Đột phá mới cho thương hiệu nông sản

Đáp ứng yêu cầu mới về xuất khẩu và đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản chủ lực. Để phát huy giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Thủ đô trên thị trường, thành phố cần có những giải pháp để tạo được bước đột phá mới.

Huyện Quốc Oai đẩy mạnh phát triển thương hiệu nhãn chín muộn Đại Thành. Ảnh: Nguyễn Quang

Khó khăn trong duy trì, phát triển thương hiệu

Thời điểm hiện tại, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển thương hiệu, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất cũng như khả năng chiếm lĩnh thị trường quốc tế của một số nông sản chủ lực như: Nhãn chín muộn, gạo hữu cơ Japonica...

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho thành phố Hà Nội (2015-2020) tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để người tiêu dùng yên tâm về các mặt hàng nông sản, thực phẩm, người sản xuất cần chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu. Đặc biệt, khi hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng thương hiệu có ý nghĩa quan trọng để ngành Nông nghiệp đẩy mạnh việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, có thế mạnh của từng địa phương. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển thương hiệu cho nông sản Thủ đô còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn Nguyễn Văn Đông cho biết: "Năm 2016 được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, chúng tôi đã xây dựng thành công thương hiệu "Gà đồi Sóc Sơn". Hiện tại trung bình mỗi ngày, các thành viên của hội bán ra thị trường 700-800 con gà nhưng chỉ 30% lượng sản phẩm tiêu thụ qua các hợp đồng với cửa hàng, siêu thị. Số còn lại bán qua thương lái và chợ dân sinh nên giá không cao hơn các loại gà khác". Còn bà Nguyễn Thị Thảo ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) cho biết, năm 2014, sản phẩm cam Canh Kim An được cấp bằng công nhận nhãn hiệu tập thể “Cam đường Kim An”. Tuy nhiên, nhiều năm nay sản phẩm cam Canh của gia đình bà vẫn chủ yếu bán cho thương lái đến thu mua tại ruộng.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tạ Văn Tường nhận định: Hiện nay, nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của Hà Nội đã có thương hiệu, tuy nhiên việc phát huy giá trị thương hiệu vẫn là một bài toán khó do sản xuất còn manh mún, dẫn đến sản phẩm không đồng đều... Mặt khác, với nhiều sản phẩm nông nghiệp sau khi được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu, việc tổ chức sản xuất, quản lý quy trình canh tác, quản lý chất lượng đầu vào, đầu ra chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc liên kết tổ chức tiêu thụ chưa được chú trọng nên kênh tiêu thụ chủ yếu vẫn thông qua thương lái.

Liên kết nâng cao giá trị thương hiệu

Để tạo bước đột phá mới, nâng cao giá trị thương hiệu nông sản Thủ đô, các địa phương cũng như người sản xuất cần chú trọng các giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Từ góc độ của người sản xuất, ông Nguyễn Văn Thành ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) đề xuất: Để phát triển thương hiệu nhãn chín muộn Đại Thành (đã được công nhận nhãn hiệu tập thể từ năm 2013), các ngành chức năng cần hỗ trợ người dân liên kết với doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; đồng thời hỗ trợ người dân tham gia các hội chợ để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện tập trung vào 15 mặt hàng nông sản nhằm xây dựng thương hiệu gắn với hỗ trợ ứng dụng phần mềm thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, tạo uy tín với khách hàng; liên kết cùng doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, huyện đã xây dựng cơ chế hỗ trợ 2 triệu đồng/sản phẩm cho các mặt hàng được xếp hạng sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để thúc đẩy xây dựng thương hiệu.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Hà Nội sẽ tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tiến tới cấp chứng chỉ về chất lượng sản phẩm, đồng thời tổ chức giới thiệu rộng rãi để người tiêu dùng biết rõ về xuất xứ nguồn gốc. Trước mắt, ngành Nông nghiệp tập trung hỗ trợ cho những mặt hàng nông sản đã được chứng nhận OCOP, như đề xuất thành phố hỗ trợ 100% kinh phí bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm có thương hiệu được chứng nhận OCOP. Ngoài ra, Sở NN&PTNT kiến nghị thành phố bố trí kinh phí cho hoạt động xây dựng nhãn hiệu, xúc tiến thương mại đối với những nhóm sản phẩm đạt chất lượng. "Thời gian tới, Sở NN& PTNT sẽ phối hợp các địa phương, doanh nghiệp tổ chức 5-8 hội chợ mang tính chuyên đề về nhóm nông sản đã có thương hiệu để kết nối tiêu thụ", ông Chu Phú Mỹ thông tin thêm.

Cùng với những giải pháp hỗ trợ của các ngành chức năng về kỹ thuật sản xuất, xây dựng thương hiệu, người sản xuất cần coi việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu là yếu tố “sống còn”, từ đó phát triển thương hiệu bằng sản phẩm chất lượng cao.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/983300/dot-pha-moi-cho-thuong-hieu-nong-san