Dự án 8: Đòn bẩy bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Dự án 8 về bình đẳng giới tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 đã đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em.
Video Hội nghị tổng kết Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' sáng 20/5:
Hội nghị tổng kết Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Ngày 20/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I (2021 - 2025).
Tham dự Hội nghị tổng kết Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' sáng 20/5 có bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các đại biểu ban bộ ngành Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và một số lãnh đạo các tỉnh, thành phố (tham dự trực tiếp và trực tuyến),...

Bà Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Dự án 8 là một trong 10 dự án thành phần của Chương trình MTQG, do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021. Mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, bảo vệ và chăm sóc phụ nữ, trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự án được thiết kế với 4 nhóm nội dung hoạt động trọng tâm và 9 chỉ tiêu cốt lõi, tập trung vào hỗ trợ phát triển toàn diện cho phụ nữ và trẻ em gái tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất.
Sau 5 năm triển khai, Dự án 8 cơ bản hoàn thành 4 nội dung trọng tâm: tuyên truyền thay đổi 'nếp nghĩ, cách làm'; xây dựng mô hình thúc đẩy quyền năng kinh tế cho phụ nữ và giải quyết vấn đề cấp thiết; bảo đảm sự tham gia thực chất của phụ nữ vào đời sống chính trị - xã hội; trang bị kỹ năng về bình đẳng giới cho cán bộ, người có uy tín trong cộng đồng. Kết quả, 8/9 chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 4 chỉ tiêu vượt cao như: tổ truyền thông cộng đồng (đạt 115,5%), địa chỉ tin cậy (231%), CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” (113%), và nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số (208%).
Đặc biệt, hơn 7.000 bà mẹ tại 10 tỉnh có tỷ lệ sinh con tại nhà cao đã được hỗ trợ từ 4 gói chính sách sinh đẻ an toàn. Trung ương Hội cũng đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ chi phí đi lại cho thai phụ và người thân, cùng gói vật tư chăm sóc khi sinh đôi trở lên, hỗ trợ thêm 300.000 đồng cho mỗi trẻ. Các tỉnh thụ hưởng gồm: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Nghệ An, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk và Gia Lai.
Dự án 8 có cách tiếp cận đặc thù, bám sát thực tiễn, phát huy vai trò của các cấp Hội, chính quyền, ban ngành và toàn thể cộng đồng, bao gồm cả nam giới. Các mô hình can thiệp không chỉ hướng tới phụ nữ, trẻ em gái mà còn tác động sâu rộng trong cộng đồng, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Dự án 8 giai đoạn I.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Hương – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện Dự án 8. Cụ thể, một số xã thuộc địa bàn Dự án đạt chuẩn nông thôn mới từ sớm nên phải dừng triển khai, gây gián đoạn hỗ trợ. Việc chưa làm rõ đối tượng thụ hưởng và đối tượng tác động theo Quyết định 1719/QĐ-TTg cũng gây hiểu sai, điển hình như mô hình CLB 'Thủ lĩnh của sự thay đổi' ở một số nơi chỉ huy động trẻ em gái, bỏ qua trẻ em trai nên chưa đúng nguyên tắc bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa Hội Phụ nữ và các ngành tại địa phương còn lỏng lẻo, gây chậm trễ trong phê duyệt và tổ chức hoạt động. Quyết định 1719 thiếu cơ chế phối hợp liên ngành, làm giảm hiệu quả triển khai. Thông tư 55/2023/TT-BTC có định mức chi thấp, cách hiểu và áp dụng giữa các cơ quan chưa thống nhất, gây khó khăn trong dự toán, thanh quyết toán. Việc duy trì các mô hình cộng đồng gặp khó khăn do thiếu kinh phí địa phương. Một số nội dung như hỗ trợ nạn nhân mua bán người hay ứng dụng công nghệ cho phụ nữ dân tộc khó triển khai vì thiếu đối tượng hoặc vướng quy định.

Khen thưởng các tập thể, cá nhân trong thực hiện Dự án 8 giai đoạn 1 trong Hội nghị tổng kết Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em".
Trong bối cảnh chuyển đổi số và sắp xếp bộ máy chính trị, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nội dung và giải pháp triển khai Chương trình MTQG giai đoạn 2026 - 2030 theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, khơi dậy tinh thần chủ động thay đổi trong cộng đồng, tập trung vào những vấn đề xã hội mới phát sinh hoặc còn dai dẳng, nhằm tháo gỡ rào cản phát triển đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Đồng thời, duy trì, nhân rộng hiệu quả các mô hình thành công của Dự án 8, hiện thực hóa mục tiêu 'Không để ai bị bỏ lại phía sau' và thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề nghị các bộ, ngành liên quan và các địa phương quan tâm, nghiên cứu, điều chỉnh trong Chương trình giai đoạn 2026 - 2030 (giai đoạn II); đồng thời, tiếp tục có nội dung, giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình.
Hội nghị tổng kết Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' sáng 20/5 được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 50 tỉnh, thành phố với sự tham gia của gần 400 đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế, chuyên gia và cơ quan báo chí. Hội nghị cũng biểu dương 30 tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Dự án giai đoạn I.
Tổng kết Dự án 8 giai đoạn I (2021 - 2025) và triển khai thực hiện Dự án 8 giai đoạn II (2026 - 2030).