Đột phá sản xuất vụ đông

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những bất lợi do thời tiết mưa nhiều ở đầu vụ nhưng Hải Dương đã có một vụ đông đột phá.

Nhờ làm tốt công tác dự báo thị trường và chủ động sản xuất, vụ đông năm nay được giá, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Nhờ làm tốt công tác dự báo thị trường và chủ động sản xuất, vụ đông năm nay được giá, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Vượt qua những khó khăn của dịch Covid - 19, vụ đông năm nay của tỉnh có nhiều đột phá. Diện tích cây trồng được mở rộng, giá bán sản phẩm cao, thị trường tiêu thụ ổn định đã giúp nâng cao thu nhập cho nông dân.

Diện tích tăng cao

Vụ đông năm nay, hơn 20 mẫu ruộng ở cánh đồng đội 3, thôn Côi Thượng, xã Phạm Trấn (Gia Lộc) đã được phủ bởi màu xanh của cải bắp thay vì những thửa ruộng trơ gốc rạ như những năm trước. Không khí lao động sản xuất của người dân tràn ngập khắp cánh đồng.

Vụ này, ông Nguyễn Viết Toán ở đội 4, thôn Côi Hạ mở rộng diện tích sản xuất thay vì chỉ tập trung thu mua nông sản như trước. Ông Toán cho biết: “Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp trong thôn đều đã phủ kín cây vụ đông nên tôi và nhiều hộ khác ở trong thôn phải mượn ruộng ở thôn khác để sản xuất. Đầu vụ, thời tiết mưa nhiều nhưng theo dự báo của ngành nông nghiệp, thị trường nông sản vụ đông năm nay tiêu thụ tốt do nguồn cung hạn chế nên tôi quyết định mở rộng sản xuất”.

Xã Phạm Trấn là một trong những địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông của tỉnh. Hằng năm, xã luôn luôn duy trì 250 ha trồng vụ đông, nhưng năm nay diện tích vụ đông đạt gần 300 ha, tăng gần 50 ha so với trước. Các diện tích được tăng thêm ở các vùng đất 2 vụ lúa. Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu vụ, chính quyền xã đã phổ biến các chính sách hỗ trợ cây vụ đông mới của tỉnh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân thuê, mượn ruộng để sản xuất.

Vụ này, diện tích cây trồng ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) đạt 155 ha, tăng gần 20 ha so với các vụ trước. Vùng trồng cà rốt được mở rộng từ bãi ven sông vào tận khu trũng phía trong đồng. Ông Nguyễn Tiến Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Văn cho biết: “Trước đây, một số diện tích đất trong đồng trũng, cấy lúa 1 vụ bấp bênh nên nhân dân mua đất ngoài bãi sông chuyển vào đồng, nâng cao cốt đất để trồng màu. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã đều được người dân tận dụng tối đa để sản xuất, trong đó cây chủ lực ở vụ đông là cà rốt. Hiện thương lái đang thu mua cà rốt non của nông dân khoảng 12 triệu đồng/sào, gấp nhiều lần những năm trước nên nông dân rất phấn khởi”.

Dù đầu vụ thời tiết mưa kéo dài, nhiều diện tích cây vụ đông phải trồng lại nhưng nông dân vẫn tích cực sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được gần 22.500 ha cây vụ đông, vượt hơn 7% kế hoạch. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều vượt kế hoạch trồng cây vụ đông. Các loại cây trồng chủ lực như hành, tỏi, cà rốt, khoai tây... tăng mạnh so với những năm trước.

Xã Cẩm Văn mở rộng diện tích trồng cà rốt vào trong đồng

Xã Cẩm Văn mở rộng diện tích trồng cà rốt vào trong đồng

Sản xuất gắn với nhu cầu thị trường

Năm trước, vào thời điểm cuối vụ, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên một số diện tích cây trồng muộn giá bán giảm, tiêu thụ khó khăn, nhưng nhìn chung sản xuất vụ đông của tỉnh vẫn thắng lợi. Bình quân giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt 208 triệu đồng/ha, tăng 18 triệu đồng so với năm 2019 và cao gấp 2,5 lần so với bình quân chung các tỉnh phía Bắc.

Trên đà thắng lợi của vụ đông năm trước, năm nay tỉnh có kế hoạch gieo trồng 21.000 ha cây trồng vụ đông và phấn đấu tăng thêm 10% diện tích. Việc khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích cây trồng dựa vào dự báo nhu cầu thị trường. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố nên việc chỉ đạo trồng cây vụ đông ở một số nơi sẽ không quyết liệt, nông dân lo ngại nông sản ùn ứ nên diện tích trồng ở các tỉnh có khả năng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục mất mùa, đây là cơ hội cho nông sản của tỉnh mở rộng thị trường. Nhiều loại cây trồng đã được điều chỉnh lại cơ cấu phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng. Ngành nông nghiệp Hải Dương cũng tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản, tất cả các vùng sản xuất tập trung đều thực hiện theo hướng an toàn, bảo đảm quy trình VietGAP. Việc điều chỉnh sản xuất gắn với nhu cầu thị trường nên nông sản của tỉnh không chỉ tiêu thụ ổn định mà còn có giá bán cao. Một số loại rau như su hào, cải bắp, su lơ… đã cho thu hoạch. Hiện giá bán nông sản đã giảm so với đầu vụ nhưng vẫn ở mức cao, nông dân thu lãi từ 3 – 10 triệu đồng/sào, tùy từng loại rau.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định vụ đông năm nay có nhiều nét nổi bật. Cây vụ đông vẫn là cây làm giàu ở nhiều địa phương nên dù đầu vụ thời tiết không thuận lợi nhưng nông dân vẫn khắc phục khó khăn, tích cực trồng và vượt kế hoạch. Sản xuất vụ đông đi đúng hướng và mang lại kết quả khả quan. Chất lượng nông sản được kiểm soát tại tất cả các vùng trồng giúp tăng uy tín của nông sản Hải Dương tại thị trường trong nước và quốc tế. Sắp tới là cao điểm thu hoạch cây vụ đông, các địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và thương lái ở các tỉnh, thành phố đến thu mua nông sản. Chính quyền địa phương và người dân phải bảo đảm công tác phòng chống dịch Covid – 19 để nông sản được tiêu thụ an toàn, hiệu quả.

TRẦN HIỀN

Xem clip

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep---nong-thon/video-dot-pha-san-xuat-vu-dong-190323