Đột phá tăng trưởng sản phẩm OCOP từ ngành chăn nuôi và thủy sản

Tính đến tháng 12/2024, toàn tỉnh có 529 sản phẩm OCOP, trong đó ngành chăn nuôi, thủy sản đóng góp hơn 35% số lượng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP này là động lực phát triển, tạo làn sóng đổi mới cho nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tại các vùng nông thôn trong tỉnh.

Đến tháng 12/2024, huyện Hải Hậu dẫn đầu tỉnh về sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Đến tháng 12/2024, huyện Hải Hậu dẫn đầu tỉnh về sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Sau 6 năm triển khai Chương trình OCOP, huyện Xuân Trường đã có 53 sản phẩm được Hội đồng Đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đánh giá công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 31 sản phẩm từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Các sản phẩm OCOP của huyện có hình thức mẫu mã, nhãn mác bao bì đẹp, bắt mắt, chất lượng đảm bảo quy định và không ngừng được nâng lên, mang nét đặc trưng của từng địa phương, đơn vị sản xuất. Những sản phẩm như: Cá trắm đen cắt khúc, Cá trắm cắt khúc, Cá chép cắt khúc của hộ kinh doanh Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh; Bánh đa nem Bảo Nguyên của HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp và cơ khí Xuân Tiến… đã trở thành thương hiệu uy tín đối với người tiêu dùng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, tạo nguồn lực tại chỗ cho các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Đến thăm Công ty TNHH Hải sản Hải Thịnh, thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm, không khí lao động khá nhộn nhịp, mỗi người một công đoạn như phân loại, làm sạch cá nguyên liệu, ủ chượp, nguấy đảo, chắt lọc nước mắm, đóng gói sản phẩm... Anh Vũ Văn Kỷ, Giám đốc Công ty cho biết: Sản phẩm “Nước mắm Tân Phú” của Công ty được làm từ cá cơm, cá nục đều là sản vật từ nghề khai thác của ngư dân địa phương. Để xây dựng sản phẩm OCOP Nước mắm Tân Phú, Công ty đã đầu tư đồng bộ, nâng cấp cơ sở vật chất xây dựng nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu với quy mô 40 bể ủ nguyên liệu, mỗi bể rộng 6,5m3; mẫu mã quy cách sản phẩm... Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, sản phẩm được người tiêu dùng rất ưa thích, đặc biệt là thị trường các thành phố lớn. Trung bình mỗi tháng, Công ty cung ứng ra thị trường từ 700-1.200 lít nước mắm, với giá bán từ 80 đến 160 nghìn đồng/lít tùy từng loại nước mắm; tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH Công Danh (Giao Thủy) chuyên nuôi lợn thịt, lợn sữa và sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm xúc xích, thịt lợn. Từ khi sản phẩm “Thịt lợn Công Danh” được công nhận đạt OCOP 3 sao, giá trị sản phẩm được nâng cao, có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm xúc xích, thịt lợn Công Danh đã có mặt tại hầu khắp các siêu thị, cửa hàng tiện ích trong tỉnh và được người tiêu dùng ưa thích. Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công Danh chia sẻ: Chúng tôi luôn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để xây dựng thương hiệu “Thịt lợn Công Danh” tạo dựng lòng tin với khách hàng, nâng tầm giá trị thương hiệu và gia tăng doanh số bán hàng của đơn vị...

Theo đồng chí Trần Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp sạch tỉnh Nam Định, sản phẩm OCOP không chỉ giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và lựa chọn sản phẩm, dịch vụ chất lượng mà còn thể hiện sự đánh giá và công nhận chính thức của các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm và uy tín của các chủ thể sản xuất. Nhờ lợi thế từ chương trình OCOP, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, hộ cá thể đã đưa ra thị trường hàng trăm sản phẩm, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP từ nông, thủy sản với giá bán ổn định không chỉ mang lại nguồn thu nhập bền vững cho các chủ thể sản xuất mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động tại các địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng theo bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP dựa trên nhiều khía cạnh khác nhau như chất lượng, giá trị cộng đồng, giá trị văn hóa, năng lực sản xuất và thương mại của chủ thể. Kết quả phân hạng sản phẩm OCOP xác định cơ hội phát triển của chủ thể sản phẩm, khả năng tham gia và được thụ hưởng các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Một số địa phương đã thành lập Hội OCOP với mục tiêu xây dựng, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng. Nhờ đó đã giúp nhiều nông dân tăng doanh thu bán hàng, kết nối được một số hội, HTX, đối tác doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Nhiều chủ thể là hộ kinh doanh cá thể, HTX, doanh nghiệp đã chọn những sản phẩm chăn nuôi, thủy sản truyền thống tại địa phương như vịt, ếch, tôm, cá để đầu tư xây dựng thành những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Hầu hết sản phẩm được tiêu thụ ổn định, mang lại lợi nhuận, tạo động lực giúp các chủ thể tiếp tục đầu tư nâng tầm sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao, đồng thời góp phần quảng bá sản phẩm chăn nuôi, thủy sản của địa phương đến người tiêu dùng trong và
ngoài tỉnh.

Qua 6 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP đến nay, việc xây dựng, phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản gắn với chương trình OCOP của tỉnh đã mang lại hiệu quả cao. Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi, thủy sản được các chủ thể lựa chọn đầu tư cải tiến chất lượng, đa dạng mẫu mã, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đến nay, tỉnh ta có 529 sản phẩm OCOP của 37 doanh nghiệp, 54 HTX, 45 hộ kinh doanh…; trong đó có 463 sản phẩm 3 sao, 62 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Dẫn đầu là huyện Hải Hậu 123 sản phẩm, tiếp đó là các huyện Giao Thủy 121 sản phẩm, Xuân Trường 54 sản phẩm, Ý Yên 41 sản phẩm... Tỉnh Nam Định được Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình Mục tiêu quốc gia đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt Chương trình OCOP.

Với lợi thế nguồn nguyên liệu dồi dào và sự đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, các sản phẩm OCOP từ chăn nuôi, thủy sản được kỳ vọng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, tạo nền tảng vững chắc để Nam Định tiếp tục là điểm sáng trên “bản đồ” OCOP cả nước.

Bài và ảnh: Văn Đại,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202412/dot-pha-tang-truong-san-pham-ocoptu-nganhchan-nuoi-va-thuy-san-4130412/