Đột phá phát triển của TP. Hồ Chí Minh sẽ lan tỏa tích cực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Ngày 15/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có buổi làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh để trao đổi về cơ chế chính sách tài chính, tạo động lực giúp thúc đẩy phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì buổi làm việc.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Thanh Sơn

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Thanh Sơn

Tham dự buổi làm việc có đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, các sở, ban ngành của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn Thành phố. Theo đó, năm 2023, GRDP của Thành phố ước tăng 5,81% (không đạt chỉ tiêu đề ra). Lũy kế 11 tháng, tổng thu cân đối NSNN ước đạt 401.489 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Năm 2024, dự kiến tăng trưởng của TP. Hồ Chí Minh là 7,5 - 8%. Đây là mức tăng khá cao, là một thách thức đối với Thành phố. Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra các kịch bản để có phương án tương ứng. Đồng thời, Thành phố cũng mong muốn có sự hỗ trợ, quan tâm sát sao của Bộ Tài chính để Thành phố đạt được mục tiêu đề ra.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Sơn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Sơn

Kiến nghị với Đoàn công tác của Bộ Tài chính, Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh mong muốn Bộ Tài chính có định hướng để Thành phố tiếp cận với nguồn vốn ODA thế hệ mới, phục vụ cho nhu cầu phát triển của các dự án giao thông trọng điểm. Đồng thời, có nhiều cơ chế vượt trội để TP. Hồ Chí Minh được chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế để hoàn thành mục tiêu của các đề án.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang làm việc với các đơn vị tư vấn quốc tế, các tập đoàn, định chế tài chính hàng đầu có uy tín, các chuyên gia để hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố.

"TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Cùng với đó, để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, vai trò của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là rất quan trọng, do đó, Thành phố rất cần thêm ý kiến từ Bộ Tài chính", Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được thời gian qua của TP. Hồ Chí Minh. Trong năm 2023, các cơ quan tài chính trên địa bàn Thành phố đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao có sự hỗ trợ, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo UBND Thành phố, sự phối hợp nhịp nhàng của các cấp, các ngành trên địa bàn Thành phố. Trong bối cảnh còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, những thành quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 của TP. Hồ Chí Minh là rất đáng khích lệ.

Toàn cảnh hội nghị .Ảnh: Thanh Sơn

Toàn cảnh hội nghị .Ảnh: Thanh Sơn

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng thông tin, hiện nay, Bộ Tài chính đang trong quá trình đàm phán trao đổi thương lượng với các tổ chức tài chính về các điều kiện để có thể tiếp nhận ODA thế hệ mới. Do đó, TP. Hồ Chí Minh cần có phương án hấp thụ nguồn vốn này để phục vụ cho sự phát triển của Thành phố.

"Bộ Tài chính luôn ủng hộ các cơ chế phát triển của TP. Hồ Chí Minh bởi sự đột phá phát triển của Thành phố sẽ góp phần lan tỏa tích cực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thanh Sơn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dot-pha-phat-trien-cua-tp-ho-chi-minh-se-lan-toa-tich-cuc-cho-ca-vung-kinh-te-trong-diem-phia-nam.html