Dự án 500 tỷ đồng mở rộng quốc lộ 46: Người dân kiến nghị gì về đền bù?

Trong buổi đầu tiên họp với người dân về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 46, đa phần người dân đều đồng tình ủng hộ.

Sáng nay (10/10), Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) huyện Nam Đàn, Nghệ An phối hợp với Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) và chính quyền xã Xuân Hòa tổ chức họp, lấy ý kiến gần 100 hộ dân ở địa phương có đất, tài sản bị ảnh hưởng khi thực hiện Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 46.

Đại diện Hội đồng GPMB huyện Nam Đàn lắng nghe và giải đáp các kiến nghị, thắc mắc của người dân.

Đại diện Hội đồng GPMB huyện Nam Đàn lắng nghe và giải đáp các kiến nghị, thắc mắc của người dân.

Tại buổi làm việc, Hội đồng GPMB huyện Nam Đàn, Ban QLDA 85 đã giới thiệu cho người dân thông tin về quy mô của dự án, phạm vi hướng tuyến, diện tích phải thu hồi đất, cũng như số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đồng thời, đưa ra các căn cứ, quy định, trình tự pháp luật để Hội đồng GPMB thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ GPMB.

Khi thảo luận, đã có 3 người dân đại diện cho gần 100 hộ dân có đất bị ảnh hưởng ở xã Xuân Hòa nêu ý kiến. Trong đó, cả 3 người đều hoàn toàn ủng hộ chủ trương mở đường và mong muốn dự án sớm hoàn thành để người dân đi lại thuận tiện, an toàn.

Tuy nhiên, các hộ này cũng giống như đa số các hộ có đất ở dự kiến bị thu hồi đều sống, kinh doanh buôn bán bám theo mặt đường quốc lộ 46. Vì vậy, quá trình thi công các hộ đề nghị Nhà nước, Hội đồng GPMB có thêm cơ chế hỗ trợ khoảng thời gian bị gián đoạn kinh doanh.

Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 46 sẽ giúp xóa đi điểm nghẽn giao thông và tăng cường khả năng kết nối du lịch từ thành phố Vinh lên quê Bác và các khu di tích lịch sử.

Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 46 sẽ giúp xóa đi điểm nghẽn giao thông và tăng cường khả năng kết nối du lịch từ thành phố Vinh lên quê Bác và các khu di tích lịch sử.

Ngoài ra, các hộ cho rằng, giá đất ở xã Xuân Hòa, xét theo khu vực huyện Nam Đàn, là đất có giá trị cao nhất trong 6 địa phương tuyến đường đi qua. Vì thế, người dân mong muốn được đền bù sao cho sát với giá thị trường. Đồng thời, người dân cũng mong muốn tỉnh Nghệ An cho điều chỉnh mức giá đền bù đất nông nghiệp hướng tăng lên cho phù hợp với thực tế, bởi mức giá đang áp dụng đã 10 năm không thay đổi.

Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, ông Nguyễn Nhân Đàm, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Nam Đàn, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng GPMB huyện, cho biết: Những kiến nghị của người dân trong các cuộc họp đều được hội đồng ghi nhận và xem xét một cách kỹ lưỡng. Căn cứ theo các quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ áp dụng những gì có lợi nhất cho người dân. Trong trường hợp vượt thẩm quyền, hội đồng sẽ báo cáo lên tỉnh để có phương án giải quyết phù hợp.

“Dự án có chiều dài 10km, đi qua 5 xã, 1 thị trấn với với 654 hộ bị ảnh hưởng. Trong đó, có đất ở của 520 hộ và 134 thửa đất nông nghiệp. Ngoài ra, còn có các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất của 20 tổ chức khác nhau. Để sớm có mặt bằng triển khai dự án, chúng tôi mong sẽ nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự đồng thuận cao từ quần chúng nhân dân”, ông Đàm nói.

Về tiến độ triển khai dự án, một cán bộ thuộc Ban Quản lý dự án 85 (đại diện chủ đầu tư) cho biết: Ngoài phần GPMB được tách ra, giao cho địa phương thực hiện thì dự án có một gói thầu xây lắp. Dự kiến trong tuần này, Ban sẽ hoàn thành công tác chấm thầu để ký kết hợp đồng và khởi công dự án. Tuy nhiên, theo quy định, công trình chỉ được khởi công khi có trên 10% mặt bằng. Vì vậy, việc địa phương sớm bàn giao mặt bằng sẽ là điều kiện tiên quyết để chúng tôi và các nhà thầu triển khai thực hiện dự án.

Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 46 đoạn Vinh - Nam Đàn có tổng chiều dài hơn 10km. Điểm đầu tại Km 21+642,44 (gần mố M1 cầu Mượu, thuộc địa phận xã Nam Giang, huyện Nam Đàn), điểm cuối tại Km 32+334,53 (gần mố M2 cầu Thiên Đường, thuộc địa phận thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Dự án được đầu tư quy mô đường cấp III đồng bằng gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 21,5m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng, bằng nguồn vốn trung hạn của Trung ương. Trong đó, chi phí bồi thường GPMB là hơn 166 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị hơn 258 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án gần 3,8 tỷ đồng; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 17 tỷ đồng; chi phí khác hơn 7,4 tỷ đồng và chi phí dự phòng gần 47 tỷ đồng.

Theo lộ trình, dự án được Bộ GTVT giao Ban QLDA 85 làm đại diện chủ đầu tư và triển khai trong khoảng thời gian từ 2023-2025.

Văn Thanh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/du-an-500-ty-dong-mo-rong-quoc-lo-46-nguoi-dan-kien-nghi-gi-ve-den-bu-192241010121109605.htm