ĐS Ngô Quang Xuân: VN đã vận động 10 năm để có ngày vào HĐBA hôm nay
Đại sứ Ngô Quang Xuân nói vào Hội đồng Bảo an là nhờ sự bền bỉ, khéo léo của rất nhiều người, và các nhà ngoại giao VN sẽ 'cố gắng' để làm tốt khối công việc lớn trong HĐBA.
Sau phiên bỏ phiếu tại New York lúc 10h ngày 7/6 (giờ địa phương), khán phòng Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tràn ngập tiếng vỗ tay chúc mừng Việt Nam.
Việt Nam nhận được 192 phiếu ủng hộ (trên tổng số 193 phiếu) và đắc cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gọi đây là “vinh dự lớn lao” đến với Việt Nam 10 năm sau nhiệm kỳ đầu tiên trong Hội đồng Bảo an (HĐBA) năm 2008-2009.
Trong cuộc phỏng vấn với Zing.vn, Đại sứ Ngô Quang Xuân chia sẻ hành trình vận động vào HĐBA của Việt Nam nhiệm kỳ trước đòi hỏi sự bền bỉ, khéo léo của nhiều nhà ngoại giao Việt Nam ở mọi kênh.
Với hơn 10 năm làm trưởng phái đoàn tại LHQ ở cả New York lẫn Geneva, và trực tiếp đàm phán, góp phần giúp Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, ông nói về sự cố gắng rất lớn từ các đại diện của Việt Nam tại HĐBA, trong các cuộc họp thâu đêm, để đất nước có tiếng nói đúng đắn nhất khi mang trên vai trọng trách giải quyết xung đột trên thế giới.
Sau 7 năm công tác ở New York, ông là Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại LHQ và các tổ chức quốc tế tại Geneva từ năm 2002-2008.
- Đại sứ có cảm nghĩ ra sao sau khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021?
- Tôi vui và tự hào vì ngoại giao đa phương của Việt Nam đã lên đến tầm cao. Có thể nói trong hoạt động ngoại giao đa phương, trở thành thành viên HĐBA LHQ có tầm quan trọng bậc nhất.
Đây là nhiệm kỳ không đơn giản vì quan hệ quốc tế ngày nay rất phức tạp. Nhiệm kỳ kéo dài hai năm, nhưng khối lượng công việc trong HĐBA thì nhiều ghê gớm.
- Việt Nam đã nhận được 192/193 phiếu tại Đại hội đồng LHQ trong phiên bỏ phiếu. Chúng ta đã làm thế nào để có nhiều phiếu ủng hộ vậy?
- Chúng ta vận động tổng lực, ở nhiều cấp, nhiều địa bàn. Vận động tại trụ sở Liên Hợp Quốc có vai trò rất quan trọng.
Trong nhiệm kỳ của tôi, từ năm 1997, chúng tôi đã chủ động đề xuất chủ trương để Việt Nam tham gia HĐBA, và phái đoàn ta bắt đầu "xếp hàng gạch" - chúng tôi hay nói vui như vậy - và vận động để rồi đợi đến tận năm 2007 người ta bầu mình vào nhiệm kỳ 2008-2009. Một cuộc xếp hàng tới 10 năm. Còn nhớ thời đó, năm 1999, nhóm châu Á - Thái Bình Dương họp và đồng ý Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của nhóm cho nhiệm kỳ 2008-2009.
Ngay sau khi hoàn thành nhiệm kỳ đó, chúng ta đã bắt đầu “xếp gạch” và vận động để Việt Nam có nhiệm kỳ lần thứ hai trong HĐBA.
- Trước nhiệm kỳ 2008-2009, chúng ta đã vận động thế nào để trở thành ứng viên duy nhất?
- Mình đã phải vận động thuyết phục nhiều, ở mọi cấp mọi nơi. Khi tôi làm đại sứ, Việt Nam chọn năm 2008-2009, vì trên lịch trình, năm đó còn trống. Sau khi “nhà” quyết định chủ trương, ta đã làm công hàm chính thức và chúng tôi đã bắt đầu tiếp cận với nước Chủ tịch nhóm châu Á - Thái Bình Dương hàng tháng về mong muốn của ta được đề cử vào HĐBA, và phải vận động họ để khi ra cuộc họp, nhóm châu Á - Thái Bình Dương sẽ chốt cho Việt Nam là ứng viên duy nhất.
Vì một số nước Chủ tịch nhóm có thể còn phân vân, do chưa biết còn nước khác đăng ký hay không. Chúng tôi đã tiếp tục vận động các nước châu Á – Thái Bình Dương. Nếu nghe rằng một nước nào đó cũng có ý định ứng cử cho cùng nhiệm kỳ, tôi đến gặp đại sứ họ, nói rằng Việt Nam đang có ưu tiên này, liệu các bạn có thể tránh năm đó ra. Là việc đại sự, họ phải báo về chính phủ, xem chính phủ có ủng hộ không.
