Đột quỵ ngày càng… trẻ hóa
TS-BS Trần Chí Cường: 'Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất thế giới, với khoảng 200 ngàn người mắc bệnh mỗi năm'.
Mỗi ngày, tại các bệnh viện lớn liên tục tiếp nhận nhiều ca cấp cứu liên quan đến đột quỵ não. Ghi nhận tại các bệnh viện trong những tháng cuối năm 2024, số lượng bệnh nhân dưới 40 tuổi bị đột quỵ tăng 25-30%, tăng rất nhiều lần so với các năm trước. Phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn sau 6 giờ khởi phát.
Ba tháng, bệnh viện nhận 1.710 ca
Từ đầu năm đến nay, bệnh nhân đột quỵ vào các bệnh viện đều tăng. Bệnh viện Nhân Dân 115 tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, các bệnh viện khác như Quân y 175, Chợ Rẫy hoặc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ cũng ghi nhận tương tự.
200.000
Là số ca bệnh nhân bị đột quỵ đưa vào Bệnh viện Nhân dân 115 mỗi năm. Bệnh viện này là cơ sở y tế tiếp nhận lượng bệnh nhân đột quỵ cao nhất cả nước.
Theo TS-BS. Trần Chí Cường - Chủ tịch Liên chi hội Can thiệp Thần kinh TP.HCM, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất thế giới, đây cũng là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau bệnh lý tim mạch, với khoảng 200.000 người mắc bệnh mỗi năm.
Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của người dân về căn bệnh này vẫn còn hạn chế, nhiều người chưa biết cách xử lý kịp thời trong “giờ vàng”. Đây là khoảng thời gian quý báu quyết định sự sống còn và khả năng hồi phục của bệnh nhân.
Trong ba tháng đầu năm 2024, Bệnh viện SIS Cần Thơ đã tiếp nhận 1.710 ca đột quỵ, trong đó chỉ có 26 ca cấp cứu giờ vàng. Cũng theo BS. Trần Chí Cường, thay vì đến bệnh viện trong vòng 3, 4 giờ đầu sau khi có triệu chứng, nhiều người lại chủ quan tin vào các phương pháp truyền miệng như chích máu đầu ngón tay, chích máu tai hay sử dụng các bài thuốc Đông y chưa có cơ sở. “Chính những cách làm này đã làm mất đi cơ hội điều trị hiệu quả, khiến bệnh tình diễn biến nặng hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe lâu dài” - BS Cường nói.
BS. Trần Chí Cường cho rằng hậu quả của đột quỵ để lại nhiều di chứng nặng nề. Nếu may mắn được cứu sống, bệnh nhân cũng phải duy trì việc uống thuốc gần như là suốt đời và ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe mà còn hệ lụy về kinh tế. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và kế hoạch kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ mạch máu, đồng thời kết hợp thay đổi các thói quen và lối sống, như bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, kiểm soát cân nặng, tăng cường vận động… sẽ giúp ngăn ngừa hiệu quả bệnh lý.
90% ca bệnh xuất huyết não liên quan đến tăng huyết áp
PGS-TS-BS. Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM kiêm Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân Dân 115, đánh giá có những bệnh nhân trẻ nhập viện trong tình trạng huyết áp cao, liệt nửa người. Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ xuất huyết não. Đây là dạng đột quỵ chỉ chiếm 15-20% nhưng khả năng cấp cứu thành công thấp, di chứng nặng nề hơn so với nhồi máu não. Sau khi nhập viện, người bệnh được ê kíp trực kiểm soát huyết áp, điều trị nội khoa bảo tồn. Bệnh nhân sẽ được chụp mạch máu để đánh giá nguyên nhân gây xuất huyết não có liên quan thêm đến dị dạng mạch máu hay không.
BS. Thắng cảnh báo, điều đáng buồn là có khoảng 90% ca bệnh xuất huyết não liên quan đến tăng huyết áp - yếu tố hoàn toàn có thể kiểm soát một cách dễ dàng nhưng chưa được quan tâm.
Trong quá trình trao đổi với bệnh nhân, BS. Thắng nhận thấy nhiều người không biết về tình trạng tăng huyết áp của cơ thể, hoặc biết nhưng không uống thuốc đều đặn. Có bệnh nhân cho rằng, tăng huyết áp không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và công việc. Tỷ lệ bệnh nhân xuất huyết não đang tuân thủ điều trị tăng huyết áp là cực kỳ thấp.
Do số lượng bệnh nhân đột quỵ quá đông, Khoa Thần kinh của Bệnh viện Nhân Dân 115 phải “gánh” giúp khoảng 50 - 60 trường hợp đã điều trị ổn định hoặc không cần xử lý cấp, giảm áp lực cho Khoa Bệnh lý mạch máu não.
Thống kê hiện nay cho thấy, Bệnh viện Nhân dân 115 đang là cơ sở y tế tiếp nhận lượng bệnh nhân đột quỵ cao nhất cả nước, khoảng 20.000 ca/năm. BS. Thắng nhấn mạnh, việc duy trì công tác cấp cứu đột quỵ liên tục đòi hỏi phải có ê kíp với số lượng nhân viên đủ cho nhiều kíp trực. Quan trọng hơn, sự phối hợp giữa các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Khoa Đột quỵ, Can thiệp Thần kinh, Ngoại Thần kinh và Hồi sức Thần kinh phải luôn nhịp nhàng và nhanh chóng.
Vì sao đột quỵ có xu hướng trẻ hóa về độ tuổi?
PGS-TS-BS. Nguyễn Huy Thắng Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM phân tích:Ăn uống không lành mạnh: Những thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo như thức ăn nhanh, nội tạng động vật, thực phẩm nhiều đường… có nguy cơ khiến mỡ máu tăng cao. Đồng thời những tác nhân này sẽ bám vào thành mạch máu rất dễ khiến gây tắc nghẽn. Trong khi đó, những thực phẩm trên là một trong những món sở trường của giới trẻ hiện nay và là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở người trẻ tuổi.Uống nhiều bia rượu: Chất cồn trong rượu bia là một trong những nguyên nhân gây tăng khả năng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Kết hợp với bia rượu là việc sử dụng đồ nhậu nhiều dầu mỡ, chất béo khiến nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi ngày càng cao. 90% các cơn đột quỵ xảy ra đều do điều này.Làm việc quá sức: Khi làm việc quá sức sẽ gây áp lực lớn lên não. Trong môi trường sống hiện đại, giới trẻ có xu hướng theo đuổi công việc cộng với những áp lực khiến cho huyết áp tăng cao, cơ tim co bóp mạnh. Khi dòng máu chảy về não tăng đột ngột gây nguy cơ hình thành cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu não hoặc xuất huyết não.Tình trạng thừa cân: Chế độ dinh dưỡng không hợp lý gây nên tình trạng thừa cân ở giới trẻ. Khi cơ thể tiêu thụ lượng thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo thì nguy cơ tăng cân ngày càng cao. Đặc biệt với dân văn phòng, do tính chất công việc ít vận động khiến cho cân nặng tăng không kiểm soát dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch, máu nhiễm mỡ.Lười vận động: Một trong những nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ tuổi là do lười vận động. Đây là lý do các bác sĩ khuyến cáo người trẻ phải chịu khó tập thể dục. Hoạt động nhiều khiến cho cơ thể đánh tan mỡ thừa, giải độc cơ thể, giảm mỡ máu và giúp ổn định cân nặng, giúp giảm nguy cơ đột quỵ.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/dot-quy-ngay-cang-tre-hoa-315147.html