Đốt tiền vì 'cuồng' IELTS, cuộc đua chứng chỉ ngoại ngữ đang dần méo mó
Lệ phí thi mỗi lần 15 triệu, chưa kể chi phí ôn luyện, thậm chí việc luyện thi IELTS đang lan xuống cấp phổ thông, cả cấp tiểu học khiến việc học chứng chỉ này trở nên méo mó.
Mạnh tay đầu tư tốn kém, lãng phí
Vài năm trở lại đây, các trường đại học đẩy mạnh việc sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, trong đó có xét chứng chỉ ngoại ngữ làm tiêu chí tuyển sinh.
Việc mở rộng ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS,… thúc đẩy học sinh, phụ huynh quan tâm, đầu tư nhiều hơn vào việc ôn luyện để thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ.
Trong khi đó nhiều người cho rằng, việc xét tuyển đại học ưu tiên chứng chỉ IELTS bất công với học sinh nông thôn bởi ngoài khó khăn về kinh phí, các em thiếu điều kiện tiếp cận các trung tâm.
Theo thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên môn Hóa ở Hà Nội, việc xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS kích hoạt phong trào ngoại ngữ ở nhiều vùng miền nhưng tạo sự lãng phí vô cùng lớn bởi phần lớn sinh viên ra trường làm việc, không mấy ai cần năng lực ngoại ngữ đến mức như chứng chỉ IELTS.
Thầy giáo này cho rằng, tính riêng lệ phí thi IELTS mỗi lần khoảng 15 triệu đồng/em. Chưa kể việc luyện thi chứng chỉ này vô cùng tốn kém, nếu nhân lên cho mỗi học sinh, con số rất khủng khiếp và không cần thiết.
Thầy Nguyễn Duy Khánh, nguyên giáo viên Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Việt Trì, giáo viên hệ thống giáo dục Mclass cũng đưa quan điểm, việc lạm dụng các chứng chỉ ngoại ngữ gây nên làn sóng luyện thi, phụ huynh đua nhau cho con học, trong khi thời hạn sử dụng của chứng chỉ này kéo dài 2 năm là sự lãng phí vô cùng lớn.
Trong cơn "cuồng hóa" chứng chỉ ngoại ngữ, các gia đình không tiếc chi phí, mạnh tay đầu tư cho con cái ôn luyện ở các trung tâm với mục tiêu dành điểm số cao nhất.
Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh bằng xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ ở các trường đại học có giới hạn nên cuộc đua ôn và thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ càng trở nên khốc liệt, tăng gánh nặng, áp lực lên vai học sinh.
Việc một học sinh vừa dự kiến thi tốt nghiệp THPT, vừa muốn sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, vừa thi các bài thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy,… để tăng cơ hội được lựa chọn càng khiến áp lực nặng nề.
"Theo tôi, việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ chủ yếu dành cho các trường dân lập chất lượng cao, các trường đại học top đầu, trong đó liên quan trực tiếp đến các ngành nghề đang là xu hướng, cơ hội việc làm tốt.
Việc các trường đại học sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau, trong đó có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ thể hiện mục tiêu muốn đảm bảo chất lượng đầu vào cho nhà trường.
Nhưng lạm dụng chứng chỉ ngoại ngữ dẫn đến những hệ lụy như: Tạo sự bất bình đẳng; có thể đánh giá sai năng lực của học sinh, gây lãng phí cho xã hội", thầy Khánh nói.
Cuộc đua chứng chỉ ngoại ngữ đang ngày càng méo mó
Trước cơn sốt chứng chỉ ngoại ngữ, theo thầy Khánh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chỉ đạo để các trung tâm khảo thí có uy tín trong nước hoặc một số trường đại học tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cho học sinh.
Chỉ cần đảm bảo kỳ thi công bằng, chuẩn hóa, phù hợp cho thí sinh ở các vùng miền và tiết kiệm tối đa được các chi phí.
Sau này, những sinh viên cần chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL,… để đi du học hay tăng sự cạnh tranh trong cơ hội việc làm, các em có thể thi sau.
"Việc này khiến sự bất công giữa sinh viên nông thôn và thành thị được rút ngắn, giảm bớt áp lực cho các em.
Hơn thế nữa, đây sẽ là bài toàn tiết kiệm chi phí vì cha mẹ học sinh không còn chạy đua cho con luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ với mức chi phí quá lớn.
Về điều này, thầy Vũ Khắc Ngọc nói rằng, có thể Bộ GD&ĐT không cấm các trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ nhưng nên đặt ra những giới hạn nhất định để kiểm soát, không để nó trở thành sự lạm dụng bất hợp lý.
Thứ nhất, các trường hiện chưa cân bằng thông tin giữa chứng chỉ IELTS với các chứng chỉ ngoại ngữ khác, nhiều trường nhấn mạnh chứng chỉ IELTS còn các ngoại ngữ khác mơ hồ hơn.
Chúng ta nên có quy định quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ IELTS ngang bằng với chứng chỉ ngoại ngữ khác như: Tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Trung…, để công bằng với các em học sinh.
Mức điểm chứng chỉ IELTS để xét tuyển hiện cũng không đồng đều giữa các trường, có trường yêu cầu 7.0 nhưng có trường chỉ 5.0.
Tất nhiên quyền tự chủ thuộc về các trường nhưng các đơn vị này cũng phải tương đối, không nên để mức điểm "vênh" bất hợp lý quá.
Thứ hai, ngoại ngữ là công cụ quan trọng nhưng không thể thay thế hoàn toàn điểm văn hóa như toán, văn.
Thứ ba, việc xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ chỉ tập trung cho một nhóm đối tượng ở những vùng kinh tế cao bởi không phải vùng miền nào học sinh cũng có điều kiện luyện IELTS.
"Thời gian qua chúng ta đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách điểm cộng giữa các khu vực và sắp tới còn tiếp tục giảm nữa, vậy thì tại sao lại tiếp tục tạo thêm hố sâu ngăn cách bằng IELTS?
Xét tuyển bằng tiếng Anh cũng tốt nhưng tôi cho rằng chỉ phù hợp với các chương trình liên kết tiếng Anh, các chương trình liên quan đến ngôn ngữ hoặc văn hóa, còn nhiều ngành không phù hợp.
Bộ GD&ĐT có sự điều tiết, để những chương trình đào tạo tiếng Anh, liên kết quốc tế mới được tuyển sinh dựa vào xét tuyển IELTS. Đơn vị này nên khống chế phần trăm chỉ tiêu từ chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và khuyến khích có chứng chỉ ngoại ngữ "made in Việt Nam", thầy Ngọc nói.
Để có được chứng chỉ ngoại ngữ trong nước, theo thầy Ngọc, Bộ GD&ĐT tạo cơ chế để một số đơn vị độc lập có thể tổ chức thi chứng chỉ này với chi phí vừa phải, nhằm tạo cơ hội tiếp cận cho nhiều đối tượng hơn.
Đặc biệt trong cơn cuồng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, theo thầy Ngọc, việc luyện thi IELTS đang lan xuống cả cấp phổ thông.
Nhiều học sinh mới 12 tuổi đã được tung hô khi có chứng chỉ IELTS, thậm chí cả lớp tiểu học cũng có lớp luyện thi IELTS.
Nhiều trường công lập đặt mục tiêu đầu ra chứng chỉ IELTS, buộc phụ huynh đóng tiền thêm để nhà trường liên kết với các đơn vị đào tạo ngoại ngữ…, điều này khiến việc học chứng chỉ này đang dần trở nên méo mó.