Dự án BOT Cai Lậy giờ ra sao?
Mới đây nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại vừa đề xuất 2 phương án 'giải cứu' BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, lần này liệu trạm thu phí nhiều tai tiếng trên có được cứu hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Chủ đầu tư bỏ mặc, đường xuống cấp nghiêm trọng
Trạm BOT Cai Lậy thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang với chiều dài toàn tuyến là 38km, trong đó chiều dài tuyến tránh QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy là 12km và chiều dài tuyến QL1 cũ là 26km. Dự án được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2017.
Dự án BOT này tổ chức thu phí hoàn vốn bắt đầu từ ngày 1/8/2017. Trong quá trình thu phí xuất hiện nhiều phương tiện, đối tượng gây rối làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội và gây ùn tắc kéo dài dẫn đến dự án BOT phải tạm dừng thu phí theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 4/12/2017 cho đến nay.
Tính đến thời điểm này, BOT Cai Lậy đã tạm dừng thu phí hơn 4 năm. Trong khoảng thời gian trên, nhiều hạng mục của dự án, nhất là chất lượng mặt đường đã xuống cấp nghiêm trọng do chủ đầu tư bỏ mặc không bảo trì, sửa chữa.
Điều đáng nói là Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã không ít lần có văn bản bản yêu cầu nhà đầu tư tuyến tránh tránh Cai Lậy, doanh nghiệp dự án phải nghiêm túc quản lý, bảo trì theo quy định của pháp luật và hợp đồng, đảm bảo chất lượng công trình và ATGT cho đến khi chấm dứt hợp đồng, chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.
Tình trạng mặt đường xuống cấp trên tuyến tránh BOT Cai Lậy xuất hiện giữa tháng 10/2021 và ngày càng trở nên nghiêm trọng khi không được sửa chữa, khắc phục kịp thời. Mặt đường bị hư hỏng nghiêm trọng, nhiều chỗ sụp lún; một số đoạn ngập nước, hai bên lề đường, vỉa hè chưa được san phẳng.
Ngoài ra, nhiều biển báo, cọc tiêu ở trên tuyến bị ngả nghiêng, xiêu vẹo... chưa được sửa chữa, gây nguy cơ mất ATGT. Đặc biệt tại khu vực đang xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến tránh QL1, khu vực nút giao tuyến tránh với Đường tỉnh 868.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dù BOT Cai Lậy đang tạm dừng thu phí nhưng nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT có trách nhiệm quản lý bảo trì công trình đường bộ trong suốt thời hạn hợp đồng dự án, kể cả đối với các dự án tạm dừng thu phí nhưng chưa chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là điều đã được quy định rất rõ tại Điều 126 Luật xây dựng và Điều 35 của Nghị định 06/2021 của Chính phủ.
Giải cứu liệu có thành công?
Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất 2 phương án thực hiện công tác quản lý bảo trì và đảm bảo ATGT thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT trong thời gian đang tạm dừng thu phí. Đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện phương án giải cứu trạm thu phí nhiều tai tiếng này.
Trong văn bản vừa gửi Bộ trực thuộc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, dự án BOT xuất hiện nhiều hư hỏng nghiêm trọng chưa được sửa chữa gây nguy cơ mất ATGT cao. Đặc biệt là khu vực đang xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến tránh QL1, khu vực nút giao tuyến tránh với Đường tỉnh 868. Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến tránh QL1 đoạn qua thị xã Cai Lậy cũng rất chậm, chưa đảm bảo chất lượng và ATGT.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT 2 phương án cho trạm BOT Cai Lậy trong thời gian chờ bộ trực thuộc giải quyết các tồn tại ở dự án BOT cũng như trong lúc trạm thu phí này chưa được thu phí trở lại.
Phương án thứ nhất là tạm thời thu hồi toàn bộ các đoạn tuyến thuộc dự án BOT Cai Lậy và giao cho Cục Quản lý đường bộ IV tổ chức khai thác, quản lý, bảo trì nhằm đảm bảo lưu thông thông suốt, êm thuận và an toàn.
Phương án thứ 2 là báo cáo Chính phủ chấp thuận để Bộ GTVT thực hiện các thủ tục thanh lý hợp đồng BOT với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; thu hồi lại toàn bộ dự án BOT để Nhà nước tổ chức quản lý, khai thác.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, sau khi hoàn thành công tác sửa chữa, bảo hành các đoạn tuyến thuộc dự án BOT Cai Lậy, Cục Quản lý đường bộ IV sẽ bàn giao lại toàn bộ các đoạn tuyến thuộc dự án BOT cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án khi dự án BOT đủ điều kiện được thu phí trở lại.
Không thể nhân nhượng mãi
Các chuyên gia cho rằng, tình trạng chủ đầu tư và DN dự án bỏ bê công tác bảo hành, sửa chữa đường không chỉ có ở dự án BOT Cai Lậy mà là tình trạng chung của nhiều dự án BOT giao thông đang tạm dừng thu phí. Dù quy định hiện hành đã thể hiện rất rõ trách nhiệm này thuộc về ai nhưng trên thực tế việc xử lý các chủ đầu tư, DN dự án để xảy ra sai phạm gần như không được thực hiện.
TS Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do mâu thuẫn trong xác định mục tiêu, cơ quan quản lý Nhà nước thì phải hướng tới mục tiêu tiếp nhận một dự án bảo đảm chất lượng, an toàn cho người tham gia giao thông, trong khi đó, người kinh doanh chỉ mong muốn mang lại lợi nhuận cao nhất cho khoản vốn bỏ ra.
"Khi làm hợp đồng ký kết giữa hai bên nếu thực hiện không khách quan, minh bạch, không dựa trên những nguyên tắc, mục tiêu chung thì chính đơn vị thi công chỉ chạy theo mục tiêu của họ là làm sao thu lợi cao nhất, thu hồi vốn nhanh nhất" - TS Nguyễn Xuân Thủy nói.
Để chấm dứt tình trạng trên, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan quản lý Nhà nước phải mạnh tay hơn đối với những chủ đầu tư, DN dự án BOT chây ì không chịu sửa chữa, bảo hành đường thuộc dự án của mình.
"Không thể cứ nói là đang gặp khó khăn về tài chính là cho qua được. Chừng nào dự án còn chưa bàn giao về cho Nhà nước thì chừng đó các chủ đầu tư dự án vẫn phải có trách nhiệm" - TS Nguyễn Xuân Thủy cho hay.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/du-an-bot-cai-lay-gio-ra-sao-444003.html