Đột quỵ và đột tử - nỗi ám ảnh của bệnh nhân rung nhĩ

Bệnh nhân rung nhĩ không chỉ bị sa sút trí tuệ, trầm cảm, suy giảm chất lượng sống mà còn đối diện với nguy cơ đột quỵ, đột tử... bất cứ lúc nào. Đây là nỗi ám ảnh đối với người bị bệnh rung nhĩ.

Rung nhĩ, hay còn được gọi là rung tâm nhĩ, là một dạng của rối loạn nhịp tim - một tình trạng trong đó tim bắt đầu đánh không đều, tạo ra một nhịp tim không đều. Khi xảy ra rối loạn nhịp tim này, các cơ trong tim rung lên thay vì co lại bình thường.

Rung nhĩ gây đột tử, đột quỵ như thế nào?

Chia sẻ tại Hội nghị khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2025 vào sáng 17.4, ThS-BS Trần Lê Uyên Phương – Phó trưởng khoa Điều trị rối loạn nhịp, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết rung nhĩ đang là gánh nặng sức khỏe toàn cầu. Tại Việt Nam tỷ lệ mắc rung nhĩ mới tăng dần theo độ tuổi. Đối với những người dưới 40 tuổi, tỷ lệ mắc rung nhĩ khoảng 0,1%/ năm; còn những người trên 80 tuổi, tỷ lệ mắc rung nhĩ từ 1,5 - 2%. Như vậy, tỷ lệ chung người dân Việt Nam mắc rung nhĩ chiếm từ 1 - 1,5%.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phân tích của bác sĩ Phương cho thấy rung nhĩ dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề, ngoài việc sa sút trí tuệ, trầm cảm, suy giảm chất lượng sống, tăng số lần nhập viện thì bệnh nhân còn đối diện với nguy cơ đột quỵ, suy tim và tử vong.

Theo bác sĩ Phương, bệnh nhân mắc rung nhĩ bị tử vong là do bệnh gây ra suy tim, bệnh đồng mắc và đột quỵ. Trong khi đó, bệnh nhân rung nhĩ bị đột quỵ là do liên quan đến huyết khối từ tim, hoặc liên quan đến bệnh lý xơ vữa mạch máu. “Có khoảng 20 - 30% đột quỵ do thiếu máu não, 10% đột quỵ không rõ”, bác sĩ Phương nói.

Ngoài ra, bệnh rung nhĩ còn khiến khoảng 20 - 30% bệnh nhân bị suy thận, suy tim, do tăng tần số thất, co bóp thất không đều; bệnh nhân sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức do bệnh lý chất trắng, viêm, giảm tưới máu não, vi huyết khối; khoảng 16 - 20% người bệnh bị trầm cảm do triệu chứng nặng và giảm chất lượng cuộc sống, tác dụng phụ của thuốc; trên 60% bệnh nhân bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do liên quan đến gánh nặng bệnh đồng mắc, chức năng thần kinh, vận động, trầm cảm…

Dùng dụng cụ bít tiểu nhĩ trái để phòng ngừa đột quỵ

Điều lo ngại của bệnh nhân mắc rung nhĩ chính là gây ra đột quỵ và đột tử. Đây là 2 căn bệnh đáng sợ nhất đang gia tăng nhanh và trở thành nỗi ám ảnh của bệnh nhân rung nhĩ.

Theo bác sĩ Phương, để phòng ngừa đột quỵ đối với bệnh nhân rung nhĩ là phải sử dụng thuốc kháng đông, dụng cụ bít tiểu nhĩ trái và triệt đốt rung nhĩ để cải thiện triệu chứng; còn phòng ngừa đột tử thì người bệnh rung nhĩ ngoài việc sử dụng thuốc cần phải sử dụng máy khử rung và triệt đốt nhanh thất.

Hiện nay, Bệnh viện Chợ Rẫy sử dụng máy ICD để phát hiện ngay lập tức các rối loạn nhịp thất nguy hiểm đến tính mạng, như nhanh thất và rung thất. Sau đó, tiến hành điều trị hiệu quả thông qua kích thích vượt tần số để cắt cơn nhanh thất, hay sốc điện chuyển nhịp.

Đối với phòng ngừa đột quỵ do rung nhĩ bằng dụng cụ bít tiểu nhĩ trái có thể sử dụng dụng cụ qua da và phẫu thuật. Tỷ lệ thành công của thủ thuật này lên đến 90%.

Theo bác sĩ Phương, việc việc đóng tiểu nhĩ trái có thể được xem xét để phòng ngừa đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ có chống chỉ định với điều trị kháng đông kéo dài. Ở bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ từ trung bình đến cao, và có chống chỉ định với điều trị kháng đông đường uống dài hạn do nguyên nhân không thể hồi phục, thì đóng tiểu nhĩ trái qua da là một lựa chọn hợp lý. Ở bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ từ trung bình đến cao, và nguy cơ chảy máu nghiêm trọng cao, khi dùng thuốc kháng đông đường uống (OAC) thì đóng tiểu nhĩ trái qua da có thể là một lựa chọn thay thế hợp lý dựa trên nguyện vọng của bệnh nhân, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng nguy cơ của thủ thuật, và với sự hiểu rằng bằng chứng hỗ trợ cho OAC vẫn đầy đủ và mạnh mẽ hơn.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dot-quy-va-dot-tu-noi-am-anh-cua-benh-nhan-rung-nhi-231650.html