Dư âm Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIIIHành động quyết liệt để hiện thực hóa các định hướng lớn của Trung ương
TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, kỳ vọng sau Hội nghị Trung ương 12 sẽ mở ra giai đoạn đổi mới thực chất cả về tư duy lẫn hành động trong toàn hệ thống chính trị; các định hướng lớn, đặc biệt là về sửa đổi thể chế, đất đai, quy hoạch và vận hành bộ máy, sẽ được cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời.
Gỡ nút thắt thể chế, mở rộng không gian phát triển
- Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII vừa bế mạc, theo ông, điểm nhấn quan trọng của Hội nghị là gì?
- Hội nghị Trung ương 12 đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình chuẩn bị Đại hội của Đảng. Với tinh thần tiếp tục đổi mới, Trung ương đã quyết định tích hợp nội dung 3 văn kiện Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo Tổng kết xây dựng Đảng thành 1 văn kiện là Báo cáo chính trị để trình Đại hội XIV của Đảng. Đây không chỉ là đổi mới về hình thức trình bày, mà còn thể hiện cách tiếp cận toàn diện, gắn kết giữa nhiệm vụ xây dựng Đảng với phát triển kinh tế - xã hội, nhằm bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ trong chỉ đạo và hành động.

Quan trọng hơn, Hội nghị đã đánh dấu sự chuyển đổi từ trạng thái “vừa chạy vừa xếp hàng” sang “hàng thẳng, lối thông, đồng lòng cùng tiến”; mở ra một giai đoạn phát triển hài hòa, gắn kết giữa Trung ương và địa phương, giữa các ngành và vùng, khai thác tối đa tiềm năng của quốc gia. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho tư duy và hành động, đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới.
Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với những nhiệm vụ, giải pháp lớn cần triển khai thực hiện ngay sau hội nghị mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu trong bài phát biểu bế mạc.
- Trung ương đã cho ý kiến về việc sửa đổi các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương nhằm tạo cơ sở chính trị để tháo gỡ các điểm nghẽn pháp lý, thúc đẩy phát triển trong giai đoạn mới. Trong đó, chính sách, pháp luật về đất đai và quy hoạch tiếp tục được đặt ở vị trí trọng tâm; ông đánh giá thế nào về ưu tiên này?
- Việc Trung ương xác định sửa đổi các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, trong đó đặt chính sách, pháp luật về đất đai và quy hoạch ở vị trí trọng tâm là hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. Đây là hai lĩnh vực then chốt, có tính nền tảng đối với sự phát triển ổn định, lâu dài của đất nước.
Thực tiễn thi hành Luật Đất đai năm 2024 cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế, bất cập như cơ chế xác định giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa phù hợp với chủ trương tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp; chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cũng ảnh hưởng lớn đến toàn bộ các quy hoạch của hệ thống quy hoạch quốc gia. Do sáp nhập về đơn vị hành chính cấp tỉnh, nên có sự thay đổi về tên gọi, phạm vi, ranh giới quy hoạch, các định hướng phát triển, tổ chức không gian phát triển... đã được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Bên cạnh đó, với các địa phương có sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, sẽ tồn tại 2 hoặc 3 quy hoạch tỉnh trong cùng một địa phương sau sáp nhập.
Do đó, Trung ương ưu tiên sửa đổi các chính sách, pháp luật về đất đai và quy hoạch không chỉ là yêu cầu cấp thiết về mặt thể chế, mà còn là nền tảng để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

Ảnh minh họa
Tinh thần đổi mới phải lan tỏa từ Trung ương đến địa phương
- Cũng tại hội nghị, Trung ương đánh giá mô hình chính quyền địa phương hai cấp cơ bản vận hành tốt, người dân bày tỏ đồng tình và kỳ vọng mô hình mới sẽ hiệu quả hơn; đồng thời, Trung ương đưa ra những lưu ý quan trọng để bộ máy mới tiếp tục vận hành hiệu quả - điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
- Chúng ta thấy rằng, Trung ương đã đưa ra 4 lưu ý quan trọng, đó là cần tiếp tục hoàn thiện các quy định hướng dẫn, xây dựng quy trình nghiệp vụ liên thông; kịp thời điều chỉnh những bất cập trong phân công, phân cấp nhiệm vụ. Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là ở cấp xã; và tăng cường giám sát, kiểm tra, đánh giá định kỳ hiệu quả vận hành của mô hình.
Đây chính là “bốn chân kiềng” bảo đảm mô hình chính quyền địa phương hai cấp vận hành thông suốt, ổn định, và hiệu quả.
Trước hết, yêu cầu tiếp tục hoàn thiện các quy định hướng dẫn và xây dựng quy trình nghiệp vụ liên thông là để tháo gỡ những “nút thắt” kỹ thuật trong hoạt động của bộ máy hành chính - từ đó bảo đảm tính thông suốt, thống nhất và phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành. Điều này đặc biệt quan trọng khi nhiều địa phương mới được sáp nhập, chưa định hình rõ quy chế vận hành phù hợp với thực tiễn mới.
Thứ hai, việc điều chỉnh kịp thời những bất cập trong phân công, phân cấp nhiệm vụ là nhằm tránh chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm giữa các cấp chính quyền, giúp tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đồng thời nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ở cấp xã - nơi gần dân, sát dân nhất - là yếu tố then chốt. Mô hình tổ chức dù hợp lý đến đâu cũng không thể vận hành hiệu quả nếu thiếu đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, kỹ năng điều hành trong bối cảnh chuyển đổi số, cải cách hành chính và hội nhập sâu rộng.
Cuối cùng, cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá định kỳ là “chốt chặn” để phát hiện và điều chỉnh kịp thời những vấn đề nảy sinh, không để mô hình chỉ vận hành tốt trên lý thuyết mà phải thực sự hiệu quả trong thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
- Ông kỳ vọng điều gì sau Hội nghị Trung ương 12?
- Tôi kỳ vọng sau Hội nghị Trung ương 12 sẽ mở ra một giai đoạn đổi mới thực chất cả về tư duy lẫn hành động trong toàn hệ thống chính trị. Các định hướng lớn, đặc biệt là về sửa đổi thể chế, đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy, sẽ sớm được cụ thể hóa. Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cần tiếp tục được hoàn thiện, nhất là về phân cấp, cơ chế phối hợp, chất lượng cán bộ xã.
Quan trọng nhất, tinh thần đổi mới phải lan tỏa từ Trung ương đến địa phương, từ tư duy đến hành động. Khi đó, những quyết sách lớn mới thực sự đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ rệt, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và yêu cầu phát triển đất nước.
- Xin cảm ơn ông!