Đốt rơm rạ và các giải pháp thay thế tại Hà Nội
Sau mỗi vụ thu hoạch, trên những cánh đồng lúa ở Hà Nội lại mù mịt khói từ việc đốt rơm rạ. Hành động đốt rơm rạ trái quy định không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường không khí mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và gây mất an toàn giao thông.
Nhằm giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ trên, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live and Learn) phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ và đồng hành với các bên liên quan.
* Thực trạng đốt rơm rạ tại Hà Nội
Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố kết quả của việc đốt rơm rạ từ nghiên cứu Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng thuộc Dự án "Xây dựng bản đồ về khối lượng rơm rạ thải bỏ ngoài đồng ruộng trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Anh Lê - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trong vụ Đông Xuân năm 2020, tổng diện tích canh tác lúa trên địa bàn thành phố Hà Nội là 67.493 ha, chiếm khoảng 20% diện tích canh tác lúa (được phân bố ở 22/30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô). Tổng sản lượng lúa là 427.713 tấn, lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng là 384.505 tấn và tỷ lệ rơm rạ bị đốt ngoài đồng ruộng trong vụ Đông Xuân năm 2020 trung bình là 20%. Các quận, huyện có tỷ lệ đốt rơm rạ cao từ 35-60% là: Gia Lâm, Hoàng Mai, Thường Tín, Thạch Thất và Chương Mỹ.
Trong vụ Mùa năm 2020, diện tích canh tác lúa thấp hơn là 57.971 ha. Sau thu hoạch, lượng rơm rạ khô bỏ lại trên đồng ruộng là 251.266 tấn và tỷ lệ rơm rạ bị đốt trên toàn thành phố vụ này khá thấp, trung bình chỉ khoảng 2%.
Đáng chú ý, các chất ô nhiễm từ hoạt động đốt rơm rạ có thể lan trong không khí, ảnh hưởng đến cả những người không sống gần nơi đốt rơm rạ. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các số liệu về phát thải, kết hợp cùng các dữ liệu về khí tượng (nhiệt độ, lượng mây, hướng gió, tốc độ gió) cho thấy, vùng ô nhiễm chính nằm ở phía Nam Hà Nội là thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa) và xã Kim Bài (huyện Thanh Oai).
Tuy nhiên, dưới nhiều tác động mà kết quả về tỷ lệ đốt cũng như sự lan truyền các chất gây ô nhiễm đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019. Đây là kết quả khả quan cho thấy tác động tích cực của việc áp dụng nhiều giải pháp song song.
* Hiệu quả từ các giải pháp thay thế
Để kiểm soát các hoạt động này, ngày 18/9/2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 15/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ... UBND thành phố tăng cường và quy định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền tại địa phương.
Theo đó yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn chủ động ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai Chỉ thị như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền; thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt tại địa phương; chủ động bố trí kinh phí hỗ trợ công tác xử lý rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và hướng dẫn các phương án xử lý đảm bảo hợp vệ sinh môi trường…
Đặc biệt, tại Chỉ thị 15 của thành phố nêu rõ, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND thành phố trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo từ ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn. Các quận huyện cũng đã có các văn bản, kế hoạch liên quan để giảm thiểu tối đa tình trạng đốt rơm rạ.
Từ việc phân tích các đặc tính xung quanh cây lúa, nhiều giải pháp được thiết lập nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả xử lý rơm rạ. Trong đó phải kể đến các quy mô hiệu quả như: Với quy mô nhỏ áp dụng với các hộ gia đình, cá nhân có thể ủ rơm bằng chế phẩm sinh học, vi sinh (làm phân bón hữu cơ ngay tại đồng ruộng hoặc hỗ trợ các cây trồng khác); trồng nấm; tận dụng rơm rạ trong chăn nuôi (làm thức ăn và làm đệm lót sinh học); làm sản phẩm thủ công...
Quy mô lớn áp dụng với các khu vực sử dụng máy móc, công nghệ: Cày vùi rơm rạ vào đất và lấy nước vào ruộng ngay sau thu hoạch; mô hình kết hợp (cuốn rơm - cày vùi gốc rạ - rải phân vi sinh); sử dụng làm nhiên liệu cho sản xuất năng lượng sinh học thay thế. Cùng trong một huyện nhưng các xã, cụm xã có thể lựa chọn nhiều giải pháp khác biệt để phù hợp với đặc tính địa phương như: Vịt Vân Đình (huyện Ứng Hòa), Bò sữa (huyện Ba Vì), Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm)….
Theo cô Trần Thị Yến - Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), nhằm giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn đã xây dựng và thực hiện mô hình xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ tại 2 xã điểm. Kết quả, sau quá trình triển khai mô hình, 1 tấn rơm rạ sau 45 ngày ủ đã được chuyển thành 25 tấn phân hữu cơ phục vụ cho sản xuất cây trồng và hoa màu.
Chị Phạm Khánh Hương xã Liên Hà (huyện Đông Anh) chia sẻ: Thời gian gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã vận động người dân không đốt rơm rạ sau thu hoạch, thay vào đó là sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ hoặc là tận dụng rơm rạ để trồng nấm. Sau khi tham gia các lớp học nghề về trồng nấm từ rơm rạ do Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức, tôi đã quyết định mở trang trại sản xuất nấm rơm, kêu gọi người dân không đốt rơm rạ mà thu gom rơm cho trại nấm, áp dụng các kiến thức đã học về sản xuất nấm, tăng thêm thu nhập.
Bước đầu chúng tôi sản xuất quy mô nhỏ với 20 - 30 tấn rơm/năm, cho đến nay đã mở rộng đến 40-60 tấn rơm/năm. Thu nhập từ nấm rơm là 100 triệu/năm và với nấm sò là 120 triệu/năm, người lao động thu nhập từ 150 nghìn - 200 nghìn đồng/người/ngày.