Đốt thực bì gây cháy rừng: Sơ suất nhỏ, hậu quả lớn
Thời gian gần đây, tại một số địa phương trên cả nước, trong đó có Quảng Nam, người dân đang tiến hành thu dọn xử lý thực bì để bước vào vụ trồng rừng mới. Tuy nhiên, do thiếu kiến thức trong phòng chống cháy rừng, không ít người dân thu dọn thực bì rồi tự đốt theo thói quen, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại cả về người và tài sản thậm chí vướng vào vòng lao lý. Từ đầu mùa nắng nóng đến nay, Quảng Nam đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng mà nguyên nhân đa phần là do người dân thiếu ý thức khi đốt thực bì gây thiệt hại hàng trăm héc-ta rừng. Vụ cháy 70 ha rừng mới đây là một ví dụ.
Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, ngày 17-8, tại khu vực rừng trồng giáp ranh giữa 2 xã Duy Sơn và Duy Trinh (H. Duy Xuyên) xảy ra cháy lớn. Nhận tin báo, chính quyền H. Duy Xuyên khẩn trương huy động nhiều lực lượng tham gia chữa cháy. Nhưng do trời nắng to, ngọn lửa lớn, gió thổi mạnh nên đến hơn 9 giờ sáng ngày 18-8 vụ cháy mới được khống chế. Theo ước tính sơ bộ, có hơn 70ha rừng keo lá tràm bị thiêu rụi, trong đó xã Duy Sơn thiệt hại 20ha và xã Duy Trinh hơn 50ha.
Là khu vực nhiều đồi núi hầu như năm nào tại xã Duy Sơn cũng xảy ra tình trạng cháy rừng do đốt thực bì. Gần đây nhất vào tháng 5 vừa qua trên địa bàn xã Duy Sơn cũng xảy ra vụ cháy thiêu rụi gần 20 ha rừng. Theo số liệu của UBND xã Duy Sơn cho biết, tổng diện tích đất lâm nghiệp của địa phương hiện nay là 5.707ha, trong đó có 954ha rừng keo lá tràm, bạch đàn, phân bố chủ yếu ở thôn Chánh Lộc, Phú Nham Tây. Trước tình hình khô hạn kéo dài, xã Duy Sơn tiến hành khoanh vùng 2 khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao vào mùa khô gồm: khu vực đèo Đá Mái thôn Chiêm Sơn đến đầu nguồn thủy điện Duy Sơn 2 và đèo Núi Eo thôn Kiệu Châu đến Đồng Lớn thôn Chánh Lộc. Đây là những nơi mà người dân thường xuyên vào rừng khai thác gỗ, đốt dọn thực bì, học sinh tổ chức các buổi tham quan, dã ngoại. Cạnh đó, các nghĩa trang nằm ngay dưới các khu rừng, lượng người đến thắp hương, đốt vàng mã rất đông đúc. Mặc dù đã có cảnh báo từ cơ quan chức năng nhưng trên thực tế người dân vẫn rất chủ quan khi dọn thực bì gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cơ quan chức năng, thông tin điều tra ban đầu cho thấy vụ cháy rừng xảy ra vào ngày 17-8 có nguyên nhân xuất phát từ một hộ dân đi dọn thực bì. Tuy nhiên, trong quá trình dọn hộ dân này lại không tiến hành phát ranh giới các khoảnh rừng với nhau để cản lửa cũng như chỉ đi một mình nên khi gió lớn, ngọn lửa bùng lên quá lớn thì không đủ khả năng dập lửa. Hậu quả là 200 cán bộ chiến sĩ cùng với một lực lượng lớn người dân tham gia dập lửa suốt 1 ngày đêm mới khống chế được ngọn lửa. Tuy nhiên, 70ha rừng keo lá tràm gần tới kỳ thu hoạch thì không còn. Theo ông Nguyễn Bốn- Phó chủ tịch UBND H. Duy Xuyên, hiện nay cơ quan CSĐT CAH Duy Xuyên đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân và cá nhân nào để xảy ra cháy rừng. Đây là bài học lớn cho các chủ rừng trong quá trình dọn đốt thực bì.
