Đột phá mới ngành GTVT - Kỳ 5: Thích ứng nhanh, hàng không ngoạn mục cắt lỗ

Đối diện với bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng chục máy bay phải triệu hồi theo yêu cầu của nhà sản xuất động cơ, nhờ thích ứng nhanh cùng những giải pháp kịp thời, các hãng hàng không của Việt Nam vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, thậm chí tăng trưởng cao.

Sau khi nâng cấp, Cảng Hàng không Điện Biên đã đảm bảo tiếp nhận các loại tàu bay thế hệ mới Airbus A320, A321 hoặc tương đương

Sau khi nâng cấp, Cảng Hàng không Điện Biên đã đảm bảo tiếp nhận các loại tàu bay thế hệ mới Airbus A320, A321 hoặc tương đương

Chớp thời cơ, tăng tải cung ứng

Từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, nhà sản xuất động cơ Pratt & Whitney đã triệu hồi động cơ PW 1100 trên máy bay Airbus A321 Neo để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi. Kết quả, 2 hãng hàng không lớn của Việt Nam là Vietjet Air và Vietnam Airlines có 42 máy bay bị triệu hồi động cơ, đồng nghĩa trong năm 2024 có tất cả 42 máy bay A321 Neo của hai hãng phải dừng toàn bộ. Đó là còn chưa tính đến nhiều máy bay phải bảo dưỡng định kỳ sau dịp cao điểm Tết 2024.

"Theo kế hoạch của nhà sản xuất, động cơ tháo đi, bảo dưỡng, thay thế trung bình mất 18 tháng sau khi tháo khỏi máy bay. Thời gian bảo dưỡng kéo dài hết năm 2026, thậm chí sang đến năm 2027", ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam chia sẻ.

Một số hãng còn đối diện với việc kinh doanh thua lỗ, phải đàm phán, tái cơ cấu nợ. Các chủ nợ quyết định rút tàu ra và cho thuê giá cao, việc này từng khiến Pacific Airlines phải trả hết máy bay và Bamboo Airways có thời điểm chỉ còn 5 chiếc.

Trong bối cảnh khó khăn đó, các hãng đã tìm mọi cách để thích ứng, đồng thời nắm bắt nhanh nhạy các cơ hội mang đến. Rõ nhất là sự kiện Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo đó, trong giai đoạn cao điểm của sự kiện này, Vietjet đã tăng tần suất bay Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đến Điện Biên lên 28 chuyến mỗi tuần. Cũng trong giai đoạn từ ngày 3/5 đến 8/5/2024, Vietnam Airlines khai thác 3 chuyến bay mỗi ngày từ Hà Nội đi Điện Biên và ngược lại.

Theo Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), từ ngày 1/5 đến 9/5/2024, lượng hành khách và hành lý trong dịp lễ 30/4, 1/5 và 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tăng gấp nhiều lần so với bình thường. Số liệu tính lượng hành khách đạt 12.024 lượt khách; tổng hành lý, hàng hóa đi và đến đạt 52.785 kg; số lượt chuyến bay tăng cao với 98 lượt chuyến bay dân dụng và 26 lượt chuyến bay quân sự.

Cần nói thêm rằng, trước đây, do điều kiện kỹ thuật hạn chế, địa thế lòng chảo đặc biệt, sân bay Điện Biên chỉ có thể tiếp nhận được loại máy bay nhỏ ATR72 và tương đương, thường xuyên không tiếp nhận được các chuyến bay do điều kiện thời tiết. Kể từ sau khi hoàn thành nâng cấp mở rộng và đưa vào khai thác từ cuối năm 2023, Cảng Hàng không Điện Biên đã đảm bảo tiếp nhận các loại tàu bay thế hệ mới như Airbus A320, A321 hoặc tương đương.

Trong khi đó, để đảm bảo cung ứng trong bối cảnh ngành Hàng không đang đối diện với việc lực lượng vận tải bị thiếu hụt, Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam cũng đã chỉ đạo các hãng hàng không và các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp tăng cường tải cung ứng vào giai đoạn cao điểm 30/4 - 1/5.

Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo tăng tham số điều phối giờ hạ, cất cánh (slot) tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (HAN) từ 37 chuyến/giờ vào khung giờ ban ngày và 30 chuyến/giờ vào khung giờ ban đêm lên tương ứng là 42 chuyến/giờ và 32 chuyến/giờ; tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN) từ 42 chuyến/giờ vào khung giờ ban ngày và 32 chuyến/giờ vào khung giờ ban đêm lên tương ứng là 44 chuyến/giờ và 36 chuyến/giờ. Trong các ngày 26/4, 27/4, 30/4 và 1/5/2024 tăng tham số điều phối tại SGN lên 46 chuyến/giờ vào khung giờ ban ngày.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đã hỗ trợ các hãng hàng không điều chỉnh slot tại HAN, SGN cũng như các cảng hàng không khác giúp các hãng hàng không Việt Nam tối ưu hóa lịch khai thác, tăng giờ khai thác đội tàu bay, đồng thời giảm thời gian quay đầu tàu bay phù hợp với điều kiện khai thác của từng cảng hàng không, sân bay.

Theo tính toán, thời gian khai thác tàu bay của Vietnam Airlines tăng từ 10 tiếng/tàu bay/ngày lên khoảng 11 - 12 tiếng/tàu bay/ngày và Vietjet Air tăng khai thác tàu bay từ 12 - 13 tiếng/tàu bay/ngày lên khoảng 13 - 14 tiếng/tàu bay/ngày.