Cũng như khi họ vận động phái đoàn LHQ của mình về vấn đề gì quan trọng, đại sứ mình ở LHQ cũng cần phải báo cáo về xin ý kiến nhà, trước khi cam kết với họ.
- Việc vận động các nước diễn ra cụ thể như thế nào?
- Nói là vận động hành lang không có nghĩa đứng ở hành lang để nói chuyện, mà có thể là gặp rất chính thức, mình đến gặp đại sứ người ta hoặc mời đại sứ người ta đến. Có thể là gặp trao đổi câu chuyện, hoặc cà phê, ăn sáng, trưa hoặc tối. Tất nhiên cũng có lúc đứng ở hành lang nói chuyện (cười) - như họp bên trong rồi ra gặp những bạn bè thân tình bảo “tớ có chuyện này, cậu ủng hộ tớ… cậu có chuyện gì cần ủng hộ không?”
Quan hệ cá nhân giữa các đại sứ rất quan trọng. Nếu có quan hệ cá nhân tốt, sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ nhau, nói người ta mới tin. Nếu quan hệ sơ sơ thì nói người ta chẳng tin. Vì vậy cần cái uy tín, độ tin cậy cao.
Trong ngoại giao chúng tôi thường nói "không có bữa trưa miễn phí" (there's no free lunch), ngay cả bữa sáng (cười), tức luôn có đi có lại. Nếu người ta mời bạn, yêu cầu gặp bạn, chắc có chuyện gì rồi. Khi mời, tôi có thể nói với họ: "Tôi muốn mời ông đến để nói về ứng cử HĐBA". Nếu họ nhận lời đến, chắc họ sẽ ủng hộ. Nếu họ bảo "tôi bận rồi ông đại sứ ạ!" rồi lấy hàng vạn lý do mà không đến, có lẽ họ chưa ủng hộ mình.
Tôi giải thích Việt Nam muốn đóng góp vào LHQ, với kinh nghiệm và khả năng đã có, vì lợi ích của khu vực và thế giới. Lúc đó, đối với những nước chưa hiểu nhiều về Việt Nam, tôi phải tìm cách tiếp cận, giải thích và vận động họ nhiều hơn.
Ngoài ra, khi các đoàn cấp cao các nước đến Việt Nam hoặc các đoàn ta đi thăm các nước, lãnh đạo mình đều đề nghị phía bạn ủng hộ Việt Nam ứng cử vào HĐBA. Nước nào chưa ủng hộ thì mình sẽ tiếp tục vận động ở mọi nơi, nhiều nhất là ở LHQ. Đại sứ mình ở các nước cũng gặp các chủ nhà để vận động.
- Những năm 1990 khi ông làm đại sứ ở LHQ là thời kỳ Mỹ vừa mới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Phái đoàn mình bên đó có bị Mỹ hạn chế khi muốn đi ra khỏi New York?
- Đấy là thời trước nữa, thời tôi ở đó đã hết hạn chế này rồi. Trong thời kỳ đầu ở LHQ, phái đoàn Việt Nam nằm trong số những phái đoàn bị chính quyền Mỹ hạn chế đi lại. Với một số nước, họ không cho rời khỏi Manhattan quá 25 dặm (40 km). Nếu đi họp hội nghị chính thức, gặp gỡ các trường đại học, gặp gỡ bà con Việt kiều ngoài khoảng cách đó, phải thông báo với phía Mỹ.
Chúng tôi còn có câu chuyện nói đùa với nhau. Có lần đại sứ và cán bộ ngoại giao mình rời khỏi phái đoàn đi thăm một gia đình Việt kiều, tất nhiên đã báo cho người ta. Nhưng khi đi cứ bị lạc, vào ngõ này ra ngõ kia, vào đường này ra đường kia (cười). Lái xe cũng mệt chứ. Thế rồi có cái xe vượt lên trước, bảo "các ông đi theo tôi, tôi dẫn đi" - tức những người theo dõi mình đấy!
Họ bảo "theo các ông, chúng tôi mệt quá, chúng tôi biết các ông đi đâu rồi". Đó là câu chuyện đùa truyền miệng nhau của phái đoàn. Nó vừa thật, và vừa không thật, nhưng nó nói lên tính chất của thời kỳ đó. Sau đó xe mình đến nơi rất nhanh, không bị lạc nữa.
- Nhiều ý kiến nói trong nhiệm kỳ HĐBA tới, Việt Nam sẽ có năng lực tốt hơn so với năm 2008-2009?
