Dự án BOT thua lỗ: Ngân hàng sốt ruột như... 'ngồi trên đống lửa'

Đa số các dự án không đáp ứng được yêu cầu, báo sai lưu lượng, doanh thu không đạt so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án, các nhà đầu tư BOT gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.

Ngoài một số dự án có mức tăng trưởng doanh thu tốt, đến nay đa số các dự án BOT có doanh thu không đạt so với số thu dự kiến tại hợp đồng, các nhà đầu tư BOT gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu. (Ảnh minh họa: Int)

Ngoài một số dự án có mức tăng trưởng doanh thu tốt, đến nay đa số các dự án BOT có doanh thu không đạt so với số thu dự kiến tại hợp đồng, các nhà đầu tư BOT gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu. (Ảnh minh họa: Int)

Từng được coi là “ông trùm” BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao) phía Bắc với hàng chục dự án giao thông lớn, thế nhưng đến nay, Công ty CP Tasco cũng đang lao đao và trở thành con nợ lớn của ngân hàng vì hàng loạt dự án BOT không thu phí được đúng kế hoạch như: BOT Tân Đệ và BOT Tân Hưng (Thái Bình), BOT quốc lộ 10 (Hải Phòng)…

Đa số dự án BOT gặp khó

Hiện nay, cả nước có 107 trạm thu phí thuộc thẩm quyền trung ương và địa phương. Tuy nhiên, theo số liệu vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thực hợp BOT. Đến nay, hệ thống quản lý, giám sát, khai thác dữ liệu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tại các dự án BOT mới chỉ được áp dụng cho 6/66 trạm thu phí.

Về doanh thu phí, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ngoài một số dự án có mức tăng trưởng doanh thu tốt, đến nay đa số các dự án có doanh thu không đạt so với số thu dự kiến tại hợp đồng dự án, các nhà đầu tư BOT gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.

Chẳng hạn, dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì đưa vào thu phí từ tháng 4/2019 nhưng đến nay so với phương án tài chính ban đầu thì doanh thu chỉ đạt 20 - 30%. Theo nhà đầu tư, doanh thu cầu Việt Trì - Ba Vì giảm là do lưu lượng xe phân lưu với cầu Hạc Trì nên không đúng với dự báo lưu lượng và với mức doanh thu này thì không đủ để nhà đầu tư duy trì hoạt động.

“Với lưu lượng và phương án tài chính thu phí như hiện nay thì…100 năm nữa dự án cũng không thể hoàn được vốn. Do vậy chúng tôi đề xuất Nhà nước có cách hỗ trợ dự án vì hiện nay chúng tôi rất bế tắc”, đại diện nhà đầu tư cho biết.

Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện nay khoảng 80% vốn đầu tư cho các dự án giao thông theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), BOT là do ngành ngân hàng tài trợ.

Số liệu từ NHNN cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, tỷ lệ nợ xấu của dự án BOT, BT giao thông liên tục tăng nhanh. Tại thời điểm 30/6/2019, tỷ lệ nợ xấu BOT giao thông là 2,11% và đến 30/6/2020 đã tăng lên 5%.

Nợ xấu dự án BOT tăng khiến ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi cho vay đầu tư các dự án BOT vì trần tín dụng cho lĩnh vực này sắp cạn. Chưa kể, nguồn vốn cho vay dự án BOT chủ yếu là ngắn hạn, theo quy định 40% nguồn vốn ngắn hạn ngân hàng được phép dùng cho vay dài hạn với BOT nhưng trong vòng 3 năm tới tỷ lệ này sẽ giảm xuống 37%, 34% và 30%.

Vì vậy, khi các dự án BOT gặp khó khăn, ngân hàng không thu hồi được vốn sẽ gây ra rủi ro lớn, đặc biệt với những nhà băng có tỷ lệ cho vay BOT, BT cao.

Không nên trông chờ vào vốn vay ngân hàng

Trước nguy cơ nợ xấu ngày càng gia tăng, để gỡ khó cho các doanh nghiệp và ngân hàng, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị dùng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ hoặc mua lại dự án BOT.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thực hợp BOT. Theo đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, dùng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ hoặc mua lại dự án BOT là không phù hợp.

"Trường hợp Nhà nước mua lại các dự án đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu minh bạch, dẫn đến hiệu ứng lan rộng tại các dự án khác, khiếu kiện, làm mất an ninh, trật tự, đồng thời gây áp lực cho ngân sách Nhà nước trong điều kiện khó khăn hiện nay và đi ngược với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng", đại diện Ủy ban Kinh tế lưu ý.

Để tránh sự rủi ro cho nhà đầu tư, ngân hàng, ông Đào Việt Dũng, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng ADB nhấn mạnh: Khâu lựa chọn, thẩm định dự án vô cùng quan trọng. Lựa chọn nhà đầu tư phải có quy trình để làm sao lựa chọn nhà đầu tư có năng lực. Trong hợp tác công tư phải thay đổi tư duy, phải bình đẳng giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước mới có thể thu hút được được các nguồn đầu tư không chỉ trong nước mà còn cả các nguồn từ nước ngoài.

“Phải tạo được môi trường thuận lợi mới thu hút được đầu tư, đặc biệt trong khối tư nhân. Nếu chỉ trông chờ mãi nguồn vốn vay từ ngân hàng thì chưa đủ, vì nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là nguồn ngắn hạn, trong khi nguồn vốn của các dự án BOT lại là các nguồn dài hạn và nhu cầu rất lớn”, ông Đào Việt Dũng cho biết.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/du-an-bot-thua-lo-ngan-hang-sot-ruot-nhu-ngoi-tren-dong-lua-1077690.html