Giải pháp bay đêm - hưởng ưu đãi phí lưu trú, mang lại lợi ích cho cả hãng hàng không và hành khách

Giải pháp bay đêm - hưởng ưu đãi phí lưu trú, mang lại lợi ích cho cả hãng hàng không và hành khách

Bay đêm, giảm giá vé, bắt tay cơ sở lưu trú

Cùng hàng loạt chính sách kích cầu, giảm giá vé, khuyến mại, tặng voucher…, các hãng hàng không Việt Nam cũng tìm kiếm, bổ sung tàu bay bằng việc thuê ướt các tàu bay (thuê có tổ bay) trong giai đoạn ngắn hạn; kéo dài thời gian khai thác đội tàu bay, đặc biệt là tăng cường khai thác vào các khung giờ tối và ban đêm.

Đơn cử, từ 10/6, Vietjet tăng xấp xỉ 46% số chuyến bay đêm so với thường lệ, tương đương với 3.100 chuyến bay đêm trên các đường bay từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang đi và đến các tỉnh, đồng thời mở bán các chuyến bay đêm với mức giá kích cầu từ TP. Hồ Chí Minh đi các địa phương phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa... Với Vietnam Airlines, từ ngày 15/6 đến 30/9, hãng này gửi tặng gift voucher và ưu đãi lên đến 50% giá vé show diễn tại Sun World dành cho khách hàng có hành trình bay đến hai điểm đến du lịch hấp dẫn là Đà Nẵng và Phú Quốc.

Với giải pháp tăng cường chuyến bay đêm, hàng không bổ sung được tải cung ứng trên các đường bay nội địa, còn hành khách cũng được hưởng lợi với giá vé thấp. Đặc biệt, ngay khi có một số ý kiến về việc hành khách bay đêm gặp trở ngại trong việc tìm và chi trả phí lưu trú, các hãng hàng không lập tức có động thái bắt tay với các cơ sở lưu trú để giúp hành khách yên tâm bay đêm.

Theo bà Võ Ngọc Điệp, Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, chương trình hợp tác phát động khách du lịch bay đêm từ TP. Hồ Chí Minh thực hiện trong tháng 7 và tháng 8, áp dụng đối với 6 chặng bay từ TP. Hồ Chí Minh đến Hà Nội, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Phú Quốc, Huế và ngược lại. Tính đến ngày 8/7 đã có 16 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn Thành phố đăng ký tham gia với mức giảm giá từ 20% đến 100% giá phòng cho đêm đầu tiên theo giá niêm yết, từ đêm thứ hai áp dụng theo giá niêm yết hoặc giảm 60% (tùy từng đơn vị mà chính sách và điều kiện áp dụng được quy định khác nhau).

"Từ trước đến nay, các chương trình bay đêm không hấp dẫn du khách vì hạn chế về thời gian, phát sinh thêm chi phí khách sạn cho khách. Nhưng với việc "bắt tay" giữa hàng không - cơ sở lưu trú vừa giúp giảm tải tần suất các chuyến bay ngày trong bối cảnh giá vé tăng cao, trong khi hành khách được hưởng lợi nhờ chính sách giảm giá của điểm lưu trú", đại diện một doanh nghiệp du lịch chia sẻ và cho rằng, du khách là người hưởng lợi trực tiếp từ chương trình kích cầu này, mở ra cơ hội cho người Việt đi du lịch nội địa nhiều hơn. Chương trình sẽ tối ưu cho dòng khách lẻ vì dễ dàng tìm kiếm, đặt dịch vụ mà không cần thông qua công ty.

"Đây là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Du khách có thể lên kế hoạch sắp xếp lịch trình để có cơ hội tiếp cận điểm đến với chi phí tối ưu nhất. Ở đây, hãng hàng không tăng được tỷ lệ lấp đầy số ghế, cơ sở lưu trú tận dụng tối đa nguồn lực, chi phí đầu vào tiết kiệm khi du khách đến lưu trú vào khung giờ đêm, còn các địa phương là điểm đến cũng có cơ hội để cung cấp và quảng bá các sản phẩm du lịch đêm, từ đó tăng doanh thu cho địa phương", TS. Dương Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch nhấn mạnh.

Trong nửa đầu năm 2024, Vietjet vận chuyển 13,1 triệu khách. Doanh thu vận tải hàng không của hãng đạt 32.893 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.174 tỷ đồng, tăng 690% so với cùng kỳ. Doanh thu hợp nhất đạt 34.016 tỷ đồng và 1.311 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng lần lượt 15% và 433% so với cùng kỳ, vượt 21% so với kế hoạch năm.

Cùng thời gian này, Vietnam Airlines vận chuyển gần 11,5 triệu lượt hành khách và 143.000 tấn hàng hóa bưu kiện, tăng lần lượt 10% và 42,1% so với cùng kỳ 2023. Doanh thu hợp nhất đạt hơn 53.126 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 5.674 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là gần 1.143 tỷ đồng và lợi nhuận khác là hơn 4.531 tỷ đồng.

Bình Minh

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/dot-pha-moi-nganh-gtvt-ky-5-thich-ung-nhanh-hang-khong-ngoan-muc-cat-lo-183240816093920751.htm