Đột quỵ và những di chứng nặng nề
Sau cơn đột quỵ, người bệnh có thể chịu những di chứng như nuốt khó, khó thở, mất thị lực, yếu liệt chi, đại tiểu tiện không tự chủ...
Sau cơn đột quỵ, người bệnh có thể chịu những di chứng như nuốt khó, khó thở, mất thị lực, yếu liệt chi, đại tiểu tiện không tự chủ...
Theo Bộ Y tế, đột quỵ hay tai biến mạch máu não là một trong ba nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, đứng hàng đầu về tỷ lệ di chứng tàn tật sau điều trị. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3, cho biết đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp. Trong ba giờ đầu sau khởi phát, bệnh nhân đột quỵ được can thiệp kịp thời sẽ có cơ hội sống, hồi phục và ít di chứng. Mặc dù vậy, cũng giống như mỗi cá thể là duy nhất, mỗi bệnh nhân đột quỵ sẽ gặp một hoặc nhiều di chứng về thể chất khác nhau.
Ảnh minh họa
Hệ hô hấp
Đột quỵ xảy ra ở thân não, nơi kiểm soát các chức năng quan trọng, có thể gây ra các vấn đề về hô hấp. Loại đột quỵ này nhiều khả năng dẫn đến hôn mê hoặc tử vong.
Nếu vùng não kiểm soát việc ăn và nuốt bị tổn thương, người bệnh có thể gặp chứng khó nuốt. Đây là một triệu chứng phổ biến sau đột quỵ, song thường cải thiện theo thời gian. Trường hợp các cơ trong cổ họng, lưỡi hoặc miệng không thể đưa thức ăn xuống thực quản, thức ăn và chất lỏng có thể đi vào đường thở và đọng lại trong phổi. Điều này sẽ gây ra các biến chứng như nhiễm trùng và viêm phổi.
Hệ thần kinh
Hệ thần kinh được tạo thành từ não, tủy sống và mạng lưới các dây thần kinh khắp cơ thể. Hệ thống này gửi tín hiệu qua lại từ cơ thể đến não. Khi não bị tổn thương, nó sẽ không nhận những thông điệp này một cách chính xác, như ấm hay lạnh một cách bình thường. Bạn có thể cảm thấy đau hơn bình thường hoặc đau khi thực hiện các hoạt động mà trước đột quỵ không đau.
Ngoài ra, bạn sẽ gặp những thay đổi về thị lực, khi các bộ phận của não liên quan tới mắt bị tổn thương, gồm mất thị lực, mất một bên hoặc các phần của tầm nhìn và các vấn đề về cử động mắt, thậm chí não có thể không nhận được thông tin thích hợp từ mắt.
Bàn chân rũ (bên yếu liệt) là hiện tượng phổ biến trong đột quỵ, khiến bạn phải kéo lê các ngón chân dọc theo mặt đất hoặc gập đầu gối để nâng bàn chân lên cao hơn không bị kéo lê khi đi bộ. Vấn đề thường là do tổn thương dây thần kinh và có thể cải thiện khi phục hồi chức năng.
Theo bác sĩ Vũ, có một số sự chồng chéo giữa các khu vực não và chức năng của chúng. Tổn thương phần thùy trán gây ảnh hưởng đến những chức năng nâng cao, gồm những đặc trưng phức tạp, tinh tế của con người như tính toán, lập kế hoạch, tưởng tượng, giải quyết các vấn đề khó khăn và những tình huống xã hội.
Trường hợp người bệnh bị đột quỵ ở bán cầu não phải (nơi điều khiển nửa cơ thể bên trái) thì phía bên trái của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Người bệnh có thể gặp một hoặc tất cả những di chứng như tê hoặc liệt bên trái cơ thể; thị giác bị ảnh hưởng, thường là nhìn mờ, nhìn không rõ; khó khăn trong giao tiếp (nói khó, diễn đạt không rõ nghĩa, ú ớ nói không được...); mất trí nhớ hoặc suy giảm trí nhớ. Và ngược lại, nửa cơ thể bên phải sẽ gặp di chứng tương tự nếu đột quỵ xảy ra ở bán cầu não trái.
Nếu bị tổn thương ở thân não, tùy mức độ nặng hay nhẹ mà chấn thương có thể ảnh hưởng một nửa người hay cả hai bên cơ thể. Sau đột quỵ, bạn cũng có nguy cơ cao bị co giật với tỷ lệ 1/10. Điều này thường phụ thuộc vào kích thước của vùng não bị đột quỵ, vị trí và mức độ nghiêm trọng của nó.
Hệ tuần hoàn
Đột quỵ thường do các vấn đề tồn tại trong hệ tuần hoàn tích tụ theo thời gian, như biến chứng liên quan đến cholesterol cao, huyết áp cao, hút thuốc và tiểu đường. Đột quỵ có thể do chảy máu, được gọi là đột quỵ xuất huyết, hoặc dòng máu bị tắc nghẽn được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ (chiếm 80-90% tổng số ca đột quỵ).
Người từng bị đột quỵ, có nguy cơ cao bị đột quỵ lần thứ hai hoặc cơn đau tim. Để ngăn ngừa một cơn đột quỵ khác, bác sĩ Vũ khuyến nghị bệnh nhân thay đổi lối sống, như ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất nhiều hơn, bỏ thuốc lá và nên dùng thuốc theo đúng chỉ định.
Hệ vận động
Tùy thuộc vào khu vực não bị tổn thương, đột quỵ có thể gây ảnh hưởng đến nhiều nhóm cơ khác nhau. Khi các thông điệp không thể truyền đúng cách từ não đến các cơ, có thể gây tê liệt và yếu cơ, gây khó khăn trong việc nâng đỡ cơ thể cũng như chuyển động và giữ thăng bằng. Người bệnh cần tập phục hồi chức năng để cải thiện sức cơ.
Hệ tiêu hóa, tiết niệu
Trong thời gian đầu phục hồi sau đột quỵ, hệ tiêu hóa, tiết niệu thường không hoạt động như bình thường. Nguyên nhân là do người bệnh không uống đủ nước, không hoạt động thể chất đủ nhiều và do tác dụng phụ của việc phải dùng nhiều loại thuốc điều trị bệnh.
Đột quỵ cũng có thể ảnh hưởng đến phần não kiểm soát ruột, bàng quang khiến việc đại tiện, tiểu tiện mất tự chủ. Người bệnh có thể cần phải đi tiểu thường xuyên hơn, hoặc bạn có thể đi tiểu khi ngủ hoặc khi ho hoặc cười. Tình trạng này phổ biến trong giai đoạn hồi phục và thường cải thiện theo thời gian.
Hệ sinh dục
Đột quỵ không trực tiếp thay đổi cách hệ thống sinh dục hoạt động, nhưng nó có thể thay đổi cách bạn trải nghiệm tình dục và cách bạn cảm nhận về cơ thể mình. Trầm cảm, giảm khả năng giao tiếp sau đột quỵ và một số loại thuốc cũng có thể làm giảm ham muốn tình dục, thậm chí là yếu liệt cơ quan sinh dục.