thành danh, ông đã tài trợ và xây dựng “Quán cơm xã hội” tại TP Huế, mỗi ngày phục vụ gần 400 phần ăn cho học sinh, sinh viên khó khăn.

Mỗi lần trở về quê hương, nhìn những học sinh thơ ngây, tác giả đã không cầm được nước mắt. Vòng tròn nhân ái vẫn luôn được lan tỏa. Những người thành đạt, trên hành trình của họ có sự giúp đỡ chân thành của biết bao người, và giờ đây họ chính là hạt nhân lan tỏa tiếp tục tinh thần nhân ái ấy.

“Nếu có thể quay về quá khứ để gặp chú bé Trung chăn trâu ngày ấy, tôi sẽ xoa đầu ôm chú bé vào lòng và ân cần động viên: hãy cứ ước mơ thỏa thích, hãy cứ tin tưởng bản thân và tiếp tục cố gắng. Vì cậu sẽ làm được đấy”.

Một doanh nhân thành đạt ngoài thương trường cũng như biết bao người chúng ta từng gặp. Khó khăn không làm họ nản lòng. Nghịch cảnh càng khiến họ tôi luyện bản lĩnh. Bởi vậy, nếu có ước mơ, nếu được sự đồng hành, chắc chắn Việt Nam sẽ có hàng triệu triệu những người giỏi giang, thành đạt và giàu tấm lòng nhân văn như vậy. Đó là điều mà tất cả chúng ta cần phải tin tưởng khi đã và đang thực hiện phong trào thi đua làm giàu, thịnh vượng vì Tổ quốc.

Mạc Danh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/dot-pha-hanh-trinh-vuot-qua-nghich-canh-nbsp-cua-doanh-nhan-ho-van-trung-37360.htm