Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Bà Rịa - Vũng Tàu đang từng bước khẳng định vị thế trong việc phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Với sự khởi đầu mạnh mẽ ở hạ tầng viễn thông, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Hằng năm, Bà Rịa - Vũng Tàu đều bố trí ngân sách đầu tư cho KH-CN ở mức cao hơn so với Trung ương quy định; Quỹ KH-CN của tỉnh đã hỗ trợ vốn cho nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng KH-CN
Bước tiến mới trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Bà Rịa - Vũng Tàu đã có những bước chuyển mình trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo. Ngày 27/02/2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch số 435-KH/TU nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Hằng năm, tỉnh đều bố trí ngân sách đầu tư cho KH-CN ở mức cao hơn so với Trung ương quy định. Đồng thời, Quỹ KH-CN của tỉnh đã hỗ trợ vốn cho nhiều công trình nghiên cứu, ứng dụng KH-CN vào thực tiễn. Trong 5 năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện 32 đề tài, dự án KH-CN, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn. Việc chuyển giao ứng dụng KH-CN vào sản xuất được chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và đời sống người dân.
Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn không ngừng tăng lên. Đến nay, tỉnh có 121 doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp cùng 4 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Theo Bộ KH-CN, chỉ số đổi mới sáng tạo PII năm 2024 của Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tỉnh cũng thu hút nhiều dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và thân thiện với môi trường. Một số dự án lớn đang hoạt động hiệu quả tại địa phương gồm: Nhà máy Silicon Toàn cầu (Tập đoàn Tokuyama, Nhật Bản), Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho chứa LPG, Nhà máy sợi Carbon (Tập đoàn Hyosung), Tổ hợp hóa dầu miền Nam, Nhà máy kính nổi siêu trắng (Tổng Công ty Viglacera)... Các dự án này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ cho tỉnh.
Đột phá trong chuyển đổi số
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những địa phương tiên phong trong chuyển đổi số, với hệ thống hạ tầng mạng viễn thông đồng bộ, phủ sóng 5G rộng rãi và tỷ lệ người dân sử dụng internet, điện thoại thông minh cao. Tỉnh đã thuê trung tâm dữ liệu điện toán đám mây, xây dựng hệ thống camera giám sát giao thông thông minh, thử nghiệm trung tâm điều hành thông minh và phát triển các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền điện tử.
Hằng năm, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi số và các giải pháp nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, 100% văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện đã tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Trong lĩnh vực viễn thông, tỉnh có hơn 5.220km cáp quang phủ 100% xã, phường, thị trấn; 2.191 trạm BTS 4G và 200 trạm BTS 5G, đảm bảo 100% khu vực có sóng băng rộng di động. Hiện nay, 97% hộ gia đình sở hữu điện thoại thông minh; 91,5% dân số trưởng thành sử dụng tài khoản dịch vụ công trực tuyến.
Bà Rịa - Vũng Tàu cũng là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển đô thị thông minh. Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh đã tích hợp 1.360 chỉ tiêu dữ liệu, hỗ trợ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Hệ thống camera giám sát giao thông đã được triển khai trên ba tuyến quốc lộ trọng điểm.
Nhờ những nỗ lực không ngừng, thứ hạng chuyển đổi số của tỉnh liên tục cải thiện: năm 2020 xếp 39/63, năm 2021 xếp 29/63, năm 2022 xếp 28/63 và năm 2023 vươn lên vị trí thứ 10/63. Chỉ số ICT Index năm 2023 cũng tăng 5 bậc so với năm 2022, đạt hạng 14/63 tỉnh, thành.
Lãnh đạo Sở KH-CN Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, bám sát các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, sắp tới, tỉnh sẽ tập trung ứng dụng công nghệ số, hình thành công dân số, xây dựng xã hội số an toàn, lành mạnh vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; bảo tàng số, thư viện số, quản lý di tích gắn với phát triển du lịch; phát triển văn hóa số bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc.
Đồng thời, tỉnh triển khai các biện pháp quyết liệt, xử lý kịp thời các hiện tượng văn hóa số không lành mạnh, ảnh hưởng tới giá trị chung của xã hội, giảm thiểu các tác động tiêu cực mà công nghệ số mang lại tới môi trường, xã hội và người dân, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên và các đối tượng dễ bị tổn thương trên không gian mạng.../.
Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2030 thuộc nhóm 05 tỉnh dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 56%. Tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt trên 50%. Quy mô kinh tế số đạt 30% GRDP. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt trên 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo trong tổng số doanh nghiệp đạt trên 40%. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng trong xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam, đóng góp vào chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh ở mức trên 0,7.
Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GRDP; trong đó, kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%. Bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Hệ thống tổ chức khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được sắp xếp lại bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu - ứng dụng - đào tạo. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân; phấn đấu có tổ chức khoa học công nghệ xếp hạng quốc gia...