- Thứ nhất, về kiến thức và kinh nghiệm, chúng ta mạnh hơn nhiệm kỳ trước, và hiểu biết hơn về tính chất phức tạp của HĐBA. Trong 10 năm qua, dù không phải thành viên HĐBA, chúng ta vẫn tham gia hoạt động của HĐBA như một thành viên của LHQ. Kiến thức đã được tích lũy hơn nhiều. Trong nhiệm kỳ trước, chúng ta đã tham gia đến khoảng 1.500 cuộc họp của HĐBA, từ khâu tham gia ý kiến, thương lượng, đóng góp xây dựng các nghị quyết, văn kiện. Chúng ta cũng có hai tháng, hai lần làm Chủ tịch luân phiên của HĐBA.
Thuận lợi thứ hai là về cơ chế: thế giới thấy cam kết chính trị từ cấp cao nhất của Đảng và Chính phủ. Cơ chế phối hợp để hoạt động thuận lợi, nhận thức chung về tầm quan trọng của HĐBA đã được nâng cao hơn nhiều.
Nhân sự của chúng ta được đào tạo cơ bản và từng được trải nghiệm hoạt động thực tiễn. Hiện trong phái đoàn mình tại LHQ, cũng có những cán bộ đã công tác 10 năm trước đây.
Cả ba yếu tố cơ bản này đều hơn hẳn nhiệm kỳ trước, do vậy tôi tin Việt Nam sẽ làm tốt hơn.
- Một dấu ấn của Việt Nam nhiệm kỳ 2008-2009 là việc làm đồng tác giả nghị quyết 1889 về bảo vệ phụ nữ và trẻ em sau xung đột, được HĐBA thông qua tháng 10/2009 khi Việt Nam làm Chủ tịch. Xây dựng nghị quyết thông qua ở HĐBA chắc không dễ dàng?
- Nghị quyết cần 2/3 số phiếu để thông qua, trong đó không nước nào trong 5 nước ủy viên thường trực bỏ phiếu phủ quyết (veto). Chúng ta phải cân nhắc và thăm dò vận động trước xem nếu đưa ra một vấn đề, liệu có ai phản đối không. Nếu gặp phải phản đối nhiều coi như nghị quyết có thể bị “chết yểu” ngay từ đầu.
Mình phải đánh giá, tìm hiểu Hiến chương LHQ, và kinh nghiệm hoạt động của HĐBA Liên Hợp Quốc trong tất cả mọi lĩnh vực, nhất là liên quan đến nghị quyết mình sắp đề xuất.
Còn về nội dung, nghị quyết phải phù hợp với thời cuộc, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của HĐBA. Cần nắm rõ tình hình về địa chính trị của khu vực và thế giới, mục tiêu của nghị quyết phải đúng và rõ ràng, và khả năng thực hiện phải mang tính khả thi cao. Có như vậy kết quả sẽ được đảm bảo.
- Ngoài họp công khai để bỏ phiếu các nghị quyết, các cuộc trao đổi, thương thảo trước khi HĐBA đi đến quyết định diễn ra như thế nào?
- HĐBA là cơ quan độc nhất vô nhị của LHQ, họp ngày họp đêm. Các cơ quan khác của LHQ khi cần lắm mới họp như vậy, nhưng không nhiều.
HĐBA có nhiều hình thức tham vấn, tham khảo ý kiến. Có thể đó là nội bộ từng nhóm, rồi riêng của 15 nước thành viên, cũng là một cuộc tụ tập, nhưng không phải cuộc họp chính thức, mà là để tham khảo ý kiến - có thể không tham gia. Còn họp chính thức là bắt buộc 15 thành viên phải tham gia. Nhưng thường thì tham vấn, tham khảo cũng không ai bỏ.
Kết quả của các cuộc tham vấn, tham khảo luôn là những cơ sở quan trọng cho những quyết định, nghị quyết của HĐBA.
- Với khối lượng công việc lớn, và số lượng họp hành, tham vấn nhiều như vậy trong HĐBA, Việt Nam sẽ chọn lựa tham gia những vấn đề nào?
- Điều đó phụ thuộc lợi ích, mối quan tâm của mình, của khu vực, của cả cộng đồng thế giới. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đều có quan hệ tốt với cả Palestine và Israel, có những quan hệ mang tính truyền thống.
Nói chung đã vào HĐBA, chúng ta phải tham gia tất cả mọi vấn đề. Tất nhiên vấn đề nào quan tâm nhiều hơn, chúng ta đầu tư nhiều hơn, nhất là những vấn đề liên quan lợi ích quốc gia.
- Là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam có thể thúc đẩy được vấn đề gì của ASEAN qua HĐBA?
