Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành: Đừng để gia hạn nhưng vẫn tiếp tục chậm
Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53 ngày 24/11/2017 (Quốc hội khóa XIV) về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Kéo dài thời gian giải ngân đến hết năm 2024
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Phạm Văn Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đề xuất Quốc hội thông qua chủ trương kéo dài để có cơ sở tiếp tục chi trả hoàn thiện hồ sơ thanh toán quyết toán dự án giải phóng bằng (GPMB) đến hết năm 2024. Theo đó, Trung ương sẽ cấp bổ sung vốn cho dự án, nếu không kéo dài thời hạn thanh toán thì Trung ương nên cấp bổ sung và chia làm hai đợt như đợt 1 cấp ngay trong năm 2024, còn đợt 2 sẽ cấp khi có quyết định phê duyệt quyết toán và số vốn cấp đợt 1 do Chính phủ đề xuất và đưa ngay vào kế hoạch năm 2024 và giao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Cùng quan điểm, theo ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương), đối với các dự án lớn từ trước đến nay không có dự án nào là không chậm tiến độ, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng không ngoại lệ. Do đó nên kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công đến 2024. Bởi thời gian kéo dài như vậy cũng không ảnh hưởng gì đến tiến độ giai đoạn 1 của dự án.
ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) băn khoăn khi thực tế tiến độ dự án sân bay Long Thành đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn. “Dự án sân bay Long Thành là một dự án lớn và vắt qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội. Quốc hội khóa XIII đã thông qua chủ trương đầu tư. Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết 53 đồng ý cho tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Lần này Quốc hội khóa XV xem xét chấp thuận sẽ đưa vào Nghị quyết kỳ họp thứ 6 cho phép lùi thời hạn giải ngân dự án thành phần. Hy vọng tiến độ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 sẽ được bảo đảm và không có thêm một lần trình lùi hoãn thời gian nào nữa” - bà Hoa nói.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) đề nghị cần có những đánh giá sát thực hơn nguyên nhân dẫn đến việc triển khai dự án bị chậm nhiều so với tiến độ. Đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan để từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả, tránh việc đã gia hạn nhưng vẫn tiếp tục chậm trễ trong thời gian tới.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, tiến độ dự án chậm ngoài các nguyên nhân khách quan cũng có nguyên nhân chủ quan do nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi, thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng.
“Qua góp ý của các ĐBQH, Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới” - ông Thắng nói và cho biết sẽ xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần để dự án triển khai đúng tiến độ.
Rà soát, nghiên cứu sửa đổi phương thức đối tác công tư (PPP)
Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Phát biểu tại phiên họp, nhiều ĐBQH bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải ban hành nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực tế với 5 nhóm cơ chế, chính sách trong dự thảo.
Theo ĐB Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng), thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đầu tư những công trình, dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, trong đó đã hoàn thành nhiều tuyến đường bộ cao tốc từng bước hình thành mạng lưới giao thông đường bộ thuận lợi với các tuyền đường cao tốc và tỉnh lộ. “Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án cần có Nghị quyết đặc thù như lần này” - ông Tạo nói.
Đồng tình với việc ban hành nghị quyết trên, song ĐB Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng hiện nay Chính phủ đang trình tỷ lệ vốn nhà nước cao hơn so với tỷ lệ quy định trong Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) là 70%. Do đó đề nghị Chính phủ nên cân nhắc kỹ lưỡng nâng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước khi tham gia dự án PPP lên 80% để giải quyết khó khăn, vướng mắc.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP là vấn đề khó và nhạy cảm. Trước đây không quy định tỷ lệ, sau này có Luật PPP đưa ra tỷ lệ 50%. Dù thời điểm đó đưa ra tỷ lệ này đều có căn cứ rõ ràng nhưng đến nay, nhận thấy quy định này không còn phù hợp như các dự án đi qua các địa phương có lưu lượng xe thấp, nhu cầu vận tải không cao thì nhà đầu tư không quan tâm. Hay các dự án đi qua các đô thị thì chi phí GPMB là rất lớn. Do đó sự cần thiết nâng tỷ lệ vốn Nhà nước với yêu cầu là bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân và bảo đảm tính khả thi. Qua tính toán cho thấy mức 70 - 75% là hợp lý tuy nhiên một số dự án có thể cao hơn tùy từng dự án cụ thể, tùy khả năng cân đối vốn của Nhà nước để quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia. Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến ĐBQH để trong thời gian tới rà soát, nghiên cứu sửa đổi PPP.
Chiều cùng ngày, với 90,49% ĐBQH có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700- 4.730 đô la Mỹ (USD); Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%-24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0-4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8%-5,3%; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%; Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ; Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.