Dragon Capital: Thị trường Việt Nam chịu áp lực rút vốn, kỳ vọng nội lực từ khu vực tư nhân
Dragon Capital đánh giá nền kinh tế trong nước vẫn giữ được nền tảng ổn định, với động lực tăng trưởng nội địa đến từ tiêu dùng và khu vực kinh tế tư nhân.
Trong phân tích mới đây, Dragon Capital đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua tháng 4 đầy biến động, khi chỉ số VN-Index giảm 6,2% so với tháng trước.
Mặc dù hệ thống giao dịch mới (KRX) chính thức vận hành từ đầu tháng 5, tâm lý nhà đầu tư vẫn chịu áp lực từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Trong tháng 4, khối ngoại rút ròng tới 562 triệu USD khỏi thị trường.
Dữ liệu quý I từ nhóm 80 cổ phiếu vốn hóa lớn (do Dragon Capital lựa chọn) cho thấy bức tranh lợi nhuận phân hóa rõ rệt. Lợi nhuận sau thuế điều chỉnh theo tỷ trọng cổ phiếu tự do lưu hành tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Ngành ngân hàng tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng nhờ tín dụng tăng, dù biên lãi thuần có thu hẹp. Bất động sản dân cư và bán lẻ ghi nhận kết quả khả quan, phản ánh nhu cầu nội địa phục hồi tích cực. Ngược lại, nhóm sản xuất và hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn gặp khó do áp lực chi phí và xuất khẩu chậm lại.

(Nguồn: Dragon Capital).
Về mặt vĩ mô, các chỉ số kinh tế của Việt Nam trong 30 ngày đầu sau khi Mỹ công bố thuế quan đối ứng chưa ghi nhận biến động lớn. Tăng trưởng cơ bản vẫn giữ đà ổn định.
Chỉ số Sản xuất Công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 8,9% so với cùng kỳ, nhờ mức tăng mạnh 10,1% của ngành chế biến – chế tạo. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 11,1% trong tháng 4 và 9,9% trong 4 tháng đầu năm, vượt mức 8,6% cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, một số tín hiệu tiêu cực đã xuất hiện. Chỉ số PMI tháng 4 giảm mạnh xuống 45,6 điểm từ mức 50,5 của tháng 3, phản ánh sự thu hẹp sản xuất do đơn hàng và sản lượng suy giảm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường giao hàng sớm để tránh rủi ro gián đoạn, khiến kim ngạch thương mại tăng mạnh ngắn hạn: xuất khẩu tháng 4 tăng 19,1%, nhập khẩu tăng 18,1%. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu 5 tỷ USD. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 43,3 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động, Việt Nam đang thúc đẩy tăng trưởng nội địa thông qua khu vực kinh tế tư nhân.
Nhà quản lý quỹ nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của khu vực này, hiện chiếm khoảng 50% GDP và sử dụng hơn 80% lực lượng lao động. Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động, tăng tỷ lệ đóng góp vào GDP lên 55–58% và tỷ trọng việc làm lên 84–85%.
Nghị quyết cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ: phi hình sự hóa vi phạm dân sự – kinh tế, bảo vệ quyền sở hữu tài sản, ưu đãi thuế cho R&D, cắt giảm thuế, phí và mở rộng tín dụng.
Dragon Capital cho rằng hiệu quả của nghị quyết sẽ phụ thuộc vào quá trình thực thi và mức độ hấp thụ chính sách từ khu vực tư nhân – yếu tố có thể trở thành động lực tăng trưởng ổn định hơn trong bối cảnh thế giới đầy bất định.