- Việc kết hợp vai trò ủy viên không thường trực HĐBA và vai trò Chủ tịch ASEAN là rất quan trọng. Chúng ta cố gắng tối đa để bảo vệ lợi ích của ASEAN trong khuôn khổ HĐBA. Chẳng hạn khu vực Biển Đông là một điểm nóng, thậm chí rất nóng, gắn với hầu hết nước thành viên ASEAN.
Chúng ta làm sao để hoạt động của ASEAN phù hợp với chức năng, sứ mệnh của HĐBA, nếu có sự phù hợp đó thì ASEAN sẽ được bảo vệ tốt hơn trong nhiều mặt, từ an ninh của khu vực, an toàn giao thông hàng hải ở trên Biển Đông, đến vấn đề chủ quyền quốc gia của các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
- Đại sứ có nói nhiệm kỳ 2020-2021 sẽ chứa đựng những thách thức đối với Việt Nam. Ông có thể phân tích thêm?
- Ngày nay mâu thuẫn trong 5 nước thường trực rất phức tạp. Quan hệ Mỹ - Nga không tốt sau khi Mỹ cấm vận Nga, triển khai tên lửa chiến lược dọc biên giới Nga, và cáo buộc Nga can thiệp bầu cử - một loạt vấn đề làm cho quan hệ Mỹ - Nga khác 10 năm trước rất nhiều.
Với Mỹ - Trung, không chỉ có chiến tranh thương mại đang căng như dây đàn, còn có việc Trung Quốc hiện diện, quân sự hóa Biển Đông, gây mâu thuẫn với vai trò nước lớn của Mỹ trong khu vực, đe dọa an ninh khu vực.
Chủ nghĩa đa phương đang bị xem thường, lấn át bởi tư tưởng dân túy. Người ta chỉ nghĩ đến người ta, không nghĩ đến thế giới. Xung đột các nơi có nguy cơ trở lại, vì các lực lượng giao tranh vẫn còn nguyên, như ở miền Nam châu Phi và một số khu vực khác nữa.
Thách thức nữa của Việt Nam là vấn đề nhân lực. Nhân lực phái đoàn các nước lớn tại LHQ có hàng trăm người, mình nhiệm kỳ trước chẳng hạn chỉ có khoảng dưới 30 người, mà HĐBA, LHQ hàng tỷ thứ chuyện. Nhân lực từng ấy, vẫn phải tham gia sâu sắc hết mọi vấn đề. Mỗi cá nhân phải làm việc gấp 3-5 lần. Thường thì các nước khi vào HĐBA sẽ bổ sung thêm nhiều nhân sự từ thủ đô sang, Việt Nam mình thuộc loại ít, nên đảm đương hết công việc một cách hiệu quả là một cố gắng rất kinh khủng.
- Cải cách phương pháp làm việc của HĐBA cũng nằm trong các ưu tiên mà Việt Nam đã đưa ra cho nhiệm kỳ tới. Ông có thể giải thích thêm về vấn đề này?
- Chúng ta có thể đề xuất các cơ chế cải tổ, chẳng hạn như biết đâu việc thức ngày, thức đêm họp hành thế không phải là tốt? Hay là phân loại vấn đề ra? Có những tham vấn thành công, cũng có những tham vấn không thành công. Đây cũng là chuyện bình thường nhưng cũng nên có thêm nghiên cứu, tính toán.
Cải tổ HĐBA là một đề mục đồ sộ của hoạt động LHQ. Thời tôi tham gia suốt 7 năm ở LHQ, có lúc Việt Nam được cử là Phó chủ tịch Đại hội đồng LHQ, có lúc là Quyền chủ tịch. Khoảng năm 1998-1999, chúng tôi đã đồng tổ chức những tham khảo về cải tổ HĐBA.
Vấn đề lớn nhất trong cải tổ HĐBA là quyền bình đẳng. Quyền phủ quyết của 5 nước thường trực có xem xét lại không? Ngoài 5 nước thường trực, hầu hết muốn xem lại. 193 nước trừ đi 5 nước còn 188 nước muốn bỏ cái đặc quyền đấy đi. Nhưng bây giờ đưa nghị quyết, 5 nước họ phủ quyết là thôi sẽ không có nghị quyết.
Hơn nữa, nếu không bỏ được quyền phủ quyết, thì cử thêm các thành viên thường trực, ví dụ ở châu Á có Nhật và Ấn Độ, ở Nam Mỹ có Brazil, ở châu Phi có Nam Phi - những nước có tỷ trọng lớn về mọi mặt trong đời sống quốc tế.
Nhật Bản, Ấn Độ sao không ngang ngửa Anh, Pháp? Ngoài ra còn bàn về sửa đổi quy chế chung của 15 thành viên... Nhưng mấy chục năm rồi, những đề xuất cải tổ HĐBA vẫn ở trên bàn giấy. Hàng năm, Đại hội đồng LHQ bao giờ cũng có mục "cải tổ HĐBA”.