Drone và AI giúp Ethiopia 'vẽ lại' bức tranh phát triển nông nghiệp
Với hơn 40 tỷ cây xanh được trồng và thành tựu lớn trong sản xuất lúa mì, Ethiopia không chỉ tự chủ lương thực mà còn tạo ra một cuộc cách mạng xanh đầy hứa hẹn. Câu chuyện chuyển mình của quốc gia Đông Phi này là nguồn cảm hứng cho nhiều nước đang phát triển.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực diễn ra trên toàn cầu, Ethiopia đang nổi lên như một hình mẫu điển hình về việc ứng phó với những thách thức này thông qua những sáng kiến nông nghiệp sáng tạo và bền vững. Từ việc áp dụng công nghệ cao như drone và trí tuệ nhân tạo (AI) đến việc khôi phục hệ sinh thái qua chương trình trồng cây quy mô lớn, quốc gia Đông Phi này đang từng bước cải thiện không chỉ năng suất nông nghiệp mà còn chất lượng cuộc sống cho người dân.
Nhân dịp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh P4G tại Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp Ethiopia Girma Amente đã chia sẻ những thành tựu này và những chiến lược nhằm hướng tới một hệ thống lương thực toàn cầu bền vững, góp phần giải quyết vấn đề an ninh lương thực và biến đổi khí hậu.

Người nông dân Ethiopia. Ảnh: icarda
Kết hợp công nghệ drone và AI
Theo Bộ trưởng Ibada Bate, Ethiopia đang trong quá trình thực hiện một lộ trình toàn diện nhằm tái cấu trúc hệ thống lương thực và dinh dưỡng. Trên cơ sở đó, 24 giải pháp đổi mới đã được xác định để xử lý các điểm nghẽn trong toàn bộ chuỗi giá trị. Đáng chú ý, 80% các sáng kiến quốc gia hiện nay đã được điều chỉnh phù hợp với chiến lược này.
Một trong những điểm sáng là việc tích hợp chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp và hành động khí hậu. Ethiopia đang đẩy mạnh mô hình nông nghiệp thông minh với khí hậu, kết hợp các công nghệ tiên tiến như drone và trí tuệ nhân tạo (AI) vào sản xuất nông nghiệp. Công nghệ này giúp giám sát mùa vụ, phát hiện sâu bệnh, từ đó cải thiện năng suất và giảm tổn thất.
Không chỉ dừng lại ở ứng dụng, Ethiopia còn chủ động đầu tư sản xuất thiết bị trong nước. Nhà máy chế tạo máy bay không người lái đã được khánh thành, mở ra triển vọng lớn trong việc cơ giới hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, đồng thời tạo thêm việc làm và thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ.
Để mở rộng quy mô áp dụng công nghệ, chính phủ cũng đã ban hành chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu cho thiết bị nông nghiệp, đồng thời thành lập các trung tâm dịch vụ kỹ thuật và đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng lao động trong ngành.
Song song với đó là Sáng kiến Di sản Xanh - chương trình trồng rừng quy mô lớn do Thủ tướng Abiy Ahmed khởi xướng từ năm 2019. Tính đến nay, hơn 40 tỷ cây đã được trồng với mục tiêu đạt mốc 50 tỷ cây trong vài năm tới. Đây là một trong những chương trình trồng rừng lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong phục hồi hệ sinh thái, cải thiện môi trường và tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ethiopia Girma Amente (Ảnh: Tùng Đinh)
Tự chủ lương thực
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu chịu nhiều gián đoạn, Ethiopia đã có những bước tiến đáng kể trong đảm bảo an ninh lương thực. Một trong những thành công lớn nhất là đạt được tự chủ lúa mì - loại lương thực chủ lực - và trở thành quốc gia sản xuất lúa mì lớn nhất châu Phi. Kết quả này có được nhờ ứng dụng mô hình tưới tiêu linh hoạt, tận dụng tốt cả mùa mưa và mùa khô tại các vùng trung du, cao nguyên.
Bên cạnh đó, Ethiopia cũng đang triển khai sáng kiến “Sự Dồi Dào trong Giỏ Hàng”, nhằm phát triển các nguồn protein từ động vật như sữa, thịt, thủy sản, mật ong và gia cầm. Chương trình hướng tới việc tăng sản lượng, đa dạng hóa thực phẩm và đảm bảo an ninh dinh dưỡng từ cấp hộ gia đình tới quy mô quốc gia.
Đặc biệt, sáng kiến này cũng góp phần vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong ngành chăn nuôi thông qua các giải pháp thích ứng khí hậu. Nhờ đó, nông dân quy mô nhỏ - đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu - được hỗ trợ nâng cao sinh kế, đồng thời cải thiện khả năng chống chịu trước các rủi ro thiên tai, thời tiết cực đoan.
Từ thành công trong sản xuất lúa mì đến phát triển chăn nuôi bền vững, Ethiopia không chỉ giải quyết vấn đề an ninh lương thực trong nước mà còn hướng tới mục tiêu xuất khẩu, giảm phụ thuộc nhập khẩu và tạo thêm nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế.
“Hành trình hướng tới một tương lai bền vững đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện - từ sản xuất đến tiêu dùng, từ chính sách đến hành động. Các quốc gia cần hợp tác, đầu tư vào công nghệ, chia sẻ sáng kiến và cùng nhau xây dựng một hệ thống lương thực bền vững, không chỉ phục vụ cho thế hệ hôm nay mà còn cho cả các thế hệ mai sau”, Bộ trưởng Ibada Bate khẳng định.
Từ đổi mới công nghệ, thích ứng khí hậu cho tới các sáng kiến quốc gia quy mô lớn, hành trình của Ethiopia là minh chứng cho một cách tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa quyết tâm chính trị, sáng tạo và sự vào cuộc của cả cộng đồng.