'Đột phá tăng gia, bình ổn giá cả'
Đơn vị đóng quân phân tán trên địa bàn các quận, huyện và thị xã của Thủ đô Hà Nội, quỹ đất tăng gia sản xuất (TGSX) eo hẹp, cùng với đó là khí hậu, thời tiết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá cả các mặt hàng tiêu dùng luôn biến động tăng cao, song với tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, ngành hậu cần Sư đoàn 301 luôn bảo đảm cho bộ đội không chỉ đúng, đủ chế độ, tiêu chuẩn theo quy định mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, ăn ngon, ở đẹp để bộ đội yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Dẫn chúng tôi tham quan khu tăng gia, chăn nuôi tập trung của đơn vị, Trung tá Đỗ Đình Tiến, Chính trị viên Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 692 giới thiệu: “Do diện tích đất của đơn vị ít nên ngoài các ruộng rau trồng trong nhà lưới làm bằng khung sắt được che chắn bạt, ni lông để chống côn trùng, cho sản phẩm rau sạch an toàn, đơn vị còn phát triển hàng trăm mét vuông rau xanh thuộc họ dây leo, trồng trên nền đất đá, bê tông và đá ong hỗn hợp, cho năng suất khá cao”. Theo giới thiệu của anh Tiến, chúng tôi thật sự bị cuốn hút bởi màu xanh mướt của những ruộng rau, giàn bầu, bí xanh, quả lúc lỉu, ngọn vươn tua tủa bò trên nền đá ong lởm chởm chạy quanh chân đồi Kiên, nơi cũng là thao trường huấn luyện của đơn vị.
“Bật mí” về bí quyết trồng rau trên nền bê tông và đá ong khô nóng, Đại úy Đỗ Huy Giáp, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 7 cho biết: “Khắc phục độ bạc màu của đất đá ong, chúng tôi đã tận dụng bùn ao trong nuôi cá đổ lên, rồi trộn lẫn với trấu từ trong chuồng nuôi gia cầm, tạo nên độ tơi xốp cho đất để trồng rau”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những năm qua, ngành hậu cần sư đoàn đã tích cực, chủ động tham mưu đề xuất nhiều biện pháp hay, cách làm hiệu quả giúp Đảng ủy, chỉ huy sư đoàn trong phát triển TGSX, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống bộ đội. Các mô hình VAC, nuôi bò lấy thịt, nuôi cá, nuôi gia cầm, trồng rau tập trung… đều được nghiên cứu phát triển phù hợp với đặc điểm của đơn vị. Đặc biệt là thời điểm dịch tả lợn châu Phi bùng phát, Sư đoàn 301 đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không tái đàn; những khu chuồng nuôi lợn được chuyển đổi thành nuôi úm gia cầm. Hiện đơn vị có đàn gia cầm hơn 4.000 con, đàn bò hơn 10 con. Ngoài ra, đơn vị còn tận dụng cải tạo đất trống, triền đồi trọc, đất quanh bếp, quanh nhà mở rộng được 25.000m2 vườn rau; các vườn rau đều được phân lô, phân thửa, cắm bảng biển tên đơn vị và từng loại rau. Sư đoàn cũng đã cải tạo hàng chục nghìn mét vuông ao hồ thả cá, làm mới 17.000m2 giàn cột bê tông trồng các loại cây leo như đỗ, mướp, su su. Do đó, từ năm 2017 đến nay, đơn vị thu hoạch được 1.535,3 tấn rau củ quả các loại, 618,72 tấn thịt, 337,2 tấn cá tươi, bảo đảm 100% nguồn thực phẩm tại chỗ, giá đều rẻ hơn thị trường từ 12% đến 20%, nhiệt lượng bình quân đạt 3.285kcal/người/ngày, chất lượng bữa ăn của bộ đội luôn ổn định, tươi ngon, quân số khỏe tham gia huấn luyện luôn bảo đảm 99,23%.
Vừa xới đất, bắt sâu cho vườn rau cải bó xôi xanh tốt chuẩn bị thu hoạch, Binh nhì Bùi Trung Điệp, chiến sĩ Trung đội 10, Đại đội 3, Tiểu đoàn 7 chia sẻ: “Bữa ăn hằng ngày của chúng em đều có từ 5 đến 6 món ăn, toàn là sản phẩm rau, thịt, cá của đơn vị làm ra, chế biến rất ngon, bữa nào em cũng ăn hết tiêu chuẩn. Không những thế, ăn xong còn có trái cây tráng miệng. Chiến sĩ mới của đơn vị, ai cũng tăng cân”.
Để nâng cao chất lượng bữa ăn hằng ngày cho bộ đội, đơn vị đã thường xuyên làm tốt việc huấn luyện, bồi dưỡng kỹ thuật chế biến món ăn, giáo dục tinh thần, thái độ phục vụ cho đội ngũ nuôi quân. Việc xây dựng thực đơn hằng tuần đều có sự tham gia ý kiến của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, để kịp thời điều chỉnh, bổ sung chế biến các món bộ đội ưa thích.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Võ Quốc Anh, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 301 cho biết: “Trong chế biến lương thực, thực phẩm của đơn vị, để giảm chi phí phát sinh, chúng tôi đã phát huy hiệu quả trạm xay xát gạo, chế biến giết mổ tập trung cung cấp thực phẩm sạch cho các bếp ăn đơn vị. Tổ chức ăn uống theo thực đơn tập trung, thống nhất, chia ăn theo định suất, ăn chín uống sôi, nước uống phải có màu, lưu nghiệm thức ăn đúng quy định. Các nguồn vốn TGSX được quản lý chặt chẽ, hạch toán, sử dụng đúng mục đích, công khai, có hệ thống sổ sách theo dõi chi tiết ở từng cấp. Nhờ đó, chất lượng bữa ăn không chỉ đúng, đủ tiêu chuẩn mà luôn bảo đảm ngon, bộ đội ăn hết tiêu chuẩn”.
Cùng với công tác phát triển TGSX, hệ thống doanh trại, nhà ở của bộ đội cũng được Sư đoàn 301 hết sức chú trọng. Bằng nguồn ngân sách của trên kết hợp ngân sách của đơn vị, sư đoàn đã triển khai xây dựng nhiều hạng mục công trình nhà ở, nhà ăn, nhà bếp khang trang, sạch đẹp phục vụ nhu cầu đời sống của cán bộ, chiến sĩ đơn vị, như: Trạm xay xát, chế biến tập trung, nhà phơi, hệ thống lò hơi đun nước tắm nóng lạnh, lắp đặt bếp lò hơi cơ khí, bếp dầu thay thế bếp than truyền thống, góp phần tiết kiệm chất đốt, giảm cường độ lao động của đội ngũ nuôi quân, vệ sinh môi trường được cải thiện. Hiện nay, 100% nhà ở của chiến sĩ đều được xây dựng hai tầng, có tum chống nóng, lắp đặt tủ kính chống ẩm cấp tiểu đội để đồ quân trang mùa đông, trang bị bình đựng nước nóng, máy lọc nước cấp đại đội; cùng với đó là hệ thống sân, đường, khuôn viên đơn vị đều được trải nhựa và đổ bê tông... đã tạo nên doanh trại sáng, xanh, sạch, đẹp, được Tổng cục Hậu cần tặng danh hiệu đơn vị xuất sắc trong Hội thi "Doanh trại chính quy xanh, sạch, đẹp", được nhiều đơn vị trong toàn quân đến tham quan học hỏi.