Đột phá Yên Lạc

Kể từ đợt dịch thứ 4 bùng phát vào ngày 30/4/2021, Yên Lạc là địa phương có số ca dương tính Covid-19 cao nhất so với các huyện, thành phố trong tỉnh. Việc nhiều nơi phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển SXKD trên địa bàn. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tăng trưởng kinh tế của Yên Lạc vẫn đạt 9,56%, giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%; đặc biệt có sự đột phá trong GPMB phát triển dự án cụm công nghiệp, tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo.

Đề cập thế mạnh và thành tựu của huyện Yên Lạc năm 2021, đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện cho biết: Năm 2021, huyện Yên Lạc chịu tác động rất lớn bởi dịch Covid-19; nhưng với tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền cùng các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng những thuận lợi và khó khăn, huyện đã đề ra các mục tiêu phát triển KT-XH sát thực, cụ thể theo từng chương trình để phát triển KT-XH nhanh, mạnh và bền vững.

Mặc dù cơ bản vẫn là huyện thuần nông, nhưng trên địa bàn huyện đã hình thành 6 cụm công nghiệp (CCN)- làng nghề, hiện 3 CCN- làng nghề đã đi vào hoạt động là: CCN- làng nghề-chợ sắt Tề Lỗ, CCN Yên Đồng và CCN Đồng Văn, còn lại đang trong quá trình thu hồi GPMB.

Để phát triển kinh tế nhanh và chắc, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã lãnh đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức; mỗi địa phương, ngành đề ra cho mình một mục tiêu cụ thể phù hợp với thực tế.

Đến nay, 100% xã, thị trấn trong huyện đã quy hoạch xong vùng sản xuất trồng trọt tập trung hàng hóa với tổng diện tích hơn 1.000 ha.

Những vùng chuyên canh lúa trước đây giờ trở thành vùng sản xuất luân canh lúa + màu; vùng bãi ven sông Hồng và vùng đất trũng cải tạo thành vùng nuôi trồng thủy sản với những mô hình sản xuất năng động, hiệu quả như mô hình “cá sông trong ao” ở Đồng Văn; sản xuất chuối tiêu hồng theo chuỗi liên kết ở Liên Châu; dự án rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap tại Hồng Phương, Đại Tự; trồng ớt xuất khẩu tại thôn Xuân Đài, xã Nguyệt Đức, trồng rau quả trong nhà kính ở Văn Tiến…

Nhờ đó, năm 2021, tổng sản lượng lương thực toàn huyện đạt trên 65.465 tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 6.859 tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2020; sản lượng chăn nuôi trung bình tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2021, huyện cũng đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm như: Trải thảm nhựa mặt đường Yên Lạc - Vĩnh Yên đoạn đường tránh QL2C (Mả Lọ) đến QL2 (đường tránh thành phố Vĩnh Yên); cải tạo, nâng cấp đường nội thị thị trấn Yên Lạc; đường QL2C đi Trung Nguyên TL305 (Mả Lọ); đường từ tỉnh lộ 305 (cầu kênh Lũng Hạ xã Yên Phương) đi xã Liên Châu…

Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, liên xã, trục thôn, ngõ xóm được nâng cấp; hệ thống giao thông nội đồng được xây dựng theo tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Hệ thống lưới điện sinh hoạt, sản xuất, chiếu sáng từ trung tâm huyện đến các xã, thị trấn được đầu tư cải tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển KT- XH, tạo điều kiện phát triển các trung tâm TM –DV và các chợ làng nghề, các CCN Tề Lỗ, Yên Đồng, thị trấn Yên Lạc, Đồng Văn...

Một số cơ sở đầu tư mở rộng quy mô, dây chuyền sản xuất với giá trị hàng trăm tỷ đồng để tái chế nhựa, tơ nhựa, sản xuất phôi thép, thép thành phẩm, đồ mộc, gỗ mỹ nghệ…

Các làng nghề truyền thống tiếp tục được duy trì, phát triển, tạo việc làm mới cho hơn 2.500 lao động địa phương.

Nổi bật trong năm 2021 là việc tập trung thực hiện GPMB để phát triển công nghiệp, khơi dậy tiềm năng sản xuất làng nghề truyền thống.

Với 32 dự án, tổng diện tích cần GPMB là 125,36 ha, với quyết tâm cao, huyện đã bồi thường GPMB xong 22 dự án chuyển tiếp và dự án mới với tổng diện tích hơn 115,65 ha, đạt 92,3%.

Một số dự án tồn tại nhiều năm nhưng năm qua đã GPMB xong giao chủ đầu tư như Quảng trường Trung tâm VHTT huyện; CCN- làng nghề Minh Phương; khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, giai đoạn 3.

Như vậy, huyện hoàn thành GPMB xong các dự án đã ký cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong năm 2021. Hiện đang tiếp tục chỉ đạo các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển các khu đô thị Green City (diện tích 47 ha), PICENZA Yên Lạc (diện tích 44,4 ha), Đầm Khanh (diện tích 28ha) và các dự án phát triển đô thị khác trên địa bàn huyện.

Đồng thời tiếp tục kiểm kê diện tích đất thu hồi, tài sản thiệt hại, rà soát quy chủ sử dụng đất với diện tích 10,29 ha, kêu gọi nhà đầu tư thực hiện đầu tư các dự án

Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 11.110,3 tỷ đồng, tăng 9,56% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, sản xuất Nông, lâm, thủy sản đạt 1.485,4 tỷ đồng, tăng 2,4%; Công nghiệp – Xây dựng đạt 6.738,6 tỷ đồng; Dịch vụ đạt 2.886,3 tỷ đồng, tăng 0,2%...

Tổng thu ngân sách địa phương 1.815 tỷ đồng, trong đó thu NSNN trên địa bàn huyện trên 600,9 tỷ đồng, đạt 384% dự toán tỉnh giao, đạt 201% dự toán HĐND huyện giao.

Chi ngân sách địa phương 1.815 tỷ đồng, đạt 201% dự toán HĐND giao; đặc biệt giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất tỉnh.

Những thành tựu đạt được trong phát triển KT-XH năm 2021 là nền tảng để huyện Yên Lạc tạo đà bứt phá trong giai đoạn 2021-2025.

Xuân Hùng

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/71883/dot-pha-yen-lac.html