Còn nhớ vụ cháy rừng xảy ra vào tháng 8-2013 tại khu vực Đá Mái, xã Duy Sơn. Dù đã 6 năm trôi qua nhưng hậu quả từ vụ cháy rừng này vẫn chưa khắc phục xong. Theo hồ sơ vụ việc, các ông gồm Bùi Hải, Bùi Thuận, Hồ Quyền, Nguyễn Khắc Bảy đốt thực bì cho chủ rừng Hồ Phước Tường tại khu vực rừng xã Duy Trung gặp lúc gió lớn đã làm đám cháy lan rộng sang khu vực rừng Đá Mái xã Duy Sơn, gây thiệt hại gần 40ha keo hơn 3 năm tuổi của hàng chục hộ dân. Sau đó, Cơ quan CSĐT CAH Duy Xuyên ra Quyết định khởi tố hình sự số 51 và quyết định khởi tố bị can đối với Hồ Phước Tường về hành vi "hủy hoại rừng".
Theo CAH Duy Xuyên cho rằng, trong quá trình điều tra, Công an đã tốn nhiều thời gian, công sức, xác minh thiệt hại về rừng hơn cả tỷ đồng nên đơn vị đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện KSND huyện đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Tuy nhiên, quan điểm của Viện KSND là đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can bởi việc dọn vệ sinh rừng theo phương pháp đốt để trồng lại rừng mới cũng là công việc bình thường theo tập quán địa phương. Các bị can đã trực tiếp phát hỏa nhưng không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy nên đám cháy lan rộng vượt ngoài diện tích phát ranh cản lửa và không kiểm soát được. Tuy nhiên, các bị can là người lao động làm thuê, trình độ học vấn thấp nên nhận thức về phòng cháy, chữa cháy còn hạn chế. Hậu quả là do sự rủi ro trong lao động sản xuất. Việc miễn trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính cũng đảm bảo giáo dục về phòng ngừa chung. Mặc dù đã được miễn trách nhiệm hình sự nhưng qua nhiều năm việc khắc phục hậu quả đã gây ra vẫn chưa thực hiện xong gây nhiều bức xúc cho những chủ rừng bị mất rừng trong đám cháy.
Ông Nguyễn Văn Tần- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam cho hay, lâu nay người dân vẫn xử lý thực bì theo kinh nghiệm cá nhân, nhiều lúc không đảm bảo, sơ suất nên để xảy ra cháy rừng. "Vừa qua, một buổi trình diễn kỹ thuật xử lý thực bì và cách sử dụng lửa trong xử lý thực bì để đảm bảo trong công tác PCCC rừng đã được Hạt tổ chức. Đây được xem là một trong những phương án tối ưu để nâng cao khả năng phòng ngừa và ứng phó khi có cháy rừng xảy ra cho các hộ dân. Qua diễn tập, chúng tôi mong muốn cung cấp cho bà con kiến thức xử lý thực bì an toàn, làm sao đó trong quá trình xử lý thực bì trước khi trồng rừng, cũng như sau khi khai thác rừng đảm bảo không để cháy rừng, cháy lan", ông Tần cho biết.
Trước tình trạng nắng nóng ngày càng tăng cao trong khi liên tiếp xảy ra cháy rừng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã phát đi công điện phòng chống cháy rừng. Công điện nêu rõ: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài liên tục nhiều ngày, nhiệt độ luôn ở mức 38 - 400C, cấp cháy rừng luôn ở cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Theo dự báo, thời tiết trên địa bàn tỉnh trong những ngày tới sẽ có diễn biến phức tạp, tiếp tục nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ tăng cao; do đó, nguy cơ cháy rừng xảy ra là rất lớn và có khả năng xảy ra trên diện rộng.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn có rừng yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thực hiện nghiêm việc đăng ký thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy cho UBND cấp xã (Ban Lâm nghiệp xã, Kiểm lâm địa bàn) để theo dõi, hướng dẫn nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình sử dụng lửa. Tổ chức đánh giá, thống kê mức độ thiệt hại do cháy rừng gây ra gửi về Bộ NN và PTNT để tổng hợp, có giải pháp khôi phục lại diện tích rừng bị cháy.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_211253_dot-thuc-bi-gay-chay-rung-so-suat-nho-hau-qua-lon.aspx