Dự án BOT cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận vẫn chưa thể thu phí
Đến thời điểm này, dự án BOT cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 1 chưa thể thu phí theo kế hoạch do Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang chưa phê duyệt mức giá dịch vụ.
Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Trung Lương-Mỹ Thuận cho biết theo kế hoạch thu phí hoàn vốn dự án BOT cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 1 sẽ diễn ra vào ngày 1/8.
Tuy nhiên đến thời điểm này, dự án chưa thể thu phí theo kế hoạch do Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang (cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án) chưa phê duyệt mức giá dịch vụ.
Trước đó, vào ngày 30/7/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang để phản hồi văn bản số 4033/UBND-KT ngày 26/7/2022 về tham vấn ý kiến đối với phương án giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 1.
Tại văn bản này, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận do Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nên việc xác định giá dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc thẩm quyền của tỉnh Tiền Giang.
Điều đáng nói là quy định này đã được xác định rất rõ, đầy đủ tại Luật Giá và các Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 và số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 của Bộ Giao thông Vận tải quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải cho hay theo quy định tại Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định giá tối đa đối với giá dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh; dịch vụ sử dụng đò, phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, do trung ương quản lý.
Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh, dịch vụ sử dụng đò, phà được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngoài ngân sách, do địa phương quản lý...
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận do Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên việc xác định giá dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc thẩm quyền của tỉnh Tiền Giang.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang căn cứ quy định của pháp luật về giá, quy định của hợp đồng dự án và các quy định khác có liên quan. Đồng thời, tham khảo thêm giá ở các dự án đường bộ cao tốc có tính chất tương đồng để quyết định và tổ chức thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phù hợp, tuân thủ quy định pháp luật hiện hành.
Mặt khác, ngày 1/8 vừa qua, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng có thông báo kết luận của Hội đồng về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành đưa vào khai thác dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. Theo đó, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành của các chủ đầu tư để đưa dự án vào khai thác, sử dụng theo thiết kế được duyệt.
Tuy nhiên, thay vì mạnh dạn quyết những vấn đề trong thẩm quyền, được pháp luật cho phép, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang lại loay hoay đi hỏi các bộ, ngành liên quan đối với việc ban hành mức giá dịch vụ cho cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đã dẫn tới sự chậm trễ không đáng có, dù công trình này đã được đưa vào khai thác từ 3 tháng trước.
Kể từ khi nhận vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 1 từ 3 năm trước, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang khá thận trọng trong việc xử lý các vấn đề phát sinh.
Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, có thể thông cảm phần nào do địa phương này chưa từng quản lý một dự án hạ tầng giao thông nào có quy mô lớn, phức tạp như cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận. Nhưng, nếu không dám quyết nhanh, gọn đối với những vấn đề đã rõ như phương án giá thu phí thì lại gây cản trở tới tiến độ triển khai công trình, ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của nhà đầu tư.
Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dài 51,5km, nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trên tuyến bố trí các trạm thu phí gồm trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa, trạm thu phí Cai Lậy, trạm thu phí Cái Bè, trạm thu phí An Thái Trung, tất cả các trạm đều đã được lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC).
Tuyến cao tốc này đã được thông xe chính thức từ ngày 30/4 nhưng đến nay Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa chốt mức giá sử dụng đường bộ; thời điểm triển khai thu phí gây rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư./.