Đột quỵ gia tăng và những hiểu lầm tai hại

Số liệu từ các khoa tổng hợp thần kinh trên toàn quốc cho biết: 3 năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ đang có chiều hướng tăng lên từ 1,7 % - 2,5%. Trước căn bệnh vô cùng nguy hiểm này, vẫn có những quan niệm rất sai lầm về đột quỵ.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Mai Uyên, Trưởng khoa Nội thần kinh - Đột quỵ, Bệnh viện Gia An 115 (TP.HCM cho biết có những hiểu lầm thường gặp về đột quỵ.

Những người sau tuổi trung niên mới có nguy cơ bị đột quỵ

Nhiều người trẻ vẫn cho rằng lứa tuổi thanh thiếu niên sẽ ít bị đột quỵ hơn do đó người sau trung niên mới là đối tượng thường mắc phải những cơn đau nguy hiểm này. Chủ yếu đột quỵ thường xảy ra ở nhóm người từ 50 đến 70 tuổi trước đây thường có tiền sử bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường nhất là khi không có sự kiểm soát tốt bệnh tật.

Tuy nhiên hiện nay, người trẻ cũng có thể gặp phải đột quỵ (cả nhồi máu não và xuất huyết não). Các trường hợp như vậy ngày càng gia tăng khiến cho nhiều nạn nhân dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng vẫn phải sống trong cảnh tàn phế hoặc qua đời sau cơn đột quỵ xảy ra.

Những người thừa cân, béo phì mới có thể dễ bị đột quỵ

Đây là hiểu lầm ở nhiều người khiến họ chủ quan cho rằng chỉ có những ai béo phì mới phải lo lắng về nguy cơ đột quỵ. Theo bác sĩ Uyên, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường… là những bệnh lý nền có liên quan mật thiết tới bệnh này. Vì thế, dù là người gầy hay có cân nặng bình thường cũng nên lưu ý về những gì hoàn toàn có thể xảy ra dẫn đến hậu quả khó lường.

Do đó, nếu đang mắc các bệnh lý như bệnh tim mạch, đái tháo đường… thì cần kiểm soát và điều trị tốt các bệnh. Bên cạnh đó, cần chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ và tầm soát đột quỵ, nhất là với những người có nguy cơ cao.

Một hiểu lầm thường gặp khác về đột quỵ là các cơn đột quỵ hoàn toàn không hề có dấu hiệu báo trước

Trong rất nhiều trường hợp, người bệnh xuất hiện cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), sau đó trong vòng 48 giờ hoặc sau vài tháng khởi phát cơn đột quỵ.

TIA có thể xảy ra do nghẽn tắc nhánh động mạch não (nguyên nhân hàng đầu do vữa xơ động mạch) hoặc do giảm lưu lượng tưới máu toàn thể hay cục bộ (“thủ phạm” là hạ huyết áp thế đứng; các nguyên nhân gây chít hẹp hệ động mạch cảnh hoặc động mạch sống - nền; loạn nhịp tim; tăng độ nhớt của máu…).

Các triệu chứng khởi phát đột ngột (yếu nửa người hoặc yếu chi, rối loạn cảm giác nửa người, mất thị lực hoặc bán manh…), kéo dài khoảng từ 2-20 phút và tự hết nên người bệnh thường chủ quan bỏ qua. Nếu người bệnh đi khám ngay sau khi xuất hiện TIA và chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh thì sẽ giảm nguy cơ khởi phát cơn đột quỵ.

Chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn tới 80 phần trăm đột quỵ bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể dục thể thao đều đặn, không dùng các chất kích thích như rượu, bia, tránh tình trạng căng thẳng thần kinh quá mức và kéo dài…

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dot-quy-gia-tang-va-nhung-hieu-lam-tai-hai-post108942.html