Đột phá thể chế, thúc đẩy khoa học công nghệ để tăng trưởng 2 con số

Các chuyên gia cho rằng luật pháp cần thông thoáng và minh bạch, tháo bỏ tất cả các rào cản, quy định chồng chéo về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...

Tại Hội thảo “Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới” ngày 7.5, các chuyên gia cho rằng để tăng trưởng 2 con số, việc tập trung vào các yếu tố như vốn đầu tư, công nghệ, nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh… sẽ là chìa khóa để đạt được sự phát triển kinh tế bền vững.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN - ĐMST - CĐS) đã khẳng định tầm quan trọng của các yếu tố này trong việc củng cố nền tảng phát triển bền vững của đất nước.

Ông Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng cần tập trung vào những lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược.

Ví dụ, Đài Loan tập trung vào ngành công nghiệp chip điện tử. Họ hướng các khoản đầu tư vào một công ty duy nhất (TSMC). Kim ngạch xuất khẩu chip điện tử của công ty này lên tới khoảng 184 tỉ đô la, nắm giữ 55% thị trường gia công chip điện tử toàn cầu.

Hội thảo "Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới"

Hội thảo "Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới"

Bên cạnh đó, cần sự đột phá về thể chế. Theo đó, thị trường và khu vực tư nhân là động lực chính phần lớn các lĩnh vực. Nhà nước định ra các hướng đi chiến lược, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp theo nguyên tắc thị trường.

“Luật pháp cần thông thoáng và minh bạch, tháo bỏ tất cả các rào cản, quy định chồng chéo về KHCN- ĐMST - CĐS. Luật KHCN và ĐMST đang được hoàn thiện cần được xây dựng như luật cơ bản về KHCN và ĐMST - CĐS; bao gồm cả những quy định nguyên tắc về các công nghệ mới”, ông Lĩnh nói.

Ông Lĩnh cũng nêu rõ cần bảo đảm quyền tự chủ của các tổ chức KHCN, có chế tài đối với các hành vi vi phạm quyền tự do sáng tạo KHCN, hoạt động ĐMST; nâng mức miễn giảm thuế đối với các khoản đầu tư của doanh nghiệp cho KHCN, ĐMST và CĐS; tạo thuận cho các công ty khởi nghiệm huy động vốn trên thị trường chứng khoán…

Một vấn đề khác cũng cần chú ý là việc đầu tư nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp và công nghệ chiến lược; cải cách chế độ tiền lương đối với cán bộ KHCN, thu hút chuyên gia KHCN người Việt ở nước ngoài; phổ cập kiến thức số (rộng hơn chủ trương bình dân học AI)…

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng đề nghị tháo bỏ điểm nghẽn thể chế, trước hết là hệ thống các quy định pháp luật liên quan… như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

“Từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, bãi bỏ tất cả các quy định, thủ tục đang hạn chế ĐMST, tự do kinh doanh dưới mọi hình thức (trừ các ngành, nghề cấm kinh doanh theo luật định); đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế “xin - cho” và tư duy bao cấp”, ông Cung nói.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Theo chuyên gia, luật pháp phải phát huy sức mạnh từ nhân dân và mọi thành phần kinh tế bằng cách xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động; môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp… để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu.

“Thu hút “đại bàng” và cũng cần có cả những “cánh rừng”, những “cánh đồng” cho các “đàn ong” lấy hoa làm mật”, ông Cung nêu.

Ông Cung cũng nhấn mạnh cần đẩy nhanh quá trình số hóa và ứng dụng công nghệ trong quản lý nhà nước nhằm giảm thời gian, chi phí tuân thủ, chi phí không chính thức; thành lập các khu tự do đổi mới sáng tạo công nghệ cao; xác định các lĩnh vực công nghệ ưu tiên phát triển trong khu như AI, robot, bán dẫn và điện tử, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học… với các chỉ tiêu đo lường kết quả được định lượng cụ thể.

“Các ưu đãi phải đột phá, vượt trội, ví dụ như không thủ tục hành chính “xin-cho”, chỉ thực hiện thông báo hoặc đăng ký (nếu cần) với thời gian chỉ tính bằng giờ; tự do nghiên cứu phát triển, ĐMST, thử nghiệm, kiểm nghiệm, sản xuất chế tạo… trong phạm vi khu tự do ĐMST; ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, chế độ visa và lưu trú…”, ông Cung nêu.

Đặc biệt, ông Cung cho rằng các tranh chấp hợp đồng kinh tế, các hoạt động sản xuất kinh doanh không vi phạm bộ luật hình sự thì không bị xử lý hình sự. Đối với các vi phạm có tính chất kinh tế, dân sự thì xem xét, ưu tiên sử dụng biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế, hạn chế xử lý hình sự.

“Trong khởi tố, xét xử vụ án hình sự đối với tội phạm kinh tế, phải phân biệt rõ tài sản của pháp nhân doanh nghiệp và tài sản cá nhân chủ doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp; phân biệt rõ tài sản hợp pháp với tài sản từ thu nhập phi pháp, tài sản khác liên quan đến vụ án”, ông Cung nói.

Cần xây dựng “năng lực động” cho Nhà nước - tức là năng lực học hỏi, thử nghiệm, thích nghi và hợp tác giữa các bộ ngành, lĩnh vực và các cấp chính quyền.

Có 3 cấp độ năng lực, đó là: Năng lực của nhà nước thể hiện qua tính chính danh và cam kết chính trị cao đối với sứ mệnh phát triển; năng lực chính sách thể hiện qua sự đảm bảo sự nhất quán trong thiết kế, phối hợp hiệu quả giữa các công cụ và sự linh hoạt trong thực thi; và năng lực hành chính thể hiện qua việc xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, chủ động và có khả năng điều chỉnh linh hoạt theo thực tiễn.

Nếu thiếu các năng lực này, các cải cách và chính sách dù giàu tham vọng cũng có nguy cơ bị phân mảnh, ngắn hạn hoặc rơi vào sự chi phối của các nhóm lợi ích. Công chức không chỉ có năng lực mà còn phải dấn thân, liêm chính và thực sự tự hào vì được đóng góp vào sự phát triển của đất nước”.

TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dot-pha-the-che-thuc-day-khoa-hoc-cong-nghe-de-tang-truong-2-con-so-232351.html