Dow Jones trượt trong sắc đỏ; Dầu hạ giá do lo ngại về thỏa thuận trần nợ của Mỹ

Chỉ số Dow Jones giảm điểm vào thứ Ba (30/5), khi Phố Wall xem xét khả năng Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận về việc nâng trần nợ của nước này.

Phố Wall cân nhắc thỏa thuận trần nợ

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 50.56 điểm, tương đương 0.15%, còn 33,042.78 điểm. Trong khi, chỉ số S&P 500 tiến 0.002% lên 4,205.52 điểm, sau khi trồi sụt liên tục trong phiên. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.32% lên 13,017.43 điểm, xóa bớt đà tăng sau khi tăng tới 1.4% hồi đầu phiên.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Kevin McCarthy, đã đạt được một thỏa thuận nâng trần nợ và tránh khỏi tình trạng vỡ nợ hồi cuối tuần qua, với việc Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua luật sớm nhất vào thứ Tư. Cần có sự ủng hộ của cả Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ để dự luật được đề xuất thông qua.

Thỏa thuận được đưa ra chỉ vài ngày trước ngày X, thời điểm sớm nhất mà Bộ Tài chính Mỹ báo hiệu rằng nước Mỹ có thể không thể thực hiện được các nghĩa vụ về nợ. Các cuộc đàm phán kéo dài giữa Nhà Trắng và các nhà lãnh đạo Quốc hội đã làm dấy lên mối lo ngại của nhà đầu tư rằng tình trạng vỡ nợ có thể xảy ra. Bất chấp thỏa thuận đạt được, những trở ngại vẫn còn đó trên lộ trình thông qua dự luật tại Hạ viện trong bối cảnh sự phản đối ngày càng tăng trong nội bộ Đảng Cộng hòa.

Lo ngại về khả năng nâng lãi suất thêm nữa cũng gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư. Nhà đầu tư hiện dự báo khả năng 68.8% Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng tới, theo công cụ FedWatch của CME Group.

Brian Price, Trưởng bộ phận quản lý đầu tư tạiCommonwealth Financial Network cho biết: “Fed vẫn là trọng tâm chú ý chính của tất cả nhà đầu tư. Đó thật sự là cuộc chiến giằng co giữa những gì Fed có thể làm: Liệu cơ quan này có định nâng lãi suất thêm 1 hoặc 2 lần nữa hay không, hay chỉ ngồi yên và chờ xem dữ liệu lạm phát sắp tới sẽ như thế nào trong vài tháng tiếp theo.”

Nasdaq Composite được hỗ trợ bởi đà tăng gần 3% của cổ phiếu Nvidia. Cổ phiếu Nvidia đã đạt mức vốn hóa thị trường 1 ngàn tỷ USD tại một thời điểm trong phiên ngày thứ Ba, khi cổ phiếu tiếp tục tăng sau báo cáo lợi nhuận mạnh mẽ công bố vào tuần trước.

Giá dầu sụt 4%

Khép phiên, dầu Brent hạ 4.58% xuống 73.54 USD/thùng. Dầu WTI mất 4.42% còn 69.46 USD/thùng. Không có mức chốt phiên vào ngày thứ Hai vì kỳ nghỉ lễ Chiến sĩ trận vong tại Mỹ.

Một số nhà lập pháp cứng rắn của Đảng Cộng hòa cho biết họ có thể phản đối thỏa thuận nâng trần nợ tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch hạ viện Mỹ Kevin McCarthy vẫn lạc quan rằng thỏa thuận sẽ được thông qua.

Ông Biden và ông McCarthy đã thống nhất một thỏa thuận vào cuối tuần qua và thỏa thuận này phải được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 05/06, ngày mà Bộ Tài chính Mỹ cho biết nước này sẽ không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình, điều này có thể làm gián đoạn thị trường tài chính.

Ủy ban Quy tắc của Hạ viện Mỹ sẽ xem xét dự luật dài 99 trang vào chiều ngày thứ Ba. Sau đó Hạ viện và Thượng viện sẽ bỏ phiếu về dự luật.

Thời hạn vỡ nợ gần trùng với cuộc họp ngày 04/06 của OPEC+. Các nhà đầu tư không chắc chắn về việc liệu nhóm này sẽ tăng cắt giảm sản lượng hay không khi giá dầu trượtdốc gây áp lực lên thị trường.

Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út, Abdulaziz bin Salman vào tuần trước đã cảnh báo những người bán khống rằng họ cần “coi chừng”. Đây là một tín hiệu cho thấy OPEC+ có thể cắt giảm thêm sản lượng.

Tuy nhiên, những nhận định từ các quan chức dầu mỏ của Nga, bao gồm Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, cho thấy rằng quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới đang nghiêng về việc giữ sản lượng không đổi.

Vào tháng 4/2023, Ả-rập Xê-út và các thành viên OPEC+ đã thông báo cắt giảm sản lượng dầu thêm 1.2 triệu thùng/ngày, nâng tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ lên 3.66 triệu thùng/ngày, theo tin từ Reuters.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/dow-jones-truot-trong-sac-do-dau-ha-gia-do-lo-ngai-ve-thoa-thuan-tran-no-cua-my-post105110.html