'Đột phá' từ người đứng đầu trường học
Từ khi trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng, cô giáo Đỗ Thị Vân Đông, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương liên tiếp có những chỉ đạo 'nóng' nhằm đổi mới, điều chỉnh phương pháp tổ chức dạy và học cho phù hợp. Nhờ đó chất lượng giáo dục được nâng lên từng ngày, nhiều giáo viên, học sinh đã đạt những giải lớn từ các cuộc thi.
Chọn đúng “thuyền trưởng”
Cô giáo Đỗ Thị Vân Đông là trường hợp đầu tiên trong tỉnh thi tuyển chức danh hiệu trưởng. Từng có 10 năm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường nên năm 2020 cô Đông tự tin đăng ký tham gia ứng tuyển tại kỳ thi tuyển chức danh Hiệu trưởng nhà trường. Với kết quả thi xuất sắc và Đề án phát triển nhà trường phù hợp nhất với thực tế, cô Đông đã vượt qua các ứng viên khác, trở thành Hiệu trưởng của ngôi trường này. Cô Đông nhớ lại, trong đề án, cô trình bày rõ mục tiêu, chiến lược phát triển theo từng giai đoạn. Theo cô, việc càng cụ thể bao nhiêu thì quyết tâm càng cao, không có việc nào là chung chung cả. Chính nhờ những chiến lược, mục tiêu cụ thể, cô được hội đồng thi tuyến chấm điểm cao nhất.
Đến nay, sau gần 2 năm làm Hiệu trưởng, cô Đông vẫn giữ đúng “lời hứa” khi tiếp tục bám sát thực hiện đề án năm nào. Bên cạnh đó, cô có những sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế, nhất là trong bối cảnh cả nước và ngành Giáo dục đang thích ứng linh hoạt với dịch bệnh Covid-19. Nhờ có kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 chi tiết đến từng tình huống cụ thể mà nhà trường chưa bao giờ bị động. Em Dương Thị Hạnh, dân tộc Cao Lan, lớp 11A cho biết, trong những ngày em mắc Covid-19 phải cách ly, ngày nào cô Đông và các thầy, cô cũng gọi điện hỏi thăm sức khỏe, động viên em cố gắng. Các thầy, cô giống như cha mẹ thứ 2 của chúng em vậy.
Đối với cô Đông, giáo dục phải xuất phát từ tình yêu thương học trò, học trò càng khó khăn thì cô càng quan tâm, giúp đỡ các em hơn. Hiện cô đang đỡ đầu cho 3 học sinh mồ côi. Vào những dịp nghỉ lễ, nhiều người chọn đi du lịch cùng gia đình nhưng cô Đông đã dành thời gian đó để đến thăm nhà học sinh của mình, mỗi khi đến là những món quà như quần áo, đồ dùng…tặng gia đình các em. Em Lương Hoàng Thu Phương, sinh viên năm thứ nhất Học viên Ngoại giao Hà Nội, cựu học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương nhớ lại, cô Đông rất gần gũi với học trò, cô thường quan sát chúng em, hỏi thăm hoàn cảnh từng em. Có những học sinh khó khăn, như hoàn cảnh của em chẳng hạn, bố mất sớm, bản thân bị bệnh tim, cô đến tận nhà tìm hiểu, dành tiền lương của mình để mua quà tặng chúng em và gia đình. Dù đã xa mái trường nhưng hình ảnh người giáo viên tận tụy, hết lòng yêu thương học trò sẽ là những kỷ niệm đẹp khiến em nhớ mãi.
Với vai trò là người “thuyền trưởng”, cô Đông đã truyền “lửa” nhiệt huyết, tinh thần đoàn kết và tình yêu đối với học trò trong tập thể nhà trường. Từ đó mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đã sâu sát hơn, nắm rõ từng học sinh của mình để từ đó giúp các em tiến bộ trong cuộc sống và học tập.
Chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt
Dưới sự dẫn dắt của cô giáo Đỗ Thị Vân Đông, Trường Phổ thông Dân tộc ATK Sơn Dương đã có những bước phát triển đáng kể. Từ đó đáp ứng kỳ vọng của các cấp lãnh đạo và nhân dân địa phương. Anh Phan Văn Mây, dân tộc Tày nhà ở thôn Thia, xã Tân Trào chia sẻ, con anh học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK từ lớp 6 đến nay cháu đã lên lớp 9, mỗi lần được nghỉ con về thăm nhà ai cũng vui vì con ngoan và rất tiến bộ. Ai cũng mừng và thầm cảm ơn các thầy, cô rất nhiều vì đã dạy dỗ các con nên người…
Là người đứng đầu nhà trường, cô Đông đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Cô giao các tổ bộ môn, phân công nhiệm vụ đến từng cán bộ, giáo viên, ai cũng phải đăng ký một việc đổi mới của bản thân. Trong quá trình điều hành, cô luôn linh hoạt và cởi mởi; khi thực hiện công việc, cán bộ, giáo viên có gì vướng mắc thì báo cáo ngay bất kể lúc nào cô đều lắng nghe để từ đó có sự điều chỉnh việc dạy và học cho phù hợp. Với cô Đông, những quyết định, đường đi nước bước là từ người đứng đầu song phải được cả tập thể ủng hộ thì mới thành công được. Về giáo dục mũi nhọn, cô xây dựng chiến lược cụ thể và có mục tiêu rõ ràng, không theo “thời vụ”. Theo đó, đầu năm học cô triển khai từng bước từ việc phân công giáo viên, lựa chọn đội tuyển đến cách thức bồi dưỡng…
Nhờ sự đột phá, đổi mới sáng tạo, chất lượng giáo dục của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú ATK Sơn Dương được nâng cao rõ rệt, tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, học sinh đoạt giải tại các kỳ thi, cuộc thi lớn ngày càng tăng. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, điểm thi trung bình các môn của nhà trường vượt lên xếp thứ 3 toàn tỉnh (chỉ sau Trường THPT Chuyên Tuyên Quang và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh) với 6,84 điểm, trong đó có nhiều em đạt điểm 9, 10 các môn; năm nào nhà trường cũng có học sinh đoạt giải kỳ thi chọn học sinh giỏi và thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh. Tình từ năm học 2019-2020 đến nay, nhà trường có hơn 50 lượt giáo viên, học sinh đạt giải tại các cuộc thi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Tiêu biểu như năm học 2019-2020 nhà trường có 1 học sinh đoạt giải ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT, 7 giáo viên và học sinh đạt giải cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” cấp quốc gia; năm học 2020-2021 nhà trường có 2 học sinh đạt giải khuyến khích quốc gia ở cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Luật Cảnh sát biển và tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; năm học 2021-2022 nhà trường có 10 giáo viên và học sinh đoạt giải cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”…
Để đạt được những kết quả toàn diện trên, cô Đông cho rằng, đó là phải xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh. Mỗi giáo viên phải thực sự là những người thầy tâm huyết, việc dạy học cho học sinh dân tộc có những đặc thù riêng, do vậy thầy cô giáo không chỉ quan tâm đến dạy kiến thức mà phải tìm hiểu, nắm rõ từng em để kịp thời động viên, khích lệ các em vươn lên học tập đạt kết quả tốt. Cùng với đó, việc xây dựng kế hoạch, mục tiêu phấn đấu theo từng năm học, từng giai đoạn sẽ giúp nhà trường có những bước tiến chắc chắn hơn.
Có thể nói, việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo các trường THPT đang được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh thực hiện, được coi là bước “đột phá” nhằm chọn ra những người có đầy đủ năng lực, phẩm chất để “chèo lái” nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đến nay, những cán bộ quản lý được chọn qua thi tuyển chức danh đã và đang phát huy tốt năng lực, sở trường của mình trong công việc, trong đó cô giáo Đỗ Thị Vân Đông là trường hợp tiêu biểu, nổi bật nhất. Từ sự thành công này, chắc chắn trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng việc thi tuyển chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường để từ đó có thêm nhiều những người tràn đầy nhiệt huyết như cô giáo Đỗ Thị Vân Đông.