Đột phá nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã và đang trở thành động lực đưa 'đoàn tàu' nông nghiệp Hải Dương không trật bánh khỏi quỹ đạo của nền nông nghiệp hiện đại.

Mỗi con lợn trong trang trại của gia đình anh Nguyễn Đắc Viêm (Cẩm Giàng) đều được gắn chip để theo dõi thể trạng

Mỗi con lợn trong trang trại của gia đình anh Nguyễn Đắc Viêm (Cẩm Giàng) đều được gắn chip để theo dõi thể trạng

Chuyển động tích cực

Hình ảnh người dân ở khu dân cư Duẩn Khê, phường Long Xuyên (Kinh Môn) vật lộn với từng tấc đất, vất vả tưới từng gầu nước để chăm bẵm cho cây trồng đã lùi vào quá khứ. Hiện tại, họ vẫn làm nông nghiệp song thảnh thơi hơn nhiều vì đã trở thành "nông dân công nghệ". Cũng là cánh đồng ấy nhưng nhà màng, nhà lưới đã mọc lên san sát. Thay vì cây lúa, củ khoai, người dân lựa chọn trồng giống cây khó tính bậc nhất là dưa lưới. Và khác biệt lớn nhất là mỗi năm họ thu về hàng trăm triệu đồng chứ không chỉ là vài triệu đồng mà vẫn còn lo khi có, khi không như trước. Anh Lê Xuân Khái, một trong những người đi đầu làm nông nghiệp công nghệ cao (CNC) ở đây nói: "Sản xuất trong nhà màng, nhà lưới không lo nắng cũng chẳng ngại mưa. Khi tưới nước chỉ cần nhất nút là xong, hệ thống tưới sẽ tự động vận hành".
Ở Duẩn Khê có 9 mô hình sản xuất như thế với tổng diện tích nhà màng, nhà lưới lên tới hơn 10.000 m2. Điều này cho thấy không chỉ doanh nghiệp với nền tảng về vốn, kỹ thuật mà những nông dân thuần túy cũng có thể tiếp cận và thành công từ nông nghiệp ứng dụng CNC. Toàn tỉnh hiện có khoảng 30 ha nhà màng, nhà lưới, hơn 500 ha có hệ thống tưới nước tự động, gấp 10 lần so với năm 2017. Tốc độ phát triển ứng dụng CNC trong trồng trọt cho thấy người dân đã bắt nhịp được yêu cầu của tình hình sản xuất mới khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và biến đổi khí hậu ngày một phức tạp.

Không chỉ ở lĩnh vực trồng trọt mà trong chăn nuôi cũng có những đột phá về ứng dụng CNC. Trước áp lực của dịch bệnh, sức ép từ thị trường, người dân bắt buộc phải thay đổi thói quen sản xuất để có thể tồn tại và trụ vững. Sản xuất khép kín, quản lý chuồng trại, dịch hại trên vật nuôi bằng công nghệ chính là nét nổi bật trong áp dụng CNC vào chăn nuôi. Anh Nguyễn Đắc Viêm ở huyện Cẩm Giàng sở hữu trang trại nuôi lợn được đánh giá hiện đại, thông minh nhất tỉnh. Với hơn 6 ha đất, anh xây dựng hệ thống chuồng trại có quy trình nuôi khép kín. Quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn lợn được giám sát bằng camera. Mỗi con lợn đều được gắn chip để theo dõi thể trạng, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong chăn nuôi. "Chỉ có công nghệ mới tháo gỡ được những bất cập của chăn nuôi hiện nay", anh Viêm khẳng định.

Hải Dương hiện có hơn 500 trang trại chăn nuôi ứng dụng CNC vào sản xuất. Cơn bão dịch tả lợn châu Phi quét qua làm ngành chăn nuôi lợn lao đao song ở khía cạnh nào đó, nó đã khiến nông dân thức tỉnh và nhận ra chỉ có sản xuất tập trung, áp dụng khoa học-công nghệ đồng bộ, bài bản thì mới phát triển bền vững.

Nông dân khu dân cư Duẩn Khê, phường Long Xuyên (Kinh Môn) trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới

Nông dân khu dân cư Duẩn Khê, phường Long Xuyên (Kinh Môn) trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới

Tính toán kỹ

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC là tất yếu khi phương thức sản xuất truyền thống đang bộc lộ nhiều hạn chế nhưng không phải là duy nhất, nhất là trong lĩnh vực trồng trọt. Thực tế cho thấy một số mô hình nhà màng, nhà lưới trong tỉnh vẫn đang loay hoay để tìm hướng đi phù hợp.

Từng là mô hình điểm về sản xuất trong nhà màng, nhà lưới của huyện Gia Lộc song hiện tại hơn 4.000 m2 nhà màng của hộ anh Nguyễn Văn Nam ở thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng chỉ hoạt động èo uột, cầm chừng. Chi phí lớn, đòi hỏi kỹ thuật thâm canh cao trong khi giá trị sản phẩm vẫn chưa thật sự tương xứng với đầu tư. Vì thế, mới thực hiện được hơn 3 năm, anh Nam đã chán nản, bỏ đi tìm công việc khác. "Nếu để chúng tôi tự bơi làm nông nghiệp ứng dụng CNC sẽ rất khó khăn", anh Nam chia sẻ.

Nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư tiềm năng nhưng cũng đầy rủi ro. Bởi sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ, lại nhạy cảm với nhiều yếu tố như thời tiết, thị trường. Ứng dụng CNC sẽ khắc phục được phần nào điểm yếu của sản xuất nông nghiệp. Mặc dù vậy, đầu tư càng lớn sẽ phải đối mặt với rủi ro càng nhiều vì thời gian thu hồi vốn lâu. Do đó, việc ứng dụng CNC vào sản xuất phải được tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng. Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhà màng, nhà lưới là công cụ hỗ trợ đắc lực cho sản xuất, song chỉ sử dụng khi cần thiết chứ không nên lạm dụng. Ở các nước có nền nông nghiệp hiện đại, người dân chỉ dùng nhà màng, nhà lưới để ươm cây giống, gieo trồng các loại cây mẫn cảm với thời tiết hoặc sản xuất trái vụ. Điều kiện thời tiết ở tỉnh ta không quá khắc nghiệt để áp dụng rộng rãi mô hình này. Khi quyết định đầu tư, cần chọn cây trồng phù hợp cho giá trị kinh tế tương xứng. Thực tế cho thấy những mô hình nhà màng, nhà lưới trồng dưa lưới, hoa, cây giống... vẫn phát huy hiệu quả thì các mô hình trồng rau truyền thống đang dần chết yểu.
Với đặc thù riêng, ứng dụng CNC trong chăn nuôi là điều kiện quyết định để thành công. Do đó, ở lĩnh vực này, người dân không thể đầu tư nửa vời mà phải thực hiện đồng bộ. Tuy nhiên, để làm được điều này cần có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành. Người chăn nuôi cần được hỗ trợ về vốn, cần có sự định hướng trong đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật và quan trọng nhất là dự báo thị trường. Sản xuất theo tín hiệu của thị trường nhưng phải kiểm soát theo quy hoạch để tránh nguy cơ "vỡ trận".

Nông nghiệp ứng dụng CNC là bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đây là tín hiệu của việc nông dân đã có những thay đổi trong tư duy sản xuất. Mặc dù vậy, với những nhược điểm của phương thức sản xuất này, người dân cần có bước đi thận trọng, tránh chạy theo phong trào.

NGUYỄN MƠ

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/dot-pha-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-158747