Đợt tái bùng phát dịch Covid-19 tại châu Á có thể 'làm khó' FED
Giới chuyên gia kinh tế nhận định rằng làn sóng dịch Covid-19 đang lây lan khắp châu Á có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, và làm tăng lạm phát của Mỹ.
Covid-19 tiếp tục bùng phát khắp châu Á
Trung Quốc - quốc gia được đánh giá chống dịch thành công, trong tuần này cũng ghi nhận những ca nhiễm trong cộng đồng lần đầu tiên sau hơn 3 tuần, dường như liên quan đến việc tiếp xúc với các ca nhiễm nhập cảnh. Trung Quốc đã thiết lập trạm kiểm soát tại các trạm thu phí, sân bay và nhà ga ở tỉnh Liêu Ninh, nơi vừa ghi nhận những ca mắc mới trong cộng đồng. Để ngăn ngừa đợt tái bùng phát dịch mới, chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã áp đặt mức cảnh báo cấp độ 3 đối với toàn bộ hòn đảo này. Nhà chức trách Đài Loan yêu cầu đóng cửa toàn bộ các trường học và tái áp đặt các biện pháp hạn chế.
Trong khi đó, tại Nhật Bản, do dịch bệnh chưa có dấu hiệu sẽ sớm lắng dịu, chính phủ nước này đang cân nhắc khả năng gia hạn tình trạng khẩn cấp ở 9 tỉnh, thành, gồm thủ đô Tokyo và các tỉnh Hokkaido, Aichi, Kyoto, Osaka, Hyogo, Okayama, Hiroshima, Fukuoka, khi biện pháp này sắp hết hạn vào ngày 31/5.
Đại dịch cũng đang lây lan với tốc độ “báo động” tại khu vực Đông Nam Á, khi Indonesia vừa ghi nhận 6.000 ca nhiễm mới hàng ngày, còn Philippines hôm thứ Bảy báo cáo có thêm hơn 6.800 trường hợp mắc mới. Tại Malaysia, giới chức nước này quyết định kéo dài lệnh tái phong tỏa toàn quốc đến hết ngày 7/6, nhằm đối phó với làn sóng Covid-19 mới khiến số ca nhiễm và tử vong tăng gấp 4 lần kể từ tháng 1/2021. Còn đảo quốc Singapore buộc phải hủy đăng cai cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, dự kiến diễn ra vào tháng 8/2021, đồng thời đang tăng tốc kế hoạch tiêm vaccine cho tất cả người trưởng thành mũi đầu tiên vào cuối tháng 8 tới.
Tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu và chính sách của FED
Không chỉ gây ra cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế đối với các nước châu Á, giới chuyên gia kinh tế nhận định rằng làn sóng dịch Covid-19 đang lây lan khắp châu lục có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và làm tăng lạm phát của Mỹ, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Phát biểu trên kênh CNBC hôm 21/5, ông Richard Martin - Giám đốc điều hành của IMA châu Á, cho biết: “Số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh tại các trung tâm sản xuất lớn ở châu Á có thể ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, điều này nhiều khả năng cũng sẽ khiến tỷ lệ lạm phát tại Mỹ tăng nhanh hơn”.
Vấn đề lạm phát đang là tâm điểm của giới đầu tư, những người lo ngại rằng giá tiêu dùng tăng nhanh hơn sẽ khiến FED tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4/2021 đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9/2008. Trước đó, FED nhiều lần cam kết sẽ duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ phục hồi vững chắc sau đại dịch.
Tuy nhiên, chuyên gia Martin cho rằng FED có thể buộc phải điều chỉnh lãi suất sớm hơn dự kiến. “Tôi dự đoán vào cuối năm nay, FED sẽ phải đưa ra quyết định về việc thắt chặt chính sách tiền tệ, quá sớm so với những tuyên bố được FED đưa ra trước đây, đó là sẽ kéo dài việc nới lỏng tiền tệ từ 1 đến 2 năm nữa” - ông Martin nhận định.