Đột quỵ não nguy hiểm thế nào?

Đột quỵ não là bệnh lý có xu hướng trẻ hóa nhóm người mắc, đây là bệnh được biết đến có mức độ nguy hiểm và để lại hậu quả khôn lường với sức khỏe.

Đột quỵ não nguy hiểm thế nào?

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Vũ Thanh Tuấn cho biết, máu lưu thông trong cơ thể vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các cơ quan và ngược lại, vận chuyển CO2, chất thải của quá trình chuyển hóa về phổi, gan, thận để đào thải ra ngoài.

Khi quá trình này bị gián đoạn hoặc ngưng trệ tại một vị trí nào đó sẽ gây ảnh hưởng đến cơ quan được cấp máu, có thể dẫn đến hoại tử tổ chức, ví dụ tắc động mạch chi, tắc động mạch phổi, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não hay xuất huyết não. Điều này dẫn đến những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe người bệnh, thậm chí có nguy cơ tử vong.

Đột quỵ não xảy ra khi quá trình máu đi lên não bị tắc nghẽn hoặc mạch máu nuôi dưỡng bị vỡ, lúc nãy một phần não bộ sẽ không được cung cấp oxy dẫn đến tình trạng tổn thương đột ngột và gây chết một số tế bào não chỉ trong vài phút.

Vì thế, khi người bệnh bị đột quỵ não cần phải được sơ cứu nhanh chóng để quá trình tái tạo máu trở lại, tránh những hậu quả và di chứng về sau.

Đột quỵ não diễn ra khi người bệnh xảy ra một trong hai tình trạng nhồi máu não hoặc xuất huyết não.

Nhồi máu não

Là tình trạng xảy ra do một số nguyên nhân như xơ vữa huyết khối mạch máu lớn, bệnh lý ở tim như rung nhĩ hay van tim, tắc nghẽn các mạch máu nhỏ trong não, bệnh động mạch không xơ vữa, bệnh về hồng cầu và máu, người bệnh bị cao huyết áp, hút nhiều thuốc lá, do gene di truyền, sử dụng thực phẩm quá nhiều dầu mỡ và ít chất xơ. Tình trạng này xảy ra khi mạch máu bị tắc nghẽn và não không được cung cấp oxy và glucose trong một khoảng thời gian khiến tế bào não bị hoại tử.

Xuất huyết não

Xảy ra khi động mạch bị phình hoặc do những bệnh như dị dạng mạch máu, rối loạn đông máu. Lúc này khi động mạch bị phình quá to sẽ bị vỡ và máu có thể chảy vào trong não gây ra tình trạng tụ máu trong não.

Đột quỵ não rất nguy hiểm, có thể gây ra những di chứng nặng nề, tàn phế hoặc tử vong.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ não

Dưới đây là một số những dấu hiệu của bệnh lý đột quỵ não mọi người nên chú ý để có những biện pháp sơ cứu trong trường hợp cần thiết:

Không thể cười bình thường được, một bên mặt có thể bị liệt và chảy xệ khiến khuôn mặt trở nên mất cân đối.
Không thể tự nâng tay lên qua đầu được, chân không thể cử động hoặc cử động khó khăn, có thể liệt hẳn một bên cơ thể.
Người bệnh có dấu hiệu cảm thấy đau đầu dữ dội đột ngột, kèm theo chóng mặt và không thể tự mình ngồi xuống được.
Mí mắt bên liệt bị sụp khiến người bệnh nhìn khó khăn.
Khẩu hình miệng có thể lệch đi, méo miệng và không thể nói ra câu rõ ràng.

Đây là những dấu hiệu có thể qua đi rất nhanh, nhưng cũng chính là dấu hiệu nhận biết người bệnh có thể bị đột quỵ não bất cứ lúc nào. Đối với người bệnh, hãy lắng nghe cơ thể mình và đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị. Đối với những người có người thân bị những dấu hiệu này, nên chú ý đến người bệnh thường xuyên và đưa người bệnh đi khám sớm nhất có thể.

Đột quỵ não rất nguy hiểm, có thể gây ra những di chứng nặng nề, tàn phế hoặc tử vong

Đột quỵ não rất nguy hiểm, có thể gây ra những di chứng nặng nề, tàn phế hoặc tử vong

Cần làm gì khi sơ cứu người bị đột quỵ não?

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Dũng – Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, đột quỵ não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, cũng là nguyên nhân chính gây tàn tật ở người trưởng thành. Đột quỵ não gây ra gánh nặng rất lớn đối với gia đình và xã hội.

Khi sơ cứu cho người bệnh đột quỵ ở ngoài cộng đồng thì cần phải làm gì? Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng cho hay, điều tối quan trọng khi phát hiện người bệnh có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh nhất có thể để kịp đến viện trong giờ vàng. Sau đây là những việc cần thực hiện ngay:

- Cập tức gọi xe cứu thương: Gọi 115 là lựa chọn thông minh nhất.

- Thông báo với cấp cứu 115 người bệnh bị “đột quỵ não”: Nhân viên cấp cứu 115 sẽ chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và lựa chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não là đích đến.

- Cho người bệnh nằm tư thế an toàn: Nằm nghiêng một bên với đầu cao. Để giữ cho người bệnh thoải mái, hãy nới lỏng quần áo của họ. Tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não.

- Theo dõi các triệu chứng và hỏi người bệnh: Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng. Cần ghi lại thông tin: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, và bạn sẽ cung cấp cho nhân viên y tế sau đó.

- Không cho người bệnh uống thuốc. Đột quỵ não có hai thể là chảy máu não và nhồi máu não. Vì vậy, khi không biết người thân bị mắc loại đột quỵ nào thì tuyệt đối không cho họ uống bất kỳ loại thuốc nào mà chưa rõ khuyến cáo, hay chỉ là truyền miệng.

- Không cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì: Đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt. Do đó có thể dẫn đến tình trạng nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp và hệ quả là viêm phổi, thậm chí tử vong.

- Không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện: Các triệu chứng đột quỵ não rất khó để nhận biết ngay từ đầu, và có thể tiến triển nặng hơn trong những giờ đầu. Nếu bạn phán đoán người bệnh đang bị đột quỵ não thì tuyệt đối không để người bệnh tự đi xe đến viện mà hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ.

Thanh Thanh (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dot-quy-nao-nguy-hiem-the-nao-ar